Giao dịch chứng khoán phiên sáng 24/11: Cổ phiếu thép lại thăng hoa, VN-Index tiếp tục điều chỉnh

Giao dịch thị trường vẫn tương đối ảm đạm với thanh khoản thấp, áp lực phân hóa cao, nhưng nhóm ngành thép vẫn đang thu hút được sự quan tâm nhất định từ nhà đầu tư.

Trong phiên hôm qua, giao dịch thị trường chậm lại đáng kể trong suốt cả phiên, VN-Index gần như chỉ giằng co, rung lắc quanh tham chiếu trước khi có nhịp rơi nhanh về 946 điểm khi đóng cửa.

Dù chỉ giảm hơn 6 điểm, nhưng bảng điện tử khá tiêu cực khi sắc đỏ gấp tới hơn 3 lần số mã tăng, trong đó có tới 54 mã giảm sàn, với nhiều cổ phiếu bất động sản đã bị chốt lời T+ ngắn hạn.

Đồng thời, đây cũng là phiên giao dịch có mức thanh khoản thấp thứ 2 trong năm nay, sau phiên thấp kỷ lục ngày 26/10 (hơn 8.000 tỷ đồng).

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 24/11, thị trường chưa có thêm tín hiệu mới nào để dẫn dắt dòng tiền, áp lực phân hóa mạnh tiếp tục diễn ra và VN-Index gần như chỉ giằng co, rung lắc quanh tham chiếu với biên độ 5 điểm, dù có lúc mất gần 10 điểm đầu phiên.

Nhóm bluechip hoạt động tương đối kém, ngoài NVL và PDR nằm sàn thì phiên sáng nay còn có thêm sự góp mặt của MWG, trong đó, NVL có gần 3 triệu đơn vị khớp lệnh sau hơn 1 giờ giao dịch, và dư bán sàn gần 13 triệu đơn vị, còn PDR vẫn tắc thanh khoản và dư bán sàn gần 110 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép có lẽ là nhóm cổ phiếu đáng chú ý nhất sau nửa đầu phiên sáng nay, ngoài HPG nhích hơn 2% thì HSG tăng kịch trần lên 9.200 đồng, NKG cũng tăng vọt hơn 6%, thanh khoản cả 3 cổ phiếu này đang thuộc top cao nhất sàn HOSE.

Giao dịch vẫn tương đối ảm đạm ở nửa sau của phiên, các bluechip phân hóa, trong khi bảng điện tử dần bị sắc đỏ lấn át đã khiến VN-Index rơi dần và về dưới 940 điểm khi kết phiên, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 159 mã tăng và 231 mã giảm, VN-Index giảm 6,94 điểm (-0,73%), xuống 939,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 238,6 triệu đơn vị, giá trị 3.370,9 tỷ đồng, tương đương về khối lượng và giảm 7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 17,4 triệu đơn vị, giá trị 311 tỷ đồng.

Trong các mã lớn, PDR và NVL vẫn yên vị tại giá sàn 13.850 đồng và 21.950 đồng, trong đó, PDR dư bán sàn hơn 108 triệu đơn vị, NVL khớp gần 3 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 15,2 triệu đơn vị.

Chiều nay, lượng hàng T+ hơn 128 triệu cổ phiếu trong phiên 22/11 sẽ về tài khoản và nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi diễn biến của lượng cổ phiếu này.

Ở những nơi khác, cổ phiếu MWG cũng bất ngờ bị bán mạnh và giảm sàn -6,9% xuống 37.700 đồng, khớp hơn 5,66 triệu đơn vị.

Gây sức ép đối với thị trường còn có cổ phiếu lớn MSN -4,8% xuống 88.400 đồng, khớp chỉ 0,35 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu giảm điểm còn lại chỉ mất điểm nhẹ như SSI -1,9% xuống 15.500 đồng, BID, GAS giảm 1,5%, CTG mất 1,4%, TCB -1,1%...

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu tăng tốt nhất là PLX +3,2% lên 27.500 đồng, các mã tăng khác chỉ nhích nhẹ, như VHM, VNM, VIC, HPG, VRE, ACB nhích từ 0,5% đến 1,7%. Trong đó, HPG vẫn là cổ phiếu hút giao dịch nhất với 14,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một vài cổ phiếu riêng lẻ hút dòng tiền như HAG, GIL khi đều tăng kịch trần lên 7.860 đồng và 23.600 đồng, trong đó, HAG khớp hơn 10 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 3,64 triệu đơn vị.

Cổ phiếu thép với việc HPG hạ nhiệt thì NKG cũng hạ độ cao, nhưng vẫn còn tăng khá +4% lên 9.050 đồng, khớp 3,87 triệu đơn vị, trong khi HSG đứng vững ở mức giá trần +7% lên 9.220 đồng, khớp 9,68 triệu đơn vị.

Một số ít cổ phiếu ở nhóm bất động sản, xây dựng có mức tăng tương đối tốt đi kèm thanh khoản khá như ITC, NLG, LGL, với mức tăng 4-5%.

Các cổ phiếu điện có DRL, PGV, NT2, tăng từ 2,7% đến 4%, các mã logistics với GMD, VNL, TMS nhích từ hơn 2% đến 6%...

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu giảm sâu có hai mã đáng kể là HPX, NBB khi đều giảm sàn tại 10.550 đồng và 11.300 đồng, trong đó, HPX vẫn dư bán sàn hơn 65,2 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thanh khoản tốt trên sàn đa số cũng chìm trong sắc đỏ, với đa số là các mã bất động sản, xây dựng như DXS, LDG, VCG, KBC, HQC, GEX, DXG, DIG, khớp từ 1,83 triệu đến 4,7 triệu đơn vị, riêng DIG khớp gần 18 triệu đơn vị, cao nhất sàn HOSE và giảm mạnh 5% xuống 11.500 đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số UpCoM-Index cũng đã về lại sắc đỏ sau khi chớm xanh vào giữa phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 54 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index giảm 1,27 điểm (-0,66%), xuống 189,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,3 triệu đơn vị, giá trị 308,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,4 triệu đơn vị, giá trị 5,4 tỷ đồng.

Một vài cổ phiếu còn tăng có CEO +6,1% lên 12.200 đồng, VGS +6,3% lên 8.400 đồng, trong khi IDJ, APS, TNG, API chỉ nhích trên dưới 1,5%.

Còn lại đa số giảm, với MST, VC2 và BII giảm sàn, trong khi, SHS, IDC, PVS, PVC, giảm, với biên độ từ 1,5% đến hơn 3%.

Phiên này, CEO là mã khớp lệnh cao nhất sàn khi có 5,83 triệu đơn vị, SHS khớp 4,44 triệu đơn vị, IDC khớp 1,9 triệu đơn vị, PVS khớp 1,47 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index phần lớn thời gian giao dịch ở trên tham chiếu, nhưng lực bán gia tăng ở những phút cuối đã khiến chỉ số này cũng rơi về sắc đỏ.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,11 điểm (-0,17%), xuống 67,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 10,4 triệu đơn vị, giá trị 108,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,96 triệu đơn vị, giá trị 18,7 tỷ đồng.

Gần 30 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thì chỉ còn SSH, PBC tăng nhẹ, cùng QTP đứng tham chiếu.

Các mã khác đều giảm, với BOT và DSC giảm sàn về 2.700 đồng và 48.000 đồng, FIT -11,9%, SBS -7,1%, DDV -6,1%...

Phiên này, BSR vẫn là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất, khớp hơn 2,96 triệu đơn vị, giảm 5,1% xuống 12.900 đồng.

Lạc Nhạn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-phien-sang-2411-co-phieu-thep-lai-thang-hoa-vn-index-tiep-tuc-dieu-chinh-post310604.html