Giao dịch chứng khoán phiên sáng 29/3: Sắc đỏ lấn át, VN-Index về 1.050 điểm
Sự cải thiện của thanh khoản trong phiên hôm qua chưa đủ giúp nhà đầu tư yên tâm, khi thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ cũng như lo ngại áp lực tại vùng cản 1.050-1.060 điểm càng khiến lực cầu vắng bóng.
Trong phiên hôm qua, dòng tiền khá tích cực đã lôi kéo thêm một bộ phận nhà đầu tư mạnh tay giải ngân hơn giúp một số bluechip hưởng lợi, đưa VN-Index nhích lên thử thách ngưỡng 1.060 điểm.
Dù vậy, tại gần ngưỡn cản này, lực bán đã gia tăng, VN-Index theo đó bị đẩy dần trở lại gần tham chiếu và kết phiên chỉ còn tăng nhẹ.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 29/3, thị trường đảo chiều khá nhanh từ sắc xanh xuống dưới tham chiếu do số mã giảm gia tăng trên bảng điện tử. Tuy vậy, lực cung không thực sự mạnh, các cổ phiếu phần lớn chỉ giảm nhẹ nên VN-Index không mất điểm sâu mà chỉ giằng co nhẹ ở ngay sát vùng dưới tham chiếu.
Điểm đáng chú ý là thanh khoản, sau khi có sự gia tăng khá tích cực trong phiên hôm qua đã chậm lại đáng kể, với chỉ hơn 2.300 tỷ đồng giá trị giao dịch trên HOSE sau hơn 1 giờ mở cửa và diễn biến khá ảm đạm, ngoại trừ phần nào đó là các cổ phiếu thép như NKG, HSG, HPG đang hoạt động có phần tốt hơn với mức tăng trên dưới 2%.
Thị trường có nhịp sụt giảm khá nhanh về dưới 1.050 điểm do sắc đỏ hiện diện nhiều hơn ở nhóm VN30, tuy nhiên, lực cầu đỡ giá cũng khá nhanh nhập cuộc, giúp chỉ số VN-Index bật nhẹ trở lại gần mức giá trên khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 85 mã tăng và 251 mã giảm, VN-Index giảm 4,74 điểm (-0,45%), xuống 1.049,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 220,78 triệu đơn vị, giá trị 3.892,8 tỷ đồng, giảm hơn 33% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 21,7 triệu đơn vị, giá trị 427,8 tỷ đồng.
Nhóm trụ VN30 chỉ còn lác đác vài cổ phiếu tăng, trong đó, tăng tốt nhất vẫn là TCB, nhưng chỉ +1,6% lên 28.000 đồng, MBB +1,1% lên 18.200 đồng, các mã VIB, SSI, POW và HPG chỉ tăng nhẹ từ 0,2% đến 0,7%.
Ở chiều ngược lại, dù có tới 21 mã giảm, nhưng cũng không mã nào giảm sâu, với PDR mất điểm mạnh nhất cũng chỉ -2% xuống 12.200 đồng, BCM -1,9% xuống 80.700 đồng, VJC -1,9% xuống 104.400 đồng.
Thanh khoản trong nhóm tốt nhất thuộc về HPG với hơn 1,75 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, có lẽ chỉ còn hai cổ phiếu ngành thép khác có được sự sôi động nhất định, với HSG +2,5% lên 16.650 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường với 12,77 triệu đơn vị và NKG +1,9% lên 16.350 đồng, khớp 5,58 triệu đơn vị.
Sắc xanh khác còn tại một số cổ phiếu đơn lẻ như một số mã chứng khoán CTS, BSI, VCI, TVS, FTS, HCM, với FTS tăng tốt nhất +2,4% lên 23.500 đồng, TVS +2,3% lên 22.500 đồng.
Cổ phiếu TGG tiếp tục hút lực cầu và tăng trần phiên thứ ba liên tiếp +7% lên 4.130 đồng, khớp 0,48 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, cũng không có nhiều cổ phiếu giảm sâu, và nếu có cũng đều là những mã thanh khoản thấp, như nhóm HU1, SFC, CCI, EMC, PMG đều giảm sàn, nhưng khớp lệnh chỉ vài trăm đơn vị.
Trên sàn HNX, giao dịch ảm đạm và phần lớn các cổ phiếu đều giảm nhẹ hoặc đứng tham chiếu khiến HNX-Index cũng tạm kết phiên trong sắc đỏ.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 48 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index giảm 0,86 điểm (-0,42%), xuống 204,9 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,9 triệu đơn vị, giá trị 306,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,63 triệu đơn vị, giá trị 74,6 tỷ đồng.
Không ít các cổ phiếu như SHS, PVS, VHE, HHG, DVM, PVC, TAR, PLC, BII, AMV, HUT…đều chỉ về tham chiếu khi kết phiên, khớp lệnh từ 0,22 triệu đến hơn 1,4 triệu đơn vị, riêng SHS khớp lệnh cao nhất sàn với 6,89 triệu đơn vị.
Phần còn lại, các mã PVL +5% lên 2.100 đồng là đáng kể nhất, còn VGS, BCC, API, DTD chỉ xanh nhạt.
Trái lại, VKC giảm sàn -7,7% xuống 1.200 đồng, khớp 0,82 triệu đơn vị, còn giảm điểm khác là CEO, MBS, IDC, IDJ, TNG, APS, TKG, nhưng chỉ giảm nhẹ.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index lại bật lên từ sớm và đi ngang quanh mức đỉnh trong phiên đến khi hết giờ giao dịch.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,39 điểm (+0,51%), lên 75,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,09 triệu đơn vị, giá trị 91,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.
Giao dịch đáng chú ý nhất vẫn thuộc về LMH, khi 8 phiên từ 16/3 đến 27/3 có đến 7 phiên giảm, một phiên đứng tham chiếu, thì đã tăng trần ngay trong phiên hôm qua và tiếp tục giữ giá trần trong phiên sáng nay +12,1% lên 3.700 đồng, thanh khoản cũng vươn lên dẫn đầu UpCoM với 2,53 triệu đơn vị.