Giao dịch chứng khoán: Quỹ ngoại bất đồng

Hai tháng qua, các quỹ ETF ngoại có xu hướng mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng các quỹ đầu tư chủ động (active funds) có động thái bán ròng.

Khối ngoại vẫn bán ròng, trừ giao dịch thỏa thuận

Giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu là các quỹ đầu tư, bao gồm quỹ đầu tư bị động (đầu tư theo chỉ số - ETF) và quỹ đầu tư chủ động. Các quỹ thường xuyên chiếm 80 - 90% tổng giá trị giao dịch toàn khối.

Từ đầu năm đến nay, khối ngoại có xu hướng bán ròng. Trong đó, 8 tháng đầu năm, nếu loại trừ giao dịch mua thỏa thuận 650 triệu cổ phiếu VHM trong tháng 6, thì khối ngoại bán ròng 963 triệu USD.

Hai tuần đầu tháng 9, khối này mua ròng nhờ phiên giao dịch thỏa thuận hơn 5.400 tỷ đồng cổ phiếu VHM.

Theo ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, khối ngoại có một số thương vụ mua thỏa thuận đột biến tại VHM và MSN.

Về mặt bản chất, dù không trực tiếp ảnh hưởng lên giao dịch trên thị trường (do được thực hiện thông qua hình thức thỏa thuận) nhưng cần nhìn nhận đây vẫn là dòng vốn ngoại tham gia thêm vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Các đợt mua thỏa thuận tại VHM và MSN đạt giá trị lần lượt 21.888 tỷ đồng và 2.335 tỷ đồng, nên dòng vốn ngoại trên thực tế chỉ bán ròng 882 tỷ đồng tại HOSE kể từ đầu năm. Trong khi đó, phần lớn các thị trường mới nổi khác đều bị rút vốn mạnh.

Về diễn biến dòng vốn các quỹ ETF, từ đầu năm đến ngày 15/9, có quỹ hút vốn ròng, nhưng có quỹ bị rút vốn, tính chung các quỹ huy động thêm hơn 400 tỷ đồng. Đáng chú ý, hai quỹ mới là VFMVN Diamond ETF và SSIAM VNFin Lead ETF lần lượt huy động được 1.617 tỷ đồng và 579 tỷ đồng.

Mới đây nhất, thị trường Việt Nam thu hút thêm một quỹ đến từ Đài Loan là CTBC Vietnam Equity Fund có quy mô 170 triệu USD. Bên cạnh đó, Quỹ ETF VN30 của Mirae Asset chuẩn bị huy động vốn đợt đầu khoảng 100 - 200 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng lên 2.000 tỷ đồng sau 1 năm.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, các quỹ ETF ngoại có xu hướng bán ròng trong những tháng đầu năm, nhưng vài tháng gần đây chuyển sang mua ròng.

Hai quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF và FTSE Vietnam Swap UCITS ETF hút vốn ròng trong 2 tháng vừa qua, tổng cộng 21,4 triệu USD trong tháng 7 và 45,6 triệu USD trong tháng 8.

Ngay sau khi huy động thêm vốn, cả hai quỹ đã nhanh chóng giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam theo đúng tỷ trọng đề ra, lần lượt là 67% và 100%.

Tuy nhiên, xét tổng giao dịch của toàn bộ khối ngoại thì hoạt động bán ròng vẫn là chủ đạo. Cụ thể, giá trị bán ròng là 23,5 triệu USD trong tháng 7 và 147 triệu USD trong tháng 8.

Kết quả này thể hiện nhóm các quỹ đầu tư chủ động có động thái bán ròng. Số liệu giao dịch của các quỹ đầu tư chủ động không có nhiều, vì họ không có nghĩa vụ phải công bố thông tin, trừ trường hợp sở hữu từ 5% cổ phần trở lên.

Triển vọng đồng thuận mua ròng

Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam vẫn đang phát triển, phòng chống dịch Covid-19 tốt, nên được dòng vốn ngoại quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Nhà đầu tư nước ngoài chủ động mua bán thường gặp khó khăn trong quá trình tự đầu tư, nên họ ưa thích đầu tư vào các quỹ ETF tại Việt Nam, tương tự như cách họ ưa thích quỹ ETF tại thị trường bản địa.

Theo đó, quỹ ETF sẽ là kênh huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chính cho thị trường Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai.

Ông Nguyễn Anh Đức cho rằng, các quỹ ETF ngoại huy động một phần đáng kể lượng vốn từ các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài.

Thực tế, trong bối cảnh có sự dư thừa thanh khoản tại hầu hết các thị trường lớn trên thế giới, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng rót vốn vào các quỹ ETF đầu tư vào các quốc gia có tiềm năng mà chỉ số chứng khoán chưa tăng nhiều.

Nhìn chung, diễn biến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam là tích cực trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu tiếp tục bị rút khỏi các thị trường mới nổi và hướng vào các thị trường phát triển do có tỷ suất sinh lời vượt trội trong năm nay.

Thị trường Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian gần đây cũng khiến một số quỹ có động thái tăng đầu tư sau khi rút bớt vốn tại các thị trường khác.

Khối ngoại bán ròng tại thị trường Việt Nam, nhưng giá trị không lớn, đặc biệt là dòng tiền vẫn ở lại thị trường.

Tháng 3 là giai đoạn lo ngại khi các quỹ bán ồ ạt, còn hiện nay không đáng ngại. Các quỹ chủ động giảm tỷ trọng ở một số cổ phiếu, tăng số dư tiền mặt nhằm tìm cơ hội giải ngân mới.

Được biết, Quỹ VEIL do Dragon Capital quản lý trong tuần cuối tháng 8, đầu tháng 9 bán ròng khoảng 27,5 triệu USD (tương đương 642 tỷ đồng), đưa tỷ trọng tiền mặt của Quỹ tăng mạnh từ mức thấp nhất kể từ đầu năm là 0,63% lên 2,55%.

Một số quỹ bán mạnh trong thời gian qua hiện đã thực hiện xong quá trình tái cơ cấu tài sản. Ngoài ra, việc tham gia của một số quỹ mới như CTBC Vietnam Equity Fund sẽ giúp hoạt động giao dịch của khối ngoại tích cực hơn.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt nhận định, xu hướng trung và dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam là khả quan, nhất là khi thị trường có triển vọng được nâng hạng trong một vài năm tới.

Theo đó, khối ngoại sẽ có động thái mua ròng, không chỉ ở các quỹ ETF mà còn ở cả các quỹ chủ động.

Đồng tiền Việt Nam được hỗ trợ bởi các yếu tố như thặng dư thương mại cao và dòng vốn FDI duy trì tốt. Do đó, tỷ giá USD/VND kỳ vọng vẫn sẽ ổn định trong thời gian tới. Đây là yếu tố thuận lợi đối với các quỹ ngoại vì điều này giúp tránh rủi ro đồng nội tệ mất giá, gây ảnh hưởng đến kết quả hoạt động.

Mai Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/giao-dich-chung-khoan-quy-ngoai-bat-dong-post250628.html