Giao dịch chứng khoán sáng 18/3: Thị trường lao dốc, nhiều mã vừa và nhỏ bất động sản vẫn nóng
Áp lực bán trên diện rộng sau hơn 1 giờ mở cửa khiến thị trường cắm đầu lao dốc, chỉ số VN-Index có thời điểm bốc hơi hơn 40 điểm, tuy nhiên nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ bất động sản vẫn chiến thắng và tỏa sức nóng.
Dòng tiền sôi động luân chuyển qua các nhóm ngành đã giúp thị trường khép lại tuần qua tăng hơn 16 điểm và có thời điểm lập kỷ lục ngắn hạn mới khi vượt mốc 1.270 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán gia tăng khi VN-Index leo cao khiến thị trường bắt đầu xuất hiện những phiên biến động khá mạnh và đã liên tiếp điều chỉnh nhẹ trong 2 phiên cuối tuần.
Dù vậy, chỉ báo dòng tiền CMF đang hướng lên cho thấy dòng tiền vẫn đang tham gia thị trường và chưa có dấu hiệu rút ra, cùng chỉ báo RSI mới hình thành một đỉnh và chưa cho dấu hiệu hình thành đỉnh thứ hai, cho thấy xác suất cao thị trường sẽ tiếp tục tích lũy và hiện tại vẫn chưa quá xấu.
Theo ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC, thị trường đang bước vào giai đoạn tích lũy với biên độ từ 1.150-1.300 điểm, VN-Index cần thời gian tích lũy sau nhịp tăng dài để chờ đợi thêm những bằng chứng thuyết phục hơn về sức khỏe nền kinh tế và sự hồi phục lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần ngày 18/3, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng khiến thị trường biến động giằng co nhẹ.
Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ mở cửa, thị trường đột ngột biến động bất ngờ. Áp lực bán mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip đã lan rộng ra thị trường khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ, chỉ số VN-Index cắm đầu lao dốc khi bốc hơi tới hơn 30 điểm.
Khi VN-Index về sát mốc 1.230 điểm, lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh đã giúp thị trường bật hồi. Sau khoảng 90 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đang biến động quanh mốc 1.240 điểm với mức giảm hơn 24 điểm.
Trong khi số mã giảm chiếm áp đảo, gấp tới 5 lần số mã tăng, thì thị trường vẫn có những con sóng nhỏ lẻ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ. Dù thị trường gặp biến khiến các mã này hạ độ cao nhưng vẫn giữ sức nóng trên thị trường. Điển hình như DIG đang tăng 4,4% với thanh khoản lên tới 45,8 triệu đơn vị; TCH tăng 3,4% và khớp 23 triệu đơn vị, các mã HQC, DXG, NVL, CII cũng đều khởi sắc với thanh khoản vài chục triệu đơn vị…
Áp lực bán mạnh và khá dứt khoát được kích hoạt trên diện rộng một lần nữa khiến thị trường rơi mạnh sau nỗ lực bất hồi bất thành. Dù VN-Index bật hồi đôi chút nhờ dòng tiền sôi động giúp một số mã thoát sắc xanh mắt mèo, nhưng chỉ số chung khó tránh khỏi phiên giảm sâu. Đáng chú ý là thanh khoản thị trường đột biến đạt hơn 1 tỷ USD chỉ riêng trong phiên sáng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 461 mã giảm (13 mã giảm sàn) và chỉ còn 38 mã tăng, VN-Index giảm 35,91 điểm (-2,84%) xuống 1.227,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,07 tỷ đơn vị, giá trị 27.003,5 tỷ đồng, gấp đôi về khối lượng và tăng hơn 92% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần ngày 15/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 25,18 triệu đơn vị, giá trị 662,74 tỷ đồng.
Nhóm VN30 toàn bộ đều chuyển qua sắc đỏ và chốt phiên cũng để mất tới gần 40 điểm. Trong đó, một số mã đã bắt đầu có tín hiệu bị bán tháo và đã có thời điểm nằm sàn như GVR, CTG, nhưng sau đó 2 mã này cũng đã bật hồi và chốt phiên giảm hơn 5-6%, còn lại cũng đều giảm khá mạnh với phần lớn trên 2%.
Xét về nhóm ngành, nhóm chứng khoán giảm mạnh với FTS và AGR chốt phiên nằm sàn, các mã BSI, CTS, VDS, VIX, ORS đều giảm hơn 6%, còn lại cũng giảm với biên độ rộng. Trong đó, VIX may mắn thoát sắc xanh mắc mèo nhưng cũng giảm 6,7% với thanh khoản sôi động nhất ngành, đạt 43,93 triệu đơn vị; SSI và VND cùng thuộc top 5 mã có thanh khoản cao nhất, cùng đạt hơn 30 triệu đơn vị và chốt phiên cùng giảm hơn 4%.
Bên cạnh đó, nhóm hóa chất và phân bón cũng thuộc top đầu về đà giảm, với DGC và BFC cùng chốt phiên giảm sàn, các mã DPM, DCM đều giảm hơn 5%...
Toàn thị trường, các nhóm ngành đều ghi nhận đà giảm sâu với hơn 1/2 số nhóm ngành giảm hơn 3%, còn lại chủ yếu giảm hơn 2%. Nhóm giảm ít nhất là sản xuất thiết bị, máy móc; nhóm bất động sản và vận tải – kho bãi giảm cũng với biên độ gần 2%.
Tuy nhiên, trong nhóm bất động sản, nhiều mã vừa và nhỏ vẫn ngược dòng khởi sắc. Cụ thể, DIG chốt phiên tăng 3,5% với thanh khoản lên tới 55,7 triệu đơn vị, TCH tăng 2,6% và khớp 27,73 triệu đơn vị, HQC tăng 3,3% và khớp gần 26 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, sau hơn 1 giờ nỗ lực giữ giá xanh, áp lực bán cũng dần lan rộng thị trường khiến HNX-Index lao dốc.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 32 mã tăng và 151 mã giảm, HNX-Index giảm 5,63 điểm (-2,35%) xuống 233,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 124,75 triệu đơn vị, giá trị 2.551,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,34 triệu đơn vị, giá trị 13,46 tỷ đồng.
Cổ phiếu bất động sản là CEO cũng ngược dòng thành công khi chốt phiên tăng 0,9% lên mức 22.300 đồng/CP và khớp lệnh hơn 26,96 triệu đơn vị, chỉ thua SHS.
Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX đều giảm mạnh, với SHS giảm 3,1% và khớp hơn 33,98 triệu đơn vị, MBS giảm 6,1% và khớp 6,43 triệu đơn vị…
Cổ phiếu nhóm phân bón là LAS cũng có thời điểm giảm sàn và chốt phiên giảm 9,3% về gần sàn, với khối lượng khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một số mã giảm mạnh như IDC giảm 5,9%, PVS giảm 2,9%, TNG giảm 4,9%, DTD giảm 8,4%...
Trên UPCoM, không nằm ngoài xu hướng giảm mạnh của thị trường chung, chỉ số UPCoM-Index bay gần 2%.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 1,8 điểm (-1,97%) xuống 89,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,23 triệu đơn vị, giá trị 459,59 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,11 triệu đơn vị, giá trị gần 2 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn sôi động nhất thị trường với hơn 6 triệu đơn vị, chốt phiên sáng nay giảm 4,1% xuống 18.500 đồng/Cp.
Trong khi đó, DRI ngược dòng thị trường khi chốt phiên tăng 5% lên 10.600 đồng/CP và khớp hơn 1,6 triệu đơn vị