Giao dịch Non-Prefunding sẽ có thêm ưu việt kể từ ngày 5/5
Kể từ ngày 5/5 tới, nhiều quy định mới mang tính ưu việt hơn sẽ được áp dụng khi Thông tư 18/2025/TT-BTC có hiệu lực, đặc biệt là liên quan đến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh.

Ngày 26/4/2025 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 18/2025/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 119/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020, Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Thông tư số 68/2024/TT-BTC ngày 18/9/2024 của Bộ trưởng Tài chính. Thông tư 18/2025/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/5/2025.
Thông tư này đã sửa đổi, bổ sung quy định về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán, công bố thông tin liên quan đến việc triển khai cơ chế nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh (Non-Prefunding) theo Hệ thống KRX và phục vụ mục tiêu nâng hạng thị trường là phù hợp với thực tiễn triển khai, bảo đảm tính hợp lý, đồng thời tiệm cận thông lệ quốc tế trong quản lý công bố thông tin, phục vụ mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo quy định tại Thông tư 18/2025/TT-BTC, thời điểm nhà đầu tư Non-Prefunding phải có đủ tiền và trách nhiệm thanh toán của công ty chứng khoán không có sự khác biệt so với Thông tư 68/2024/TT-BTC.
Cụ thể, tương tự như quy định tại Thông tư 68/2024/TT-BTC, Thông tư 18/2025/TT-BTC, nhà đầu tư Non-Prefunding chỉ cần có đủ tiền trước thời điểm thành viên lưu ký có đủ tiền trên tài khoản tiền gửi thanh toán của thành viên lưu ký mở tại ngân hàng thanh toán vào ngày thanh toán: Chậm nhất 10 giờ 15 sáng ngày T+2 theo Quy chế của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC).
Đồng thời, công ty chứng khoán vẫn chịu trách nhiệm bảo đảm thanh toán vào sáng ngày T+2 cho các giao dịch Non-Prefunding trong trường hợp nhà đầu tư Non-Prefunding không thực hiện thanh toán tương tự Thông tư 68/2024/TT-BTC để bảo đảm không có giao dịch thất bại của nhà đầu tư Non-Prefunding.
Theo Ban soạn thảo, những quy định mới tại Thông tư số 18/2025/TT-BTC có nhiều điểm ưu việt hơn so với Thông tư 68/2024/TT-BTC, đặc biệt liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư Non-Prefunding.
Cụ thể, mọi giao dịch đã được xác lập của nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Non-Prefunding nói riêng sau khi xác nhận thanh toán tại chiều ngày T+1 đều sẽ được thanh toán và không bị lùi hoặc hủy thanh toán. Đây cũng là ưu điểm của Hệ thống công nghệ thông tin mới (Hệ thống KRX) với tính năng không lùi, không hủy thanh toán đối với các giao dịch thiếu tiền thanh toán, tương tự như cách thức triển khai cơ chế Đối tác bù trừ trung tâm (CCP).
Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) cũng đã có Thông báo về việc chính thức đưa vào vận hành Hệ thống công nghệ thông tin thị trường chứng khoán Việt Nam vào ngày 5/5/2025.
Nhiều đánh giá cho thấy, Hệ thống công nghệ thông tin mới sẽ cung cấp một nền tảng công nghệ tích hợp, đồng bộ cho toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc đưa Hệ thống mới vào vận hành được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong hoạt động của thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Bà Đặng Thị Thanh Hương - Phó Tổng Giám đốc HOSE khẳng định, Hệ thống công nghệ thông tin mới khi được vận hành an toàn, thông suốt là nỗ lực và thành quả chung của toàn ngành. Việc hệ thống được vận hành hiệu quả cũng là một bước tiến mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển và phục vụ tốt hơn doanh nghiệp, nhà đầu tư, là cơ hội để triển khai các sản phẩm mới, cũng như hướng tới nâng hạng thị trường.
Cùng với đó, quy định mới bảo đảm giữ tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài (room) cho nhà đầu tư Non-Prefunding trong trường hợp lệnh Non-Prefunding bị thiếu tiền từ phía nhà đầu tư Non-Prefunding vào ngày thanh toán (T+2) cho đến hết ngày liền kề sau ngày thanh toán (T+3) do cổ phiếu vẫn trên tài khoản của nhà đầu tư Non-Prefunding tới hết ngày T+3 nếu nhà đầu tư Non-Prefunding có xác nhận sẽ thanh toán đủ tiền cho công ty chứng khoán. Trong khi cơ chế hiện tại ở Thông tư số 68/2024/TT-BTC cổ phiếu mua thiếu tiền của nhà đầu tư Non-Prefunding sẽ được hạch toán về tài khoản tự doanh của công ty chứng khoán từ ngày T+2 và trường hợp vào ngày T+3 nhà đầu tư Non-Prefunding muốn mua lại cổ phiếu sẽ có thể không thực hiện được do khả năng cổ phiếu đó đã hết room ngoại.
Ban soạn thảo cho biết thêm, một số đề xuất của nhà đầu tư Non-Prefunding trong quá trình thực hiện Thông tư số 68/2024/TT-BTC cũng đã được sửa đổi.
Theo đó, Thông tư 18/2025/TT-BTC thống nhất cách thực hiện tại công ty chứng khoán đối với nhà đầu tư Non-Prefunding. Cụ thể là, Thông tư mới quy định rõ ràng về việc nhà đầu tư Non-Prefunding được đặt lệnh mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh đối với tất cả cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch mà không bị giới hạn bởi các mã cổ phiếu nào, ngoại trừ các cổ phiếu mà công ty chứng khoán không được nhận lệnh mua theo quy định tại khoản 9 Điều 16 Thông tư số 121/2020/TT-BTC đã được sửa đổi bổ sung tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 68/2024/TT-BTC.
Ngoài ra, Thông tư 18/2025/TT-BTC cũng đã sửa đổi Phụ lục XVII ban hành kèm theo Thông tư số 68/2024/TT-BTC về công bố thông tin theo hướng không yêu cầu công bố thông tin đối với thông tin liên quan đến đại diện có thẩm quyền của nhà đầu tư Non-Prefunding.
Thông tư 18/2025/TT-BTC thay thế một số quy định tại Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 68/2024/TT-BTC như sau:
- Khoản 2, khoản 5 Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC được thay thế bởi khoản 2 Điều 40k Thông tư số 119/2020/TT-BTC được bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư này;
- Khoản 3, khoản 4 Điều 9a Thông tư số 120/2020/TT-BTC được thay thế bởi các khoản 7, 8, 9 Điều 40k Thông tư số 119/2020/TT-BTC được bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư này.
Thông tư 18/2025/TT-BTC Bãi bỏ một số quy định tại Thông tư số 68/2024/TT-BTC như sau:
- Bãi bỏ các khoản 2, 3, 4 Điều 4, Điều 2 Thông tư số 68/2024/TT-BTC;
- Bãi bỏ khoản 2 Điều 5 Thông tư số 68/2024/TT-BTC đối với các quy định về bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán và quy định về sử dụng, hoàn trả số tiền sử dụng từ quỹ hỗ trợ thanh toán đã được thay thế tại Điều 40l Thông tư số 119/2020/TT-BTC được bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư này. Các nội dung khác về quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ thanh toán chưa được quy định tại Điều 40l Thông tư này tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 68/2024/TT-BTC cho đến khi chính thức triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm.