Giáo dục con tuổi vị thành niên: Cha mẹ nên 'làm bạn' thay vì người quản lý
Các chuyên gia cho rằng, trong giáo dục con thay vì ép buộc, bắt con cái tuân theo ý chí chủ quan, các bậc phụ huynh nên trở thành một 'người bạn' để lắng nghe tâm tư, hành động nhằm tránh những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Chuyện nhói lòng phụ huynh
Thời gian vừa qua, hàng loạt vụ việc học sinh đang trong độ tuổi đến trường nhưng mang thai rồi tự sinh con hay trẻ nhỏ uống thuốc tự tử vì bị cha mẹ mắng đã khiến nhiều bậc phụ huynh giật mình vì sự xao nhãng, thiếu nhạy cảm trong cách nuôi dạy con cái của minh.
Mới đây, dư luận xã hội bàng hoàng trước thông tin một nữ sinh đang học lớp 7 ở xã Đá Bạc (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) mang thai và đã tự sinh con tại nhà mà gia đình hoàn toàn không hay biết.
Theo đó, ngày 6/1/2021, Công an xã Đá Bạc nhận được tin báo của người dân về việc nữ sinh T. A (SN 2006), hiện đang là học sinh lớp 7 trường THCS Võ Trường Toản (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) tự sinh con tại nhà.
Điều bất ngờ là nữ sinh này mang thai nhưng gia đình không phát hiện sự việc cho đến khi sinh một bé gái trong nhà vệ sinh. Lúc này, gia đình mới phát hiện và đưa hai mẹ con đến Trung tâm Y tế huyện để chăm sóc sức khỏe.
Chưa hết, ngày 15/1/2021, Khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố (TP. Hồ Chí Minh) đã tiếp nhận một bệnh nhân là bé gái Q.N. (15 tuổi, quận Tân Bình) nhập viện trong tình trạng li bì, lơ mơ.
Các bác sĩ đã phải rửa dạ dày và cho bệnh nhân uống than hoạt tính để thải chất độc trong đường tiêu hóa. Sau đó, cháu bé được truyền dịch, điều trị kiềm hóa máu, nước tiểu sau khi đã lấy mẫu máu gửi xét nghiệm định tính và định lượng độc chất, đo điện tâm đồ.
Khai thác bệnh sử ghi nhận em bị mẹ mắng vì ham chơi không lo học nên đã uống 28 viên thuốc chống trầm cảm amitryptyline viên hàm lượng 25mg. Chỉ đến khi em có biểu hiện lơ mơ, nói sảng, đỏ mặt, người nhà mới phát hiện và đưa đến một bệnh viện cấp cứu.
Cha mẹ nên "làm bạn" với con
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Lan - Chuyên gia tâm lý giáo dục cho biết, qua một số trường hợp nêu trên các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý và hãy dành thời gian quan tâm nhiều hơn đến tâm tư tình cảm của con em mình trong giai đoạn vị thành niên.
Theo chuyên gia này, từ trước đến nay các bậc cha mẹ thường giáo dục, dạy dỗ con cái theo ý chí chủ quan của mình mà không để ý đến tâm tư, suy nghĩ của con trẻ.
"Cha mẹ không nên mắng chửi, chỉ trích quá mức mỗi khi con cái mắc phải lỗi lầm gì đó. Bởi việc này có thể đưa con trẻ đến hành động suy nghĩ thiếu chín chắn, dẫn đến hành động nguy hiểm cho bản thân", Thạc sĩ Nguyễn Thanh Lan nói.
Đối với vấn đề giáo dục giới tính trong gia đình, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, các bậc cha mẹ nên thực hiện bằng những nguyên tắc rất giản đơn: thẳng thắn, thân thiện và thực thụ...
Điều này sẽ được cụ thể hóa bằng chính những biện pháp rất xác thực khi có thể kể với con cái chuyện của chính mình trước thay vì cứ tra vấn con mình, chia sẻ kinh nghiệm và những kỹ năng cụ thể, tâm sự bằng những hình thức trao đổi hai chiều và thực sự lắng nghe.
Về cách thức, PGS. TS Huỳnh Văn Sơn cho biết cần quan tâm nhiều đến sự chia sẻ, nhưng sự chia sẻ này phải đi kèm với việc chọn thời điểm thích hợp. Điều này có thể hiểu với mỗi giai đoạn lứa tuổi khác nhau, phụ huynh cần lựa chọn những kiến thức phù hợp để chia sẻ cho con.
"Nói chuyện về giới tính cho con cần nhất vẫn là thái độ nghiêm túc khi đối diện vấn đề giới tính nhưng đừng quá trầm trọng và căng thẳng. Kế đến vẫn là sự chia sẻ chân tình và cụ thể, sau nữa là tỏ ra thân thiện để cùng nhau bộc bạch mà không phải chỉ là dạy bảo", PGS. TS Huỳnh Văn Sơn nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Lan - Chuyên gia tâm lý giáo dục cũng cho rằng, thay vì "quản lý" một cách máy móc thì các bậc phụ huynh nên "làm bạn" với con cái nhằm tránh tâm lý chống đối, suy nghĩ tiêu cực từ phía con trẻ.
Để có thể trở thành bạn của con, cha mẹ nên tìm cách thấu hiểu con mình. Phụ huynh hoàn toàn có thể hiểu được con bằng cách dành thời gian để lắng nghe, chia sẻ và động viên con cái từ chuyện học tập cho đến các mối quan hệ xã hội.
"Đặc biệt, ngoài việc đặt mình vào vị trí của con cái để không áp đặt hành động của con bằng suy nghĩ của bản thân mà nên khuyến khích, ủng hộ sự độc lập trong suy nghĩ, hành động. Cha mẹ cũng không nên can thiệp quá sâu vào cuộc sống cá nhân của con cái mà nên bí mật quan sát để sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ khi các con gặp khó khăn, rắc rối", Thạc sĩ Nguyễn Thanh Lan chia sẻ.