Giáo dục đại học Việt Nam sẽ như thế nào trong năm 2024?

Trong năm 2024, các trường đại học tiếp tục thử nghiệm phương thức tuyển sinh mới, học phí đại học sẽ tăng và hoạt động kiểm định chất lượng tiếp tục sôi động.

 Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Phương Lâm.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Phương Lâm.

Năm 2023 kết thúc với nhiều khởi sắc của giáo dục đại học Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn khó khăn, thách thức liên quan đến nguồn lực, thực hiện tự chủ đại học…

Trao đổi với Tri thức - Znews, tiến sĩ Phạm Hiệp, đồng Trưởng nhóm Nghiên cứu đổi mới giáo dục Reduvation, Đại học Thành Đô; đồng Trưởng nhóm khoa học giáo dục và chính sách, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã có dự đoán nhất định về bức tranh giáo dục đại học Việt Nam năm 2024.

Thay đổi, bổ sung phương thức xét tuyển

Năm 2023, 10 cơ sở giáo dục đại học tổ chức kỳ riêng để tuyển sinh. Tiến sĩ Phạm Hiệp dự đoán năm 2024, bên cạnh việc xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức, các trường đại học tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh bằng các kỳ thi riêng.

Cùng với đó, các trường sẽ triển khai thêm nhiều phương thức tuyển sinh, theo hướng đưa ra tổ hợp mới, kết hợp các tiêu chí mới. Chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cũng có xu hướng giảm.

“Đây là xu hướng chung, theo đà của các năm trước. Các trường đại học, nhất là các trường đặc thù, sẽ đưa ra yêu cầu riêng để tuyển được sinh viên phù hợp", ông Hiệp nhận định.

Cũng theo xu hướng, các trường sẽ mở thêm các ngành mới để đáp ứng nhu cầu xã hội, đồng thời để tuyển sinh tốt hơn. Ngược lại, các ngành khó tuyển được sẽ được thu hẹp hoặc đóng lại.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, ông Hiệp cho rằng các trường không nên mở quá nhiều ngành, thay vào đó là mở các chuyên ngành hẹp để hệ thống ngành nghề không bị “loạn", tránh gây khó hiểu cho học sinh, phụ huynh và xã hội.

 Chuyên gia nhận định các trường đại học tiếp tục thử nghiệm phương thức tuyển sinh mới. Ảnh: Phương Lâm.

Chuyên gia nhận định các trường đại học tiếp tục thử nghiệm phương thức tuyển sinh mới. Ảnh: Phương Lâm.

Học phí đại học sẽ tăng

Kể từ khi được ban hành vào năm 2021, Nghị định 81 quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước vẫn chưa được áp dụng. Mức thu học phí đã không tăng trong 3 năm vừa qua.

Bàn về vấn đề này, ông Phạm Hiệp nhận định năm tới, học phí đại học chắc chắn sẽ tăng.

Theo ông Hiệp, hiện các trường tự chủ đang bị cắt ngân sách chi thường xuyên, chưa có nguồn nào thay thế. Vì vậy, buộc các trường phải tăng học phí để có đủ chi phí trang trải cho hoạt động đào tạo.

Việc Chính phủ yêu cầu không tăng học phí trong 3 năm qua đã dẫn tới việc các trường không đủ ngân sách, không đủ nguồn thu, khó giữ chân giảng viên khiến chất lượng đào tạo, nghiên cứu không đảm bảo.

Bên cạnh đó, việc Chính phủ yêu cầu không tăng học phí chỉ là giải pháp tạm thời, bởi Nghị định đã ban hành thì không thể không thực hiện.

Ông Hiệp đề xuất 2 phương án. Một là nếu yêu cầu các trường không tăng học phí, Chính phủ buộc phải cấp ngân sách cho các trường.

“Tôi đề xuất Nhà nước thành lập một quỹ dành riêng cho các trường tự chủ. Các trường có thể đấu thầu, cạnh tranh nhau để xin ngân sách từ đó”, ông Hiệp nói.

Ngược lại, nếu cắt ngân sách chi thường xuyên, các trường phải được thực hiện lộ trình tăng học phí. Cùng với đó, Nhà nước cần có cơ chế an sinh để hỗ trợ người dân.

Liên quan đến vấn đề tăng học phí, tháng 9/2023, Bộ GD&ĐT đã có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81.

Trong đó, Bộ GD&ĐT đề xuất học phí đại học năm học 2023-2024 áp dụng mức trần của năm học 2022-2023, tức lùi một năm so với lộ trình tăng học phí mà Nghị định 81 đề ra.

Chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học tăng

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, sau 5 năm tăng trưởng nhanh (2016-2020), giai đoạn gần đây, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam có xu hướng giảm nhẹ và dự báo sẽ tiếp diễn ở năm 2024. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng chất lượng nghiên cứu sẽ có phần khởi sắc, khi các trường đang tập trung hơn về chất hơn là về lượng.

Ngoài ra, khi các trường có quyền tự chủ, nhiều nhóm nghiên cứu mới sẽ được thành lập nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, đồng thời gắn kết giữa nghiên cứu với đào tạo tạo.

Ông Hiệp cũng cho hay thành viên của nhóm nghiên cứu không nhất thiết phải là cán bộ cơ hữu của các trường đại học mà còn có thể là các cộng tác viên đến từ các đơn vị khác, linh động hơn, tận dụng được nhiều nguồn lực. Do vậy, số lượng nhóm nghiên cứu chắc chắn tăng.

 Nhiều nhóm nghiên cứu mới sẽ được thành lập nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Ảnh: HCMUT.

Nhiều nhóm nghiên cứu mới sẽ được thành lập nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học. Ảnh: HCMUT.

Bàn về việc chuyển giao tri thức và công nghệ, ông Hiệp cho biết sức ép từ xã hội vẫn sẽ rất lớn. Các trường có nguồn thu từ việc chuyển giao tri thức và công nghệ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Với cơ chế hiện nay, giảng viên thường chọn tự lập doanh nghiệp riêng hoặc tự ký kết hợp đồng để tự chuyển giao tri thức hơn là thông qua các trường đại học.

Chính vì vậy, ông Hiệp cho rằng để thúc đẩy, các trường phải có cơ chế khuyến khích mở doanh nghiệp trong trường đại học, có đầu tư và đãi ngộ xứng đáng cho người làm nghiên cứu.

Hoạt động kiểm định chất lượng tiếp tục sôi động

Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, tính đến ngày 30/11, 187 cơ sở giáo dục đại học; 11 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước, 9 cơ sở đạt tiêu chuẩn nước ngoài.

Bên cạnh đó, cả nước có 1.571 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó, 1.110 chương trình được đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước; 461 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Tiến sĩ Phạm Hiệp dự báo năm tới, hoạt động kiểm định chất lượng vẫn tiếp diễn. Đây là yêu cầu bắt buộc của cơ quan quản lý Nhà nước, cũng là nhu cầu của các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng.

“Năm 2024 dự kiến có bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng mới. Số lượng kiểm định viên được cấp phép và trung tâm kiểm định tăng. Điều chúng ta kỳ vọng là tính độc lập của các trung tâm kiểm định sẽ được thực thi và hoạt động kiểm định thực chất hơn", ông Hiệp nói.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://znews.vn/giao-duc-dai-hoc-viet-nam-se-nhu-the-nao-trong-nam-2024-post1451343.html