Giáo dục đại học Việt Nam thời kỳ 1987-1997 phải 'vừa chạy vừa xếp hàng'

Đối với chúng tôi, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân là người anh cả của nền giáo dục đại học Việt Nam ở thời kỳ đầu của quá trình đổi mới (1987 – 1997).

LTS: Tháng 8/2024 là tròn 1 năm ngày mất của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân (25/8/2023-25/8/2024). Giáo sư Quân là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó ban Dân vận Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng cố vấn Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

Để tưởng nhớ tới những công lao của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân đối với nền giáo dục nước nhà, nhân dịp này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam – cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có loạt bài viết về những đóng góp của thầy – một nhà đổi mới giáo dục.

Hôm nay, Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết đầu tiên.

Tôi có may mắn được tham gia gần như từ đầu vào công cuộc đổi mới giáo dục đại học Việt Nam, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Giáo sư Trần Hồng Quân - lúc đó là Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề và cũng có may mắn được làm việc trong ekip đổi mới tư duy về giáo dục đại học do Anh dắt dẫn, từ ngày đó cho đến khi Anh ra đi mãi mãi (25/8/2023).

Đối với chúng tôi, Anh là người anh cả của nền giáo dục đại học Việt Nam ở thời kỳ đầu của quá trình đổi mới (1987 – 1997).

Hãy nhìn lại bức tranh giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng cách đây gần 50 năm sau ngày đất nước thống nhất. Để định hướng cho giáo dục Việt Nam bước sang trang mới, năm 1979 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 14 về cải cách giáo dục.

Tuy nhiên, Nghị quyết này mới được triển khai vài năm và mới chỉ giới hạn ở phân khúc giáo dục phổ thông thì Việt Nam đã bị rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội hết sức nặng nề, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực phát triển của đất nước, trong đó có lĩnh vực giáo dục.

Chúng ta đều biết, nền kinh tế Việt Nam từ sau năm 1954 vốn đi theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp. Theo cơ chế này, giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp (Nghị quyết 14 gọi chung là giáo dục nghề nghiệp) được nhà nước bao cấp và có sứ mệnh cung cấp nhân lực các loại cho nhà nước, nhà nước trao ngân sách đào tạo cho các trường căn cứ vào chỉ tiêu đào tạo được nhà nước cấp.

Sản phẩm đào tạo của các trường lại được Nhà nước (Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) bao tiêu và phân bổ cho các đơn vị thuộc bộ máy nhà nước cũng như các thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể.

Tất nhiên, theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp như vậy, khi bị lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng vào cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ngân sách nhà nước bị cắt giảm nghiêm trọng, dẫn đến chỉ tiêu đào tạo của các trường cũng bị cắt giảm theo, thậm chí bị cắt hoàn toàn, các trường đứng trước nguy cơ không có tiền lương chi trả cho đội ngũ giảng viên cũng như không có người học.

Sinh viên tốt nghiệp mặc dù rất ít nhưng rất khó được phân công công tác, đời sống giảng viên khó khăn mọi bề, cơ sở vật chất của nhà trường xuống cấp nghiêm trọng.

Kết quả là nhiều cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục chuyên nghiệp bị đóng cửa hoặc hoạt động thoi thóp ví dụ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay, tại thời điểm đó quy mô chỉ còn 700 sinh viên.

Nói vậy để thấy, tại thời điểm đó, giáo dục đại học và chuyên nghiệp của Việt Nam đứng trên bờ vực thẳm. Trong lúc bối cảnh ngành giáo dục đại học và chuyên nghiệp Việt Nam như vậy, Giáo sư Trần Hồng Quân được Nhà nước bổ nhiệm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề.

Trước khi chuyển ra Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (năm 1982) Giáo sư Trần Hồng Quân là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh với thời gian khoảng 7 năm. Thời gian này, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cũng như một loạt các trường đại học ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đã được xem là những điển hình năng động, luôn tìm cách bươn chải để đối phó với những tác động dữ dội của làn sóng khủng hoảng kinh tế - xã hội nặng nề đang tác động lên mọi lĩnh vực của đất nước, trong đó có giáo dục đại học, với những sáng kiến táo bạo mà lúc đó được gọi bằng những cái tên rất dân dã như “xé rào” hoặc “tự cứu mình”.

Tiếp thu nền giáo dục đại học và chuyên nghiệp trong bối cảnh như vậy, điều may mắn kỳ diệu mà Giáo sư Trần Hồng Quân đã có được, đó là Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI vào cuối năm 1986 với quyết định thay đổi đường lối phát triển triển kinh tế - xã hội, chuyển từ phục vụ những yêu cầu của hoạt động trong nền kinh tế “kế hoạch hóa tập trung bao cấp” sang đáp ứng những yêu cầu và hoạt động trong “nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, là dấu mốc bắt đầu thời kỳ đổi mới quan trọng ở nước ta.

Từ thời điểm đó dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI và nhiều nghị quyết sau đó, hệ thống giáo dục đại học nước ta đã triển khai nhiều đổi mới, giúp hệ thống thoát khỏi những khủng hoảng trì trệ để phát triển.

 Lễ tốt nghiệp kỹ sư xây dựng của Đại học Xây dựng năm 1996 (ảnh: nguồn Báo Giáo dục thời đại)

Lễ tốt nghiệp kỹ sư xây dựng của Đại học Xây dựng năm 1996 (ảnh: nguồn Báo Giáo dục thời đại)

Giai đoạn 1987-1997, nền giáo dục đại học đã có nhiều đổi mới bứt phá mạnh mẽ, tạo dựng được nhiều thành tựu quan trọng, tạo tiền đề phát triển hệ thống giáo dục đại học sau này.

Vậy mà trong những ngày đầu đổi mới ấy, thậm chí là trong suốt quá trình đổi mới, vẫn có ý kiến “lạc lõng” cho rằng, chúng ta thiếu thận trọng, “nóng vội” khi thực hiện đổi mới giáo dục.

Thế nhưng, nếu hiểu rõ bối cảnh của giáo dục đại học nước ta lúc đó, có lẽ ai cũng sẽ hiểu được sự cấp bách của yêu cầu đổi mới như thế nào, nếu cứ trì hoãn, nếu cứ đứng yên để “ngâm cứu” thì làm sao cứu được nền giáo dục đại học bước qua cơn khủng hoảng.

Không vội vàng, không gấp gáp sao được khi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đã tác động, ảnh hưởng sâu sắc tới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng.

Tại Hội nghị chuyên đề giáo dục đại học Việt Nam Xuân Giáp Tuất vào tháng 2/1994, Giáo sư Nguyễn Đình Tứ - nguyên Trưởng ban Ban Khoa giáo Trung ương đã nói về thời kỳ đó như thế này:

“Đất nước ta vừa trải qua một thời kỳ khó khăn gay gắt, khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng vào những năm cuối thập kỷ 70 và những năm đầu thập kỷ 80; thể hiện của nó là về kinh tế thì trì trệ, tốc độ tăng trưởng âm, lạm phát 3 con số, sản xuất lương thực không đủ tiêu dùng ở trong nước, phải nhập khẩu lương thực, đời sống của nhân dân, nhất là của những người ăn lương rất khó khăn,... và lòng dân không yên. Cuối những năm 80 và liên tiếp những năm 90, 91 xảy ra sự kiện sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu - những người bạn hàng chủ chốt của Việt Nam. Nhiều người nghĩ rằng, Việt Nam khó mà trụ được trong bối cảnh đó,...”.

Và quả thật, cũng trong bối cảnh đó, các trường đại học Việt Nam khó mà đứng vững được, hàng loạt trường đại học đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không có chỉ tiêu tuyển sinh, không được cấp ngân sách, quy mô tuyển sinh không ngừng sụt giảm một cách nghiêm trọng.

Vấn đề cấp bách lúc đó là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng giảm quy mô tuyển sinh ở các trường, dù khó khăn đến thế nào đi chăng nữa, cũng phải tìm cách vực dậy, tìm con đường sống cho các cơ sở giáo dục đại học.

Thế mới nói, giáo dục đại học thời kỳ đó phải “vừa chạy vừa xếp hàng” - phải “chạy” để cứu lấy mình trước, rồi phải “xếp hàng” tức là đi từ giải pháp tình thế đến những giải pháp toàn diện hơn.

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề (sau đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) Giáo sư Trần Hồng Quân khi đó đã vạch ra con đường, định hướng chiến lược cho ngành giáo dục đại học để từng bước, từng bước đi qua cơn khủng hoảng.

Giai đoạn năm 1987, phải áp dụng các giải pháp mang tính chất tình thế, để nhằm ngăn chặn tình trạng giảm quy mô tuyển sinh của các trường, đồng thời, tìm cách tăng dần quy mô đào tạo của các trường lên.

Đóng góp quan trọng của Bộ trưởng Trần Hồng Quân lúc đó là đã đưa ra 4 tiền đề đổi mới làm khung cho những chủ trương đổi mới của ngành giáo dục đại học:

Thứ nhất là, đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu của biên chế nhà nước và kinh tế quốc doanh mà còn phải đáp ứng nhu cầu của các thành phần kinh tế khác và đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân;

Thứ hai là, đào tạo không chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước mà còn phải dựa vào bất cứ các nguồn đầu tư, kinh phí khác có thể huy động được (đóng góp của các tổ chức kinh tế, xã hội, học phí, vốn tự có do nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, dịch vụ của các trường làm ra; hợp tác quốc tế…);

Thứ ba là, đào tạo không chỉ theo kế hoạch tập trung như một bộ phận của kế hoạch kinh tế xã hội của nhà nước mà còn phải làm kế hoạch đào tạo theo những đơn đặt hàng, những xu thế dự báo, những yêu cầu học tập từ nhiều phía trong xã hội;

Thứ tư là, đào tạo không phải gắn chặt với việc phân phối công tác của người tốt nghiệp; người tốt nghiệp có trách nhiệm tự lo việc làm của mình, tự tạo việc làm trong mọi thành phần kinh tế; những nơi sử dụng sẽ tuyển dụng theo cơ chế chọn lọc; nhà trường giúp họ nâng cao trình độ, tiếp tục bồi dưỡng để thích ứng với những yêu cầu cơ động về ngành nghề trong thực tiễn.

Quan điểm chỉ đạo của Giáo sư Trần Hồng Quân về đổi mới đối với giáo dục đại học trong những ngày đầu thực hiện đổi mới cũng được thể hiện lại trong báo cáo tại Hội nghị Hiệu trưởng đại học và cao đẳng toàn quốc tháng 8/1993.

Theo đó, Giáo sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo phải đáp ứng những đòi hỏi của sự phát triển đất nước với tư cách vừa là “động lực thúc đẩy vừa là một điều kiện cơ bản bảo đảm thực hiện những mục tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước”. Bản thân nền giáo dục quốc dân phải được đổi mới từ cơ cấu hệ thống đến việc xây dựng lại mục tiêu, nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo ở tất cả các ngành học, bậc học và cấp học.

Cuộc sống đòi hỏi “giáo dục đi trước và phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội”, đòi hỏi giáo dục nước ta trong một thời gian không xa phải đuổi kịp và sánh vai tiến bước với giáo dục của các nước trong khu vực.

Giáo dục Việt Nam gánh vác vai trò lớn lao đó trong những điều kiện thấp kém và khó khăn của hiện tại. Giải quyết mâu thuẫn gay gắt này không phải bằng hạ thấp các yêu cầu, mục tiêu của giáo dục, mà là phải tìm giải pháp thực tế và khả thi theo hai hướng: Một là, tìm thêm nguồn lực để phát triển giáo dục (mà về sau được gọi là xã hội hóa giáo dục); Hai là, sáng tạo những cách làm có hiệu quả theo hướng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống.

Trên cơ sở chỉ đạo này, Giáo sư Trần Hồng Quân đã cùng đội ngũ tham mưu của mình, đề ra 3 chương trình hành động triển khai trong 3 năm học trong giai đoạn 1987 - 1990. Ba chương trình hành động này là những chủ trương đổi mới quan trọng ban đầu để “cứu nguy” cho giáo dục đại học, được coi như những giải pháp cấp bách trong thời điểm đó.

Chương trình 1: Cải cách đào tạo nhằm thực hiện những đổi mới bước đầu về cơ cấu hệ thống, mục tiêu, nội dung, phương pháp và quy trình đào tạo, tạo điều kiện để mở rộng quy mô, ổn định và nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, phù hợp với những yêu cầu kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.

Chương trình 2: Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học – lao động sản xuất, cải thiện điều kiện vật chất kỹ thuật của đào tạo nhằm mở rộng sự liên kết giữa giáo dục – đào tạo với khoa học – kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh, phát huy tính tích cực của nhà trường đem ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào thực tiễn, đồng thời tạo ra vốn tự có cho trường, cải thiện những điều kiện của đào tạo và cải thiện một phần đời sống của giáo viên và sinh viên.

Chương trình 3: Xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới công tác tổ chức, quản lý trong ngành, nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng cán bộ giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, thực hiện dân chủ hóa nhà trường, tìm ra động lực tiến bộ của từng người, từng nhà trường.

Ba chương trình này gắn bó mật thiết với nhau, lấy chương trình 1 làm chương trình có tính mục đích, còn hai chương trình 2, 3 là những chương trình có tính điều kiện đối với việc thực hiện chương trình 1.

Không thể triển khai đầy đủ cùng lúc mọi nội dung của cả 3 chương trình hành động của Ngành, trong 3 năm đầu của công cuộc đổi mới(1987-1990), toàn ngành mới chỉ tập trung thực hiện các giải pháp tình thế.

Đó là chủ trương hình thành hệ chuẩn giữ vai trò xương sống và chủ đạo về chất lượng đối với toàn bộ hệ thống đào tạo đại học, được thể hiện bằng những bộ chương trình mới, giáo trình mới và bằng nhiều quy chế về những đổi mới trong quá trình đào tạo theo hướng nâng cao tính chủ động, tích cực của từng người học, nhằm tạo động lực mới trong học tập của sinh viên; đa dạng hóa, mềm hóa các loại hình đào tạo, đi đôi với việc nhà trường được thu học phí và được sử dụng để cải thiện điều kiện đào tạo, cải thiện một phần đời sống của cán bộ giáo dục, bù đắp một phần vào sự thiếu hụt của ngân sách cấp cho trường; triển khai quy trình đào tạo mới và những quy chế mới về đánh giá xếp loại, cấp học bổng, nộp học phí; triển khai bầu hiệu trưởng (được coi là sự thay đổi mạnh mẽ và sâu sắc nhất trong sinh hoạt nhà trường), xóa bỏ việc bổ nhiệm thủ trưởng không thời hạn, thực hiện nhiệm kỳ hóa chức vụ hiệu trưởng với việc giới hạn tối đa giữ chức vụ để tạo điều kiện cho lớp trẻ năng động, sáng tạo kế thừa và nối tiếp nhau tham gia quản lý nhà trường;…

Sau khi thực hiện những giải pháp tình thế với 3 chương trình hành động, đến năm 1990, giáo dục đại học của chúng ta đã được vực dậy, chúng ta đã duy trì được hệ thống giáo dục đại học, không để các trường bị rơi vào tình trạng bị xóa sổ hàng loạt như đã xảy ra đối với khu vực trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Quy mô đào tạo đại học bắt đầu được mở rộng sau nhiều năm thu hẹp liên tục (từ 1980 đến 1986, cỡ - 3% hàng năm); trong 3 năm 1987-1990 đã tuyển chọn được 81.500 sinh viên cho hệ chính quy và 37.493 sinh viên hệ mở rộng và tại chức (tăng chủ yếu là nhờ hệ đào tạo mở rộng); ở hệ chuẩn, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm cũng đã tăng từ 21.730 (1987) lên 31.065 người (1990) bao gồm một loại chỉ tiêu nhưng gồm 2 diện: được học bổng và đóng học phí trong lúc đầu tư, kinh phí của nhà nước rất hạn chế.

Việc thực hiện quy trình đào tạo mới với những quy chế rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của người đi học đã làm thay đổi sự cố gắng của sinh viên đối với việc học tập, sinh viên đã chăm học và chủ động hơn; gia đình cũng quan tâm nhiều hơn tới việc học hành của con em mình… Có thể khẳng định rằng quy trình đào tạo mới đã góp phần thúc đẩy việc tự học, tạo điều kiện phát huy sở trường của sinh viên và bước đầu đã xây dựng được động lực cần thiết để sinh viên phấn đấu ngày càng tốt hơn trong học tập rèn luyện .

Như vậy, giáo dục đại học đã “chạy” đúng hướng và thành công khi tự cứu mình. Chính tham khảo những bài học đổi mới giáo dục ở giai đoạn này mà Ban Chấp hành Trung ương khóa VII đã cho ra Nghị quyết 4 về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo (1993).Trước đó Đại hội VII cũng đã khẳng định “cùng với khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo được xem là quốc sách hàng đầu”.

Khi các trường đại học đã được vực dậy, trong giai đoạn tiếp theo, từ năm học 1992-1993 dưới sự lãnh đạo của Giáo sư Trần Hồng Quân, ngành giáo dục đại học chúng ta lại có những chủ trương mới, hướng đi mới, con đường mới - đó là giai đoạn “xếp hàng” để ổn định lại cả hệ thống.

Ở giai đoạn này (từ năm học 1992-1993) giáo dục đại học Việt Nam chuyển trọng tâm từ đổi mới quy trình đào tạo sang cải cách mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo.Theo hướng đó chúng ta đã triển khai hàng loạt các giải pháp quan trọng nhằm giúp cho giáo dục đại học Việt Nam thích ứng nhanh với việc chuyển đổi qua kinh tế thị trường, tiếp cận nhanh với giáo dục đại học quốc tế. Đó là:

Thể chế hóa cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và hệ thống văn bằng, chứng chỉ ở bậc đại học với các trình độ đào tạo: cao đẳng, cử nhân/đại học, thạc sĩ và tiến sĩ..

Từng bước sắp xếp lại mạng lưới các trường đại học và cao đẳng trong cả nước với việc hình thành các loại hình cơ sở giáo dục đại học: (Viện) đại học đa lĩnh vực, trường đại học chuyên ngành và trường đại học cộng đồng/đại học địa phương.

Cấu trúc lại kiến thức đào tạo ở bậc đại học theo mô hình giáo dục đại học khai phóng.

Điều chỉnh quy trình đào tạo hai giai đoạn để mở ra cơ hội liên thông rộng cho sinh viên sau giai đoạn 1. Từng bước đưa hệ thống quản lý học tập theo học phần (hệ tín chỉ) vào các trường đại học và cao đẳng.

Đến năm 1994, giáo dục đại học bắt đầu chuyển sang chú trọng về bảo đảm chất lượng.Tại Hội nghị chuyên đề chất lượng Giáo dục đại học vào tháng 11/1994, Giáo sư Trần Hồng Quân yêu cầu toàn ngành phải tập trung giải quyết tốt bài toán tương quan giữa chất lượng và số lượng, tương quan giữa các loại hình đào tạo, tiến tới chỉ có một loại văn bằng cho mỗi cấp học.

Theo Giáo sư Quân: “Về chương trình đào tạo, chúng ta cố gắng sớm đạt ngang với trình độ đại học của các nước trong khu vực, trước hết về khoa học cơ bản, nhất là về lý thuyết, nỗ lực nâng dần về khoa học thực nghiệm và công nghệ”;” một cấp học chỉ có một chuẩn chất lượng, một loại bằng tốt nghiệp. Chuẩn chất lượng được quy định là chuẩn tối thiểu”; “tiếp tục mở rộng đại học bằng nhiều cách nhưng không bằng phương thức “đại học mở rộng” theo cách hiểu và cách làm mấy năm qua”. Bộ trưởng Quân cũng chỉ thị cho các đơn vị chức năng phải khẩn trương “xây dựng một hệ thống đầy đủ các tổ chức và qui trình kiểm định chất lượng đào tạo. Hệ thống này bao gồm các qui trình đánh giá bên trong và đánh giá từ bên ngoài cơ sở đào tạo”.

Những bước đi như trên thể hiện tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” đã nói ở trên, chúng ta không phải vội vàng gấp gáp chạy mà còn chủ động “xếp hàng” để đi vào ổn định cho cả hệ thống khi đã vượt qua cơn khủng hoảng.

Ghi nhận các quan điểm chỉ đạo về đổi mới giáo dục đại học của Ngành từ những ngày đầu đó, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong buổi làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 21/2/1998 đã giải thích cụ thể hơn:

“… Ngành Giáo dục và Đào tạo đang cần giải một bài toán rất khó là phải thỏa mãn đồng thời yêu cầu tăng số lượng, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo trong điều kiện nguồn lực còn rất hạn hẹp.

Bài toán này cũng khó như bài toán chung hiện nay của đất nước là phải tạo ra một sự tăng trưởng nhanh chóng từ một điểm xuất phát rất thấp, hoặc bài toán của thời kỳ kháng chiến trước đây là một nước nghèo mà phải đánh thắng kẻ thù giàu mạnh hơn mình gấp nhiều lần.

Kinh nghiệm cho thấy muốn giải được bài toán khó đó phải rất sáng tạo, phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống. Trong trường hợp của giáo dục đào tạo, phải dựa vào sự hợp đồng tác chiến của các “binh chủng” giáo dục khác nhau, các loại hình đào tạo khác nhau, các loại trường khác nhau. Phải phối hợp hài hòa các đơn vị khác nhau trong một nhà trường, các trường khác nhau trên một địa bàn, các mô hình trường khác nhau trong cả hệ thống giáo dục. Để làm được điều đó phải có quan điểm toàn cục, chống các xu hướng bản vị, cục bộ....".

(Còn tiếp)

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-dai-hoc-viet-nam-thoi-ky-1987-1997-phai-vua-chay-vua-xep-hang-post245007.gd