Giáo dục - đào tạo cũng cần thần tốc
Đến năm 2030 tỷ lệ người theo học các ngành STEM đạt 35% ở mỗi trình độ đào tạo, trong đó ít nhất 2,5% thuộc các ngành khoa học cơ bản và 18% thuộc các ngành liên quan tới công nghệ số. Đó là một trong những mục tiêu đặt ra trong đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1002/QĐ-TTg ngày 24-5-2025 về việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045.
STEM là thuật ngữ viết tắt bằng tiếng Anh, bởi 4 cụm từ science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật) và mathematics (toán học). Thuật ngữ STEM được Quỹ khoa học quốc gia Hoa Kỳ sử dụng phổ biến trong lĩnh vực giáo dục từ những năm 1990, từng được đề cập từ những năm 1950 trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực.
Những năm qua, khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học cũng là 4 lĩnh vực ưu tiên nghiên cứu, phát triển của toàn thế giới. Khác nhau ở chỗ, mỗi quốc gia, tùy theo nền tảng sẵn có, nguồn lực tài chính, nguồn lực con người, tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển… mà ưu tiên, đầu tư ở các mức độ khác nhau.
STEM không phải là mới, nhưng mỗi góc độ, thời điểm có phạm vi hiểu khác nhau. Khoa học đang phát triển với tốc độ cực nhanh. Ngày nay, nói tới STEM, nhiều người nghĩ ngay tới những ngành nghề được quan tâm bậc nhất, như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), khoa học dữ liệu (data science) - thuộc lĩnh vực technology (công nghệ).
Vấn đề là, STEM không chỉ có công nghệ, mà còn 3 lĩnh vực khác. Rộng hơn, STEM chỉ là một phần của cuộc sống. Quan trọng hơn, không phải ai cũng phù hợp với STEM. Đơn cử, toán học là nền tảng của phần lớn lĩnh vực trong STEM, ứng dụng vào phân tích, mô hình hóa và giải quyết vấn đề. Thế nhưng không phải ai cũng học tốt toán học, hoặc đủ trình độ toán học ở mức cần thiết cho lĩnh vực mong muốn.
Cả nước tốt nghiệp các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 80.000 người/năm, trong đó ít nhất 10% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu về AI đạt 8.000 người/năm, trong đó ít nhất 20% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ. 100% chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ thuộc khối ngành STEM được tích hợp kiến thức, kỹ năng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Đó là mục tiêu đặt ra đến năm 2030 đề án vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu đến năm 2035 còn lớn hơn. Và tới năm 2045, nguồn nhân lực STEM trình độ cao, chất lượng cao trở thành lợi thế cạnh tranh cốt lõi của Việt Nam trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, nhất là các lĩnh vực công nghệ chiến lược; hệ thống giáo dục đại học Việt Nam vào nhóm hàng đầu khu vực châu Á trong đào tạo và nghiên cứu các ngành STEM, nhất là các ngành về công nghệ số, AI, công nghệ sinh học…
Đạt được những mục tiêu này không dễ. Làm một con đường, xây dựng một công trình, thực hiện một dự án phát triển kinh tế… nguồn lực tài chính đến đâu sẽ quyết định tốc độ hoàn thành đến đó. Với đào tạo, giáo dục, đó còn là thời gian - là thời gian trưởng thành, hoàn thiện nhân cách, trí tuệ của con người.
Tạo ra một thế hệ nhân lực mới hoàn toàn, phải trải qua một chu kỳ từ giáo dục mầm non đến đào tạo nghề nghiệp. Cuốn chiếu từng bậc học sẽ đạt được mục tiêu theo từng giai đoạn nhưng phải mất khoảng 20 năm, nước ta mới có một thế hệ nhân lực hoàn toàn mới. Đến năm 2045, thời gian chỉ vừa đủ 1 chu kỳ. Vì thế, nhiệm vụ đặt ra với giáo dục và đào tạo ở mọi cấp bậc, rất nặng nề và vinh quang, nhưng cũng phải “thần tốc” như công cuộc tinh gọn bộ máy, rộng hơn là công cuộc đổi mới trong kỷ nguyên mới của cả nước hiện nay.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/173290/giao-duc-dao-tao-cung-can-than-toc