Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong nhà trường: Không đăng ký học, trẻ phải... lang thang

Khác với hoạt động giáo dục trong nhà trường, hoạt động liên kết không được giám sát, kiểm tra, đánh giá gây nên nhiều hệ lụy, câu hỏi về chất lượng cũng được đặt ra.

Liên kết với trung tâm giúp trường... nhàn hơn?

Chia sẻ với Dân Việt, chị Hoàng Lan Hương, một phụ huynh ở Hà Nội cho biết: "Con tôi ngày nào đi học cũng trĩu ba lô trên vai vì quá nhiều sách vở. Dù cảm thấy không cần thiết lắm nhưng nhà trường tổ chức cho con học thêm tiếng Anh liên kết nên tôi đành cho con theo vì sợ con thiệt thòi so với các bạn cùng lớp.

Thấy trong thời khóa biểu của con sáng con học tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chiều học Toán - tiếng Anh rồi học tiếng Anh với người nước ngoài. Mà học phí thì đâu phải thấp, mỗi tháng riêng tiền tiếng Anh ở trên lớp đã mất gần 1 triệu mà về con không nói được câu tiếng Anh nào".

Thời khóa biểu có hai môn liên kết là Kỹ năng sống và STEM của một học sinh. Ảnh: CMH/Dân Việt

Thời khóa biểu có hai môn liên kết là Kỹ năng sống và STEM của một học sinh. Ảnh: CMH/Dân Việt

Thực tế, tình trạng dạy thêm, học thêm từ lâu đã thành một "vấn nạn" trong ngành giáo dục bởi năm nào cũng nhắc đến nhưng chưa năm nào không gây bức xúc. Vấn nạn này làm khổ phụ huynh, học sinh với nhiều hình thức từ ở nhà, ở các trung tâm lẫn tại trường học.

Tùy từng chương trình học, số lượng tiết học mà học phí dao động từ vài trăm đến hàng triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, cũng như chị Hoàng Lan Hương, điều khiến phụ huynh bức xúc là những tiết học mất nhiều tiền nhưng lại chưa chắc đã hiệu quả.

Vẫn biết là vậy nhưng không ít phụ huynh phải cắn răng cho con tiếp tục học vì sợ cô giáo thờ ơ, không quan tâm. Sự việc này xảy ra ở không ít các trường hiện nay khi phụ huynh không đăng ký cho con học thêm các lớp tiếng Anh, lớp trải nghiệm thì con phải... ra khỏi lớp lang thang. Còn ở nhà cô, nếu học sinh nào không đi học, lập tức bị cô giáo "hành" đến mức đăng ký đi học mới thôi.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy giáo Trần Mạnh Tùng (giáo viên dạy Toán tại Hà Nội) cho rằng, liên kết giảng dạy trong trường học hiện nay là tự nguyện, tùy thuộc vào nhu cầu của học sinh, phụ huynh và nhà trường. Tuy nhiên, việc đưa các tiết học liên kết vào giờ học chính khóa là sai quy định, phản giáo dục và ảnh hưởng xấu đến tâm lý, suy nghĩ của học sinh.

Bàn về lý do khiến tình trạng tổ chức liên kết ngày các diễn ra phổ biến như hiện nay, thầy giáo Trần Mạnh Tùng cho rằng có 3 nguyên nhân chính. Theo đó, vị giáo viên nhận định, lý do đầu tiên xuất phát từ quan hệ cung cầu.

“Khi học sinh học 2 buổi 1 ngày, với 7 tiết/1 ngày (khoảng 32 tiết/ 1 tuần) thì học sinh sẽ tan học vào khoảng 3h30 chiều. Điều này gây khó khăn cho phụ huynh trong việc đón con, vậy nên có những phụ huynh mong muốn con tiếp tục học tiết 4 ở trường để đón con vào khoảng 4h30– 5h chiều”, thầy giáo phân tích.

Bên cạnh đó, theo thầy Tùng, xuất phát từ thực tế các nhà trường không đủ năng lực, điều kiện để tổ chức dạy học các môn tự chọn, hoạt động trải nghiệm. Do đó, việc liên kết với trung tâm sẽ giúp các nhà trường nhàn hơn.

Lý do thứ ba xuất phát từ “món hời” phần trăm hoa hồng có được thông qua hoạt động liên kết dạy học. Theo đó, để dạy một số môn tăng cường trong nhà trường, các trung tâm thường phải chia sẻ lợi nhuận (học phí) cho các trường học.

"Điều này có lợi cho nhà trường và đặc biệt là các đơn vị liên kết. Kiểu kinh doanh này rất đơn giản và an toàn với khách hàng là rất nhiều nhà trường và hàng loạt học sinh”, thầy Trần Mạnh Tùng nêu quan điểm.

Chia sẻ với Dân Việt một giáo viên ở Hà Nội thừa nhận, có một khoản thu gây bức xúc cho phụ huynh cấp 1, 2 là tiếng Anh có yếu tố nước ngoài. Cụ thể, phụ huynh phải đóng 50.000 đồng/tiết/học sinh cho giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh. Nói là giáo viên nước ngoài nhưng trên thực tế không ai biết họ là giáo viên hay không. Các giáo viên này nhận thù lao cực kỳ cao. Nếu lớp có 45 học sinh, có thể tính nhanh mỗi tiết học có mức giá 2,25 triệu đồng/tiết. Nếu giáo viên này dạy một buổi 4 tiết thì là 10 triệu đồng bằng 2 tháng lương của giáo viên trẻ mới ra trường.

Không chỉ có tiếng Anh, còn nhiều lớp học thêm khác như STEM, giáo dục kỹ năng sống thì mỗi trường cả nghìn học sinh cũng là nguồn thu nhập khủng cho các trung tâm liên kết, nhà trường.

Phụ huynh băn khoăn về chất lượng

Thực tế ngày càng nhiều các trường học liên kết với trung tâm bên ngoài tổ chức dạy thêm, dạy tăng cường cho học sinh cũng khiến dư luận đặt ra nhiều băn khoăn về chương trình mới. Việc liên kết tràn lan đặt ra câu hỏi, nội dung chương trình mới vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu của học sinh?

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng (Hà Nội). Ảnh: NVCC/tạp chí Giáo dục Việt Nam

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng (Hà Nội). Ảnh: NVCC/tạp chí Giáo dục Việt Nam

Theo thầy giáo Trần Mạnh Tùng, chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã tăng thời lượng học cho học sinh từ 5.600 giờ lên 6.200 giờ. Ở cấp tiểu học, chương trình được thiết kế theo hướng dạy học bắt buộc 2 buổi/ngày; nhờ đó có những môn học, hoạt động giáo dục trước kia là tự chọn thì nay đã thành bắt buộc như ngoại ngữ, tin học, hoạt động trải nghiệm.

Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các địa phương, các nhà trường đã có sự chuẩn bị để có thể triển khai được chương trình.

Công văn 909 của Bộ Giáo dục ban hành ngày 8/3/2023 về giáo dục STEM cũng nhấn mạnh: Các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo cùng các nhà trường triển khai xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trên cơ sở đó, thầy Tùng cho rằng chuẩn bị để dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới là việc của các địa phương, các nhà trường. “Việc liên kết với các trung tâm để dạy học trong trường, đặc biệt là xếp lịch vào cả giờ chính khóa rõ ràng có ảnh hưởng đến vai trò, chức năng của chương trình giáo dục quốc dân, thậm chí phản giáo dục”, vị giáo viên nêu quan điểm.

Bên cạnh việc "lợi dụng" hoạt động liên kết dạy thêm để thu tiền gây áp lực tài chính cho phụ huynh học sinh, vấn đề chất lượng giảng dạy của các trung tâm liên kết cũng là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng cho biết, theo quy định, các chương trình liên kết, các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp được các trường tổ chức theo tinh thần thỏa thuận giữa nhà trường với các bậc phụ huynh. Phụ huynh hoàn toàn có thể lựa chọn đăng ký cho con học hoặc không, tùy vào điều kiện, nhu cầu của mỗi gia đình.

Các đơn vị liên kết được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép, thẩm định chương trình. Khi chọn đơn vị liên kết bổ trợ, nhà trường cần nghiên cứu hồ sơ, làm tờ trình lên Phòng Giáo dục và Đào tạo, xin ý kiến tổ chức trên tinh thần thỏa thuận với các phụ huynh.

"Tuy nhiên, khác với các hoạt động giáo dục trong nhà trường, hoạt động liên kết không được giám sát, kiểm tra, đánh giá theo quy định. Vì vậy, phụ huynh, xã hội lo ngại về chất lượng cũng là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, do liên quan đến lợi nhuận nên có thể các đơn vị sẽ cố gắng để “trúng thầu”, không loại trừ các tiêu cực nảy sinh và vì thế chất lượng cũng sẽ không được đảm bảo”, thầy Tùng nói.

* Đón đọc bài 3: Giáo dục đào tạo liên kết tiếng Anh trong nhà trường: Trường không “bỏ rơi” học sinh nếu không học liên kết (7h sáng 16/10)

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/day-them-lien-ket-tran-lan-chat-luong-lieu-co-dam-bao-a630871.html