Giáo dục đáp ứng nhu cầu xã hội: Hướng tới nhu cầu tương lai
Gần đây chúng ta nói rất nhiều về 'Giáo dục đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội'. Những thành công của IFI những năm gần đây chính là nhờ hướng tới nhu cầu xã hội.
LTS: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong ba khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Nhà giáo chính là người khai mở nguồn nhân lực “đạt chuẩn”.
Tất cả các chương trình hợp tác quốc tế của chúng ta về khoa học và đào tạo trước đây đều có bản chất song phương nhưng một chiều: chúng ta thụ động tiếp nhận nguồn tài chính, công nghệ và cả mô hình quản lý, thực chất là giải ngân để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Vì thế, khi tài trợ kết thúc, các chương trình đó đều rơi vào khủng khoảng. IFI được thành lập năm 1993 và suốt 25 năm được Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) bao cấp toàn bộ. IFI cũng rơi vào khủng hoảng như vậy khi khoản tài trợ cả gói của AUF chấm dứt vào năm 2016.
Xã hội cần gì, đào tạo theo hướng ấy
Đứng trước thách thức đó, ban lãnh đạo của IFI nhận ra rằng cần phải đào tạo những gì xã hội cần, trên nguyên tắc chia sẻ và hài hòa lợi ích. Mô hình hợp tác mới của chúng tôi là đa phương, đa chiều, trong đó IFI đóng vai trò cầu nối giữa các đại học châu Âu với người học trên khắp thế giới.
Việc đầu tiên là nghiên cứu thị trường. Đặc điểm của IFI là các chương trình đào tạo đều dạy bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Chúng tôi không thể đào tạo CNTT bằng tiếng Pháp cho những người không biết tiếng Pháp. Vì thế, chúng tôi là quyết định xuất khẩu 2 chương trình đào tạo thạc sĩ CNTT sang các nước thuộc Cộng đồng Pháp ngữ, đặc biệt là Châu Phi, nới tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức. Ý tưởng ban đầu bị coi là hoang tưởng, nhưng chúng tôi đã thành công rực rỡ. Ngày nay, IFI đã dẫn đầu cả nước về xuất khẩu giáo dục, với 90% sinh viên là người nước ngoài, đến từ hơn 20 quốc gia.
Tương tự là hoạt động nghiên cứu. Là đơn vị tiên phong trong đào tạo thạc sĩ CNTT, nhưng trước đây IFI có rất ít các dự án ứng dụng CNTT. Từ năm 2016, IFI coi tiêu chí đầu tiên để quyết định các dự án nghiên cứu là nhu cầu của xã hội. Dự án đầu tiên là “Tham quan ảo nhà hát lớn Hà Nội”.
Trước IFI, đã có nhiều đơn vị triển khai số hóa các di sản, nhưng phần lớn không thành công. Lý do, theo chúng tôi, là thiếu nội dung. Các sản phẩm số hóa của IFI là sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ với các giá trị văn hóa, thông qua phần thuyết minh đa ngữ bằng lời, bằng chữ, kết hợp âm nhạc và những hình ảnh hiếm có giá trị lịch sử. Công trình “Tham quan ảo Nhà hát lớn Hà Nội” được tạp chí Văn hiến của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa trong năm 2016. Sau đó, IFI tiếp tục với những công trình khác, gần đây nhất là hai công trình sắp hoàn thành: “Bảo tàng số hóa tỉnh Hưng Yên” và “Tham quan ảo di tích cây đa và đền La Tiến”.
Và dự đoán tương lai
Nhưng đào tạo và nghiên cứu cần phải đáp ứng không chỉ nhu cầu hiện tại, mà còn phải đáp ứng được những nhu cầu tương lai của xã hội. Trường đại học phải dự đoán được xu thế phát triển. Xu thế hiện nay là gì? Là chuyển đổi số. Chuyển đổi số đang làm thay đổi mọi mặt của đời sống nhân loại, làm thay đổi cả cách tư duy của chúng ta. Chuyển đổi số cũng đặt ra bài toán cho giáo dục đại học.
Một lần nữa, IFI lại lựa chọn đi đầu. IFI đã đi đầu trong đào tạo CNTT, trong đào tạo Thạc sĩ truyền thông số, là nơi đầu tiên trên thế giới tổ chức cuộc thi “Làm phim ngắn kỹ thuật số màn ảnh dọc”. Trong kỷ nguyên số, IFI lại đi đầu trong việc đào tạo Thạc sĩ Fintech. Đây là chương trình thạc sĩ Fintech đầu tiên tại Việt Nam, thứ hai tại Đông Nam Á, một trong những chương trình đầu tiên trên thế giới. Đây là chương trình liên kết giữa IFI và một trường đại học tinh hoa của Pháp, đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh và đang được triển khai ở Oxford (Anh Quốc).
Quốc gia chiến thắng trong cuộc cách mạng số sẽ là chiến thắng làn sóng phát triển mới. Nền kinh tế mới sẽ là nền kinh tế số, trong đó Fintech là chìa khóa. Chiếc chìa khóa ấy cần con người có khả năng sử dụng nó.
Ngành Lao động đặt mục tiêu đến 2030, Việt Nam đạt trình độ đào tạo nghề tiên tiến ASEAN, trong đó có 100 trường nghề chất lượng cao, 15 trường đạt chất lượng quốc tế, 50 trường tiếp cận trình độ ASEAN 4. Riêng giáo dục nghề nghiệp, Diễn đàn kinh tế thế giới từ chỗ không xếp hạng, đến nay đã đưa Việt Nam vào bảng xếp hạng, ở mức 90/158 quốc gia. Kết quả xếp hạng năm 2020 đã tăng 10 bậc so với năm 2019.