Giáo dục ĐBSCL đối diện với khó khăn kép
Ngày 27-2 tại TP Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị Phát triển GD-ĐT vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và triển khai Nghị quyết số 113/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, trải qua 10 năm từ 2010-2020, GD-ĐT vùng ĐBSCL tiếp tục có bước phát triển mới về quy mô mạng lưới trường, lớp; việc xóa các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ được các địa phương quyết liệt triển khai hiệu quả; tỷ lệ huy động trẻ đến lớp, số trường đạt chuẩn tăng qua các năm; số lượng cơ sở giáo dục đại học tăng, với 21 trường, phân hiệu đại học; kết quả thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đạt được nhiều kết quả nổi bật; đầu tư cho giáo dục ngày càng tăng, từ 14.062 tỷ đồng năm 2010 tăng lên 35.409 tỷ đồng năm 2021; chất lượng giáo dục, đào tạo không ngừng được cải thiện…
Bên cạnh đó, tình hình GD-ĐT tại vùng ĐBSCL hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế nhất định với lý do khách quan về vị trí địa lý, việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cho công tác dạy và học còn khó khăn. Cụ thể, toàn vùng có khoảng 92.912 phòng học các cấp mầm non, phổ thông, trong đó số phòng học đạt tỷ lệ kiên cố hóa chỉ 81,5% (75.746 phòng). Ở các khu vực điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn vẫn còn tồn tại 1.279 phòng học nhờ, mượn, tập trung chủ yếu tại cấp học mầm non và tiểu học.
Tỷ lệ thiết bị dạy học tối thiểu đáp ứng nhu cầu dạy học còn thấp, trung bình vùng ĐBSCL chỉ đáp ứng 46,4%. Trong đó, cấp học mầm non đáp ứng 40,8%, cấp học tiểu học đáp ứng 52,3%, cấp học THCS đáp ứng 48,5% và cấp học THPT chỉ đáp ứng 44,1%. Nhiều trường trong vùng còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng làm việc…;
Ngoài ra, tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi của vùng ĐBSCL vẫn thấp hơn so với tỷ lệ biết chữ trung bình của cả nước. Số lượng, tỷ lệ trẻ em mầm non, học sinh phổ thông được học 2 buổi/ngày theo cấp học còn thấp so với tỷ lệ của toàn quốc. Tổng chi đầu tư ngân sách nhà nước cho GD-ĐT có tăng (đạt 13,5%), nhưng phần lớn chi cho con người gồm: tiền lương, phụ cấp lương và các khoản đóng góp theo lương, mà mức chi dành cho chuyên môn nghiệp vụ còn thấp.
ĐBSCL là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022. Mặc dù quy mô đào tạo tăng trong 10 năm qua, song mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu được tiếp cận giáo dục đại học của người dân. Toàn vùng có 17 trường đại học và 4 phân hiệu, nhưng ngành, nghề đào tạo còn chưa cân đối, số sinh viên người dân tộc thiểu số trên 10.000 dân chưa bằng 1/2 so với tỷ lệ chung của cả nước.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nêu ý kiến: Để giáo dục ĐBSCL có sự theo kịp mặt bằng chung cả nước thì cần có sự đi tắc đón đầu. Cụ thể, cần quan tâm đến 3 thành tố gồm: đội ngũ và chất lượng cần phải được cải thiện; cơ sở vật chất phải đủ chuẩn, mang tính đặc thù, đặc sắc riêng của vùng, trong đó lưu ý đồng bào dân tộc thiểu số; chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục theo hướng thực chất, mạnh mẽ, giữ vai trò động lực, tạo sự bức phá.
Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Giáo dục ĐBSCL cần có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa thì mới bắt kịp với các khu vực trong cả nước. Trong đó, cần quan tâm xác định rõ ràng đầu tư cho giáo dục là quốc sách hàng đầu, đảm bảo đầu tư cho giáo dục ở mức cao nhất, tốt nhất có thể.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính cho vùng ĐBSCL, dù vấn đề đã được đặt ra tại nhiều hội nghị, thế nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế đặc thù nào dành riêng cho giáo dục vùng ĐBSCL. Đề nghị Bộ GD-ĐT tham mưu cho Chính phủ xây dựng đề án “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia khu vực ĐBSCL”. Kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH xây dựng thí điểm các trường nghề chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu lao động trong thời gian tới, đặc biệt khi hệ thống cơ sở hạ tầng của vùng phát triển thì khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước là rất lớn.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Quá trình phát triển GD-ĐT vùng ĐBSCL 10 năm qua đã có bước tiến, đạt được kết quả quan trọng, bứt phá và có thể nói là đã thoát ra khỏi vùng trũng. Tuy nhiên, lĩnh vực GD-ĐT của ĐBSCL đang đứng trước thách thức kép là “vừa phấn đấu đổi mới để vươn cao cùng cả nước, vừa phải củng cố, bù đắp cho yếu tố có tính chất tối thiểu, nền tảng, cơ bản”.
Do đó, đối với ĐBSCL, chúng ta cần phải đặt mục tiêu nâng cao mặt bằng dân trí là một yêu cầu đặc thù, thiết thân. Trong đó, sẽ đẩy mạnh nâng cao tỷ lệ sinh viên đại học, phát triển hệ thống các trường đại học, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương ĐBSCL có giải pháp tổng thể, trong đó cấp bách kiên cố hóa trường, lớp; đầu tư trang thiết bị phòng học phục vụ chương trình mới; tổ chức sắp xếp điểm trường phù hợp với điều kiện của từng địa phương; phân bổ nguồn lực ngân sách cho GD-ĐT một cách hợp lý, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh năm học 2023-2024 là năm đổi mới trọng tâm giáo dục phổ thông...
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giao-duc-dbscl-doi-dien-voi-kho-khan-kep-post680251.html