Giáo dục địa phương thông qua hoạt động trải nghiệm ở Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành
Trong năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (Phân hiệu Trường ĐHSP Hà Nội tại Hà Nam) đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm gắn liền với chương trình Giáo dục địa phương như: Tìm hiểu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Chùa Bà Đanh; Đền Trúc – Ngũ Động Thi Sơn, huyện Kim Bảng; Tìm hiểu về các hoạt động sản xuất của người dân địa phương (tại trang trại Happy Farm, xã Thanh Sơn, Kim Bảng); Tìm hiểu nghệ thuật truyền thống và lịch sử phát triển của địa phương (tại Nhà hát chèo và Bảo tàng tỉnh)... Các hoạt động được học sinh hào hứng đón nhận và cha mẹ học sinh đánh giá cao.
Trong năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành (Phân hiệu Trường ĐHSP Hà Nội tại Hà Nam) đã tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm gắn liền với chương trình Giáo dục địa phương như: Tìm hiểu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Chùa Bà Đanh; Đền Trúc – Ngũ Động Thi Sơn, huyện Kim Bảng; Tìm hiểu về các hoạt động sản xuất của người dân địa phương (tại trang trại Happy Farm, xã Thanh Sơn, Kim Bảng); Tìm hiểu nghệ thuật truyền thống và lịch sử phát triển của địa phương (tại Nhà hát chèo và Bảo tàng tỉnh)... Các hoạt động được học sinh hào hứng đón nhận và cha mẹ học sinh đánh giá cao.
Dạy học thông qua các hoạt động trải nghiệm gắn liền với thực tế cuộc sống tại địa phương không chỉ giúp học sinh hình thành, phát triển năng lực chuyên môn mà còn hữu ích trong việc phát triển phẩm chất và các năng lực thiết yếu khác. Do đó, lựa chọn, lồng ghép tổ chức các hoạt động trải nghiệm phù hợp với nội dung môn học có vai trò rất quan trọng.
Tại Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, chương trình Giáo dục địa phương được xây dựng theo hướng kiến thức đồng tâm, tạo thuận lợi cho trong việc thiết kế các hoạt động trải nghiệm cho tất cả các khối lớp. Nội dung chương trình gần gũi, gắn bó với đời sống hàng ngày của các em, do đó, giáo viên dễ dàng thiết kế các hoạt động khơi dậy vốn hiểu biết sẵn có, tạo hứng khởi cho học sinh trong quá trình học tập.
Hoạt động trải nghiệm Giáo dục địa phương thường được tổ chức trong thời gian nửa ngày, chi phí thấp. Tham gia các hoạt động này, học sinh không chỉ đơn thuần là đi tham quan, đi chơi mà còn phải thực hiện bài tập trải nghiệm, thông qua đó thực hiện các mục tiêu môn học một cách tự nhiên.
Phiếu học tập số 1 được học sinh hoàn thành trước mỗi lần tham gia trải nghiệm. Qua bài tập này, học sinh sẽ hình thành và rèn luyện các kĩ năng mềm như: trình bày sơ lược một kế hoạch, sự chuẩn bị của cá nhân, trình bày mong muốn và thuyết phục người khác.
Phiếu học tập số 2 được thực hiện theo nhóm, thường là hệ thống các câu hỏi cho trước về các nội dung và địa điểm trải nghiệm. Các câu hỏi nhằm định hướng sự tập trung của học sinh trong quá trình trải nghiệm. Mỗi khối lớp sẽ có một bộ câu hỏi riêng, phù hợp với nội dung học tập và phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lí lứa tuổi. Ví dụ như: Chùa Bà Đanh nằm ở đâu? Từ trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành đến Đền Trúc, con sẽ đi theo quốc lộ nào? Trống đồng được phát hiện đầu tiên ở đâu? Tên trích đoạn chèo con được xem? Kể tên các việc nên làm và không nên làm khi đến thăm di tích?...
Phiếu học tập số 3 là bài tập cá nhân, tích hợp giữa các môn học: Giáo dục địa phương với Tự nhiên – Xã hội (lớp 1,2,3) hoặc Lịch sử - Địa lý (lớp 4,5) và Tiếng Việt. Các sản phẩm cần hoàn thiện sau trải nghiệm của học sinh là video clip (đối với lớp 1), đoạn văn ngắn (đối với lớp 2,3), bức thư (đối với lớp 4) hoặc bài thuyết trình (đối với lớp 5). Tùy theo yêu cầu của mỗi loại sản phẩm, học sinh sẽ nêu được khái quát những nội dung tìm hiểu được và chia sẻ cảm nghĩ của mình sau trải nghiệm với bạn bè, người thân.
Thông qua các hoạt động trải nghiệm, học sinh thêm hiểu, thêm yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và giữ gìn các giá trị văn hóa của địa phương. Hơn thế, các em còn hình thành được các khả năng tự lập, bày tỏ cảm xúc và định hướng hành động đúng đắn.
Thực tiễn triển khai các hoạt động trải nghiệm Giáo dục địa phương ở trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành còn cho thấy, việc kết nối các đơn vị trên địa bàn còn giúp nhà trường huy động được thêm nhiều nguồn lực vào việc thực hiện các mục tiêu giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Giáo dục địa phương nói riêng và dạy học nói chung thông qua các hoạt động trải nghiệm ở địa phương, do đó có ý nghĩa thiết thực cả về mặt lí luận và thực tiễn, khắc phục được những bất cập trong tổ chức các hoạt động trải nghiệm hiện nay.
TS. Trần Thị Thanh Thủy, Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành – Hà Nam