Giáo dục đổi thay từ một quyết sách nhân văn

Giáo dục là nền tảng cho phát triển và đầu tư cho giáo dục là đầu tư chiến lược cho tương lai, điều này thấy rõ qua chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm.

Từ tư duy của người đứng đầu…

Tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (thành phố Hà Nội) trước kỳ họp thứ 9 – Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 17/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Hà Nội quan tâm hơn vấn đề chăm lo cho giáo dục- đào tạo, quan tâm đến thế hệ các em học sinh. Trong đó, cần quan tâm sâu sắc đến việc đảm bảo chất lượng dạy và học.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (thành phố Hà Nội). Ảnh: PNVN

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (thành phố Hà Nội). Ảnh: PNVN

Đặc biệt, Tổng Bí thư gợi ý Hà Nội xem xét có chính sách miễn phí bữa ăn trưa bán trú cho toàn bộ học sinh tiểu học, trung học cơ sở của thành phố, bởi đây cũng là đầu tư cho thế hệ tương lai. Theo Tổng Bí thư, từ Hà Nội nếu làm được có thể xem xét nhân rộng ra cả nước.

Thực tế, không phải chỉ đến hôm nay Tổng Bí thư Tô Lâm mới nhắc đến vấn đề đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho thế hệ tương lai của đất nước. Định hướng này được người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đề cập nhiều lần trong các cuộc họp quan trọng và trở thành định hướng cho các cấp thực thi.

Mới đây thôi, cả nước nức lòng trước quyết định của Bộ Chính trị về miễn toàn bộ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết trung học phổ thông công lập trên phạm vi cả nước. Thời điểm thực hiện từ đầu năm học mới 2025-2026.

Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, một số bộ, ngành liên quan, các địa phương phối hợp cụ thể hóa và thực hiện nghiêm túc quyết định trên.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi từng chia sẻ: Chính sách này không chỉ giúp giảm gánh nặng cho các gia đình, mà còn tạo cơ hội để mọi trẻ em có thể học tập và phát triển, từ đó đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giáo dục chính là nền tảng và sẽ không ai bị bỏ lại phía sau.

Đến hành động quyết liệt của cả hệ thống

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí giáo dục mầm non đến giáo dục phổ thông, quy định rõ đối tượng được miễn học phí.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang chung tay tạo môi trường học tốt nhất cho các em học sinh. Ảnh minh họa

Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang chung tay tạo môi trường học tốt nhất cho các em học sinh. Ảnh minh họa

Trong dự thảo Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra có một điểm rất đáng lưu ý: Tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập là khoảng 30.000 tỷ đồng.

Miễn học phí đồng nghĩa với tăng thêm áp lực lên ngân sách Nhà nước, trong bối cảnh nền kinh tế của đất nước đối mặt với nhiều thử thách, quyết định này của Bộ Chính trị, của Tổng Bí thư một lần nữa thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong đầu tư cho giáo dục. Cũng đồng nghĩa đặt nền móng cho đất nước Việt Nam hùng cường trong tương lai.

Và với chỉ đạo ngày hôm nay của Tổng Bí thư, Hà Nội sẽ nhanh chóng huy động cả hệ thống xây dựng cơ chế chính sách để triển khai. Rồi không xa, học sinh tiểu học, trung học cơ sở của thành phố bên cạnh được miễn học phí, còn được miễn phí ăn trưa. Các em được học hành, giáo dục trong môi trường tốt nhất, tự do phát triển năng lực tới mức cao nhất có thể.

Rất nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra, giáo dục không chỉ là chính sách xã hội mà còn là chiến lược an ninh quốc gia, là trụ cột của văn hóa dân tộc và sự bền vững của quốc gia trong kỷ nguyên cạnh tranh tri thức toàn cầu.

Một quốc gia có thể thiếu tài nguyên, nhưng nếu có một hệ thống giáo dục mạnh thì vẫn có thể đứng vững. Ngược lại, một đất nước có bao nhiêu khu công nghiệp, bao nhiêu tòa nhà cao tầng cũng sẽ đi xuống nếu thế hệ trẻ không được trang bị nền tảng tri thức, đạo đức và năng lực sáng tạo đúng đắn.

Sáng ngày 17/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Theo đó, Chính phủ đã đề xuất thực hiện phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi cùng với đó là cơ chế, chính sách để thực hiện. Tổng kinh phí cần để thực hiện là hơn 91.872 tỷ đồng (thời gian thực hiện 2026-2030).

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giao-duc-doi-thay-tu-mot-quyet-sach-nhan-van-383553.html