Giáo dục Hàn Quốc cần thích ứng trước tình hình mới
Hệ thống giáo dục của Hàn Quốc, một động lực chính dẫn đến thành công kinh tế của nước này, đang phải đối mặt với sự lo ngại ngày càng tăng từ việc chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động hiện đại đến việc phần nào làm suy giảm sức khỏe tinh thần của giới trẻ, theo Bloomberg.
Hàn Quốc có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học cao nhất trong các nước phát triển và nỗ lực học tập của công dân nước này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi. Hệ thống giáo dục hiện tại đã giúp Hàn Quốc vươn lên từ những khó khăn sau chiến tranh vào đầu những năm 1950 để trở thành một cường quốc sản xuất.
Nhưng việc đánh giá sâu hơn lĩnh vực giáo dục cho thấy nỗi ám ảnh về các trường đại học "hào nhoáng" đã khiến nhiều sinh viên thiếu hụt các kỹ năng trong thế giới thực, thiếu hụt khả năng học tập liên tục để duy trì tính cạnh tranh và một ngành công nghiệp luyện thi phát triển mạnh được cho là nguyên nhân dẫn đến gia tăng tình hình trầm cảm ở thanh thiếu niên.
Ngành công nghiệp luyện thi phát triển quá mức
Trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hàn Quốc là nước thu về ít nhất từ đầu tư vào giáo dục. So với Ireland, Hàn Quốc chi nhiều hơn 40% cho một học sinh tuổi vị thành niên nhưng thu về GDP/ nhân viên thấp hơn 60%.
Phần lớn chi tiêu của Hàn Quốc cho giáo dục là dành cho hagwons, các công ty dạy kèm hỗ trợ học sinh chuẩn bị cho các bài kiểm tra và kỳ thi thông qua huấn luyện chuyên sâu. Các hagwons đã phát triển thành một ngành công nghiệp trị giá 23,4 nghìn tỷ won bằng cách hứa hẹn kết quả kỳ thi tốt hơn.
Để luyện thi vào đại học, Hagwons thường tính phí hàng trăm USD/tháng. Theo nhà lập pháp Min Hyung-bae, việc tuyển sinh bắt đầu rất sớm. Một hagwon dạy tiếng Anh cho trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo có giá 25.000 USD/năm, gấp 5 lần mức học phí trung bình của một trường đại học.
Sinh viên Hàn Quốc thường xuyên được xếp hạng trong số những sinh viên giỏi nhất thế giới, nhưng ngay sau khi họ gia nhập lực lượng lao động, khả năng nhận thức của họ bắt đầu giảm với tốc độ nhanh nhất trong OECD.
Các nhà nghiên cứu cho biết tình trạng thiếu đào tạo liên tục, cũng như thiếu cạnh tranh và quyền tự chủ, là một trong những lý do khiến người lao động nước này chưa thể duy trì lợi thế của họ.
Hàn Quốc cũng là nước có sự chênh lệch nghiêm trọng nhất giữa nhu cầu thị trường lao động và kỹ năng việc làm trong khối các quốc gia phát triển. Một nửa số sinh viên tốt nghiệp đại học của quốc gia này thường đi làm những vai trò không liên quan nhiều đến bằng cấp của họ.
Một phần nguyên nhân là do "hội chứng vé vàng" của người Hàn Quốc: Họ ưu tiên vào một trường đại học danh tiếng hơn là theo học một trường có thể giúp phát triển niềm đam mê và sự nghiệp suốt đời của họ, một báo cáo của OECD cho biết. Gần 2/3 các công ty Hàn Quốc nói rằng các kỹ năng mà họ tìm kiếm không liên quan nhiều đến việc ứng viên có phải là sinh viên tốt nghiệp đại học hay không.
Hệ lụy trong đời sống xã hội
Hiện tại, ngày càng có nhiều sinh viên đang học nghề tin rằng họ sẽ phải học đại học hơn là tham gia lực lượng lao động. Suy nghĩ này có thể làm trầm trọng thêm sự không phù hợp giữa đào tạo và thị trường việc làm và làm suy giảm năng suất làm việc.
Theo Kim Tai-gi, một nhà kinh tế lao động, tỷ lệ sinh viên học nghề của Hàn Quốc đang ở mức thấp, vào khoảng 18% vào năm ngoái, so với mức trung bình của OECD là 44%.
Trong khi đó, việc học đại học cũng không đảm bảo sự linh hoạt của xã hội. Các cuộc khảo sát cho thấy cơ hội thăng tiến xã hội đang giảm dần dù tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học tăng lên.
Nỗi ám ảnh về đại học cũng đã khiến các gia đình tăng thêm chi phí cho các trường luyện thi và học thêm. Trong khi nhiều cặp vợ chồng tính toán rằng họ không đủ khả năng để chi trả cho con cái học thêm như vậy, họ dường như cũng không sẵn sàng có con nếu không thể cung cấp cho con những cơ hội tốt nhất.
Năm ngoái, Hàn Quốc đã trở thành nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Dân số Hàn Quốc được dự đoán sẽ giảm một nửa vào cuối thế kỷ này.
Căng thẳng trước việc vào đại học cũng như sức ép từ việc học tập nhiều giờ ở các hagwons cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên. Năm ngoái, tỷ lệ tự tử tăng 10,1% ở thanh thiếu niên, mức tăng lớn nhất trong tất cả các thế hệ người dân Hàn Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách ngày càng nhận thức được các vấn đề trong hệ thống giáo dục nhưng chưa đạt được nhiều tiến bộ.
Nhà kinh tế Ban Ga-Woon tại Viện Nghiên cứu Đào tạo và Giáo dục Nghề nghiệp Hàn Quốc cho biết: "Giáo dục đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa quốc gia này tiến xa nhưng giờ đây có thể đang phần nào níu chân tương lai kinh tế của quốc gia đó".