Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là một môi trường tốt cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khuyết tật. Nhiều trẻ khuyết tật đến đây được can thiệp đã có khả năng phục hồi...

Năm học này, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập (GDHN) trẻ khuyết tật tỉnh Thái Nguyên có 260 học sinh, 19 lớp, 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS. Trung tâm là một môi trường tốt cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ khuyết tật. Nhiều trẻ khuyết tật đến đây được can thiệp đã có khả năng phục hồi...

Một buổi học ngoại khóa về gói hoa của học sinh THCS tại Trung tâm.

Một buổi học ngoại khóa về gói hoa của học sinh THCS tại Trung tâm.

Cô giáo Dương Thị Dung, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: Giáo viên thường xuyên phải dỗ dành, an ủi, động viên để các em có thể kiểm soát được hành vi của mình. Học sinh khuyết tật tại đây chủ yếu là con em các gia đình sinh sống trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận, như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái…. Các em không may bị các khuyết tật, như: Khiếm thính, khiếm thị; chậm phát triển trí tuệ; tự kỷ; bị đa tật… Gia đình học sinh khuyết tật đa số là thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, sinh sống tại miền núi xa xôi, hẻo lánh.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trung tâm đều có trình độ đạt chuẩn hoặc trên chuẩn, giàu lòng nhân ái, tình thương và trách nhiệm để làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục những học sinh thiệt thòi.

Cô giáo Vũ Thị Thu Phương chia sẻ: Học sinh khuyết tật ở các độ tuổi và trình trạng khuyết tật khác nhau, trong đó có 140 em ở nội trú tại Trung tâm. Các em nhận thức còn hạn chế và có nhiều hành vi không tự chủ nên chúng tôi thường xuyên phải theo sát, mềm mỏng nhưng cũng cần nghiêm khắc. Đa số các em đều chăm ngoan, vâng lời thầy, cô giáo, có ý thức vươn lên, nhiều em tiếp tục học cao hơn, thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học.

Học sinh của Trung tâm được học các bộ môn văn hóa theo chương trình dành cho các trường chuyên biệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo viên sử dụng các phương pháp đặc thù với từng đối tượng học sinh khuyết tật, như: Dạy bằng chữ nổi Braille với đối tượng học sinh khiếm thị, dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu với đối tượng học sinh khiếm thính...

Ngoài ra, giáo viên còn dạy cho học sinh kỹ năng xã hội, ứng xử trong cuộc sống hàng ngày, kỹ năng giao tiếp, tự phục vụ bản thân.

Đặc biệt, học sinh còn được tham gia nhiều lớp dạy năng khiếu (nhạc, họa) phù hợp với tình trạng khuyết tật, giúp các em phát triển khả năng của bản thân, hòa nhập với xã hội. Trung tâm cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giao lưu văn nghệ, thể thao lành mạnh, ý nghĩa cho các em.

Tư vấn, hỗ trợ, giáo dục hòa nhập là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Trung tâm. Hằng năm, Trung tâm duy trì có hiệu quả các lớp can thiệp sớm trẻ trước tuổi đến trường cho từ 20 đến 40 trẻ trong độ tuổi mầm non. Nhiều trẻ khuyết tật được can thiệp sớm đã có khả năng phục hồi tốt...

Nhiều em được học nghề, sau khi ra trường đã tìm được công việc phù hợp để có thể tự lập trong cuộc sống. Nhờ đó, ngày càng có nhiều phụ huynh trong và ngoài tỉnh tin tưởng đưa con em đến Trung tâm học tập.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202311/giao-duc-hoa-nhap-cho-tre-khuyet-tat-cfa073f/