Giáo dục khởi nghiệp: Khơi dậy sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp

Trong những năm gần đây, việc tích hợp nội dung khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy và tổ chức các hoạt động thực tiễn đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần sáng tạo và ý chí vươn lên trong học sinh. Từ môi trường học đường, nhiều ý tưởng khởi nghiệp thiết thực, giàu tính ứng dụng đã được ươm mầm và từng bước hiện thực hóa.

Giáo viên Trường Tiểu học - THCS Lê Quý Đôn hướng dẫn học sinh quy trình triển khai dự án khởi nghiệp từ men ngải

Giáo viên Trường Tiểu học - THCS Lê Quý Đôn hướng dẫn học sinh quy trình triển khai dự án khởi nghiệp từ men ngải

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục khởi nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường tích hợp nội dung này vào chương trình giảng dạy thông qua các môn học chính khóa, sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm sáng tạo, đặc biệt ở cấp THCS và THPT. Thông qua các hoạt động đó, học sinh được tiếp cận với hệ thống kiến thức và kỹ năng thiết yếu như xây dựng kế hoạch kinh doanh, mô hình hóa ý tưởng, phân tích thị trường, quản trị tài chính, kỹ năng thuyết trình và làm việc nhóm. Nhiều trường còn tổ chức các hoạt động gắn với thực tế như gặp gỡ doanh nhân, tham quan cơ sở sản xuất, giúp học sinh có cơ hội nhìn nhận thực tiễn về khởi nghiệp, từ đó phát triển tư duy độc lập, sáng tạo.

Nếu như năm học 2023–2024, cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh thu hút 72 dự án từ 59 đơn vị tham gia, thì đến năm 2024, số lượng dự án tăng lên 117, trong đó 84 dự án được chọn vào vòng chung kết.

Một trong những điểm sáng trong hoạt động khởi nghiệp học đường là Trường THPT chuyên Chu Văn An. Thầy Mông Thanh Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường luôn chú trọng khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển các ý tưởng sáng tạo gắn với thực tiễn, đặc biệt là những vấn đề của địa phương và cuộc sống thường nhật. Năm 2024, nhóm học sinh của trường đã triển khai dự án “Scoobeedoo – Một số sản phẩm hữu cơ làm từ nấm men”, với các sản phẩm như trà Kombucha, thạch ăn liền, mứt và vải hữu cơ từ nấm men Scoby. Với tính ứng dụng cao và thông điệp phát triển xanh, dự án đã giành giải nhất tại Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cấp tỉnh.

Tinh thần khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở bậc THPT mà đang từng bước lan tỏa sâu rộng đến các trường THCS. Đơn cử như Trường TH&THCS Lê Quý Đôn. Thầy Nông Ngọc Hồi, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Không chỉ chú trọng giảng dạy lý thuyết, nhà trường còn tích cực tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tạo điều kiện để học sinh hình thành và phát triển các dự án khởi nghiệp từ những điều giản dị trong cuộc sống. Trong năm học 2024–2025, học sinh của trường đã đạt nhiều thành tích nổi bật, như: dự án “Bột tắm men ngải” đạt giải ba tại cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng cấp tỉnh; dự án “Nước rửa bát bồ hòn men gạo” giành giải nhì tại cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh. Những thành công đó cho thấy định hướng đúng đắn của nhà trường trong việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp và tinh thần sáng tạo cho học sinh ngay từ bậc THCS.

Ban giám khảo chấm điểm các sản phẩm, dự án khởi nghiệp của học sinh tham dự Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2024

Ban giám khảo chấm điểm các sản phẩm, dự án khởi nghiệp của học sinh tham dự Ngày hội khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2024

Toàn tỉnh hiện có khoảng 240 trường từ cấp THCS đến THPT. Thực tế đã chứng minh hiệu quả rõ nét của hoạt động giáo dục khởi nghiệp trong các trường học. Nếu như năm học 2023–2024, cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh thu hút 72 dự án từ 59 đơn vị tham gia, thì đến năm 2024, số lượng dự án tăng lên 117, trong đó 84 dự án được chọn vào vòng chung kết. Một trong những dự án nổi bật là “Chế biến và kinh doanh một số sản phẩm từ bí đỏ” của nhóm học sinh Trường THPT Cao Lộc. Em Nguyễn Thảo My, học sinh lớp 10A2, thành viên nhóm dự án chia sẻ: “Nhận thấy đầu ra cho bí đỏ tại địa phương còn hạn chế, nhóm chúng em đã đề xuất chế biến thành các sản phẩm như sữa, mứt, bánh và tận dụng phụ phẩm để sản xuất phân vi sinh. Qua đó, vừa nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản, vừa góp phần bảo vệ môi trường.”

Đánh giá về kết quả đạt được trong thời gian qua, bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Giáo dục khởi nghiệp đã có những bước chuyển biến rõ rệt, thể hiện qua số lượng và chất lượng các dự án ngày càng được nâng cao, bám sát thực tiễn, mang tính sáng tạo và ứng dụng cao. Học sinh không chỉ thể hiện tư duy đổi mới mà còn cho thấy sự chủ động, tự tin trong việc triển khai ý tưởng. Minh chứng rõ nét là tại cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp quốc gia năm 2024, Lạng Sơn có 5 dự án được lựa chọn tham gia, trong đó 2 dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết và giành được thành tích cao với 1 giải nhất và 1 giải ba.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như: tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng xây dựng và phát triển dự án; tăng cường kết nối giữa nhà trường với doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh truyền thông, lan tỏa các mô hình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu; đồng thời huy động nguồn lực xã hội để tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, hỗ trợ học sinh mạnh dạn hiện thực hóa ý tưởng và theo đuổi con đường khởi nghiệp.

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoi-day-tinh-than-khoi-nghiep-nhung-dau-an-trong-hoc-sinh-5042079.html