Giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ từ sớm

Giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ từ sớm không chỉ bảo vệ con trẻ mà còn giúp trẻ có nhận thức đúng đắn trong cuộc sống, trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn.

Giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ từ sớm là điều rất cần thiết. (Nguồn: Internet)

Giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ từ sớm là điều rất cần thiết. (Nguồn: Internet)

Kĩ năng đúng “cứu” trẻ lúc nguy cấp

Vụ bắt cóc bé trai 7 tuổi mới đây đã khiến dư luận bàng hoàng vì các tình tiết gay cấn và mức độ táo tợn của nghi phạm. Trong đó, nhiều người chú ý đến chi tiết cháu bé đã rất bình tĩnh khi đối mặt với đối tượng đang đe dọa mình. Cháu không hoảng loạn, gào thét mà làm theo hướng dẫn, cung cấp số điện thoại của mẹ mình cho kẻ bắt cóc liên lạc.

Trong quá trình ở cạnh đối tượng, cháu bé không dám ăn bất cứ thức ăn gì vì sợ bị bỏ thuốc, chỉ xin uống chung chai nước với đối tượng vì cho rằng như thế nước sẽ không có chứa chất gây hại. Khi được giải cứu, cháu bé tuy hơi sợ hãi nhưng không tỏ ra hoảng loạn.

Cách hành xử của cậu bé đã được cộng đồng ngợi khen. Chia sẻ với báo chí, cha của cháu bé cho biết, từ khi cháu còn nhỏ, vợ chồng anh đã dạy con nhiều kỹ năng an toàn như ghi nhớ số điện thoại của bố mẹ, không được tự ý lên xe của người lạ, không được nhận thức ăn, nước uống từ người lạ... Đồng thời, cậu bé cũng được dạy về thái độ ứng xử khi gặp nạn.

Ngày càng nhiều bậc cha mẹ hiện đã chú trọng dạy con những kỹ năng an toàn, từ giao tiếp đến xử lý vết côn trùng cắn, đối mặt với các động vật hung dữ, ứng phó với đuối nước hay hỏa hoạn...

Chị Lưu Mỹ Hương, giáo viên Anh ngữ, ngụ đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP HCM chia sẻ: “Từ sớm tôi đã cho con đi học bơi, không những thế, còn dạy con nhiều kỹ năng khác khi đi bơi như cách phân biệt vùng nước nông sâu, làm thế nào khi gặp nguy cơ dưới nước như dây rong quấn, gặp nước xiết hay kiệt sức, đuối nước. Mùa hè vừa qua, con đi dã ngoại với các bạn ở biển, nhờ có kỹ năng ấy mà khi gặp phải vùng nước xoáy bất ngờ, con đã xử lý tình huống bình tĩnh, không vùng vẫy, thả trôi theo dòng nước và ra tín hiệu nhờ người cứu hộ cứu vào bờ. Tôi thấy rằng những kỹ năng an toàn trong các lĩnh vực đều tốt với trẻ nhỏ, cha mẹ, nhà trường cần trang bị cho con càng sớm càng tốt”.

Dạy kỹ năng an toàn cho trẻ như thế nào?

Theo các chuyên gia, rất cần dạy kỹ năng an toàn cho con, bên cạnh việc học kiến thức, năng khiếu và các kỹ năng sống khác. Điều này có thể giúp bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ trong nhiều tình huống, như bị bắt cóc, hỏa hoạn, đi lạc, đuối nước, tai nạn giao thông, thú dữ cắn, đối mặt với hành vi bạo hành hay bắt nạt, các nguyên tắc an toàn với điện...

Một mảng quan trọng các gia đình cần giáo dục an toàn cho trẻ là vấn đề giới tính. Giáo dục về giới tính an toàn là dạy cho con biết nhận biết và phản ứng đúng đắn khi gặp phải tình huống lạm dụng hoặc xâm hại từ người khác, biết bảo vệ cơ thể mình thông qua các quy tắc đúng.

Ngoài ý nghĩa bảo vệ, giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ còn giúp trẻ xây dựng được ý thức an toàn, biết việc gì cần làm và không cần, không được phép làm trong nhà, trong các môi trường khác; giúp trẻ hiểu phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình và cần thể hiện sự quan tâm đối với an toàn của bản thân và người khác.

Theo các chuyên gia, cần giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ càng sớm càng tốt. Ở mỗi độ tuổi trẻ đã cần được giáo dục những kỹ năng khác nhau. Tuổi mầm non trẻ cần học được cách tránh xa các vật nhọn, các nguy hiểm về điện... Lớn hơn, trẻ cần đến các kỹ năng chống té ngã từ trên cao, chống bạo hành, xâm hại...

Hiện nay, ở nước ta, việc giáo dục trẻ về kỹ năng an toàn chủ yếu chỉ được thực hiện một cách tự phát nhờ ý thức của mỗi bậc cha mẹ. Nên chăng, các trường học, cơ sở giáo dục cũng nên tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ, giúp các em được giáo dục và phát triển toàn diện trong môi trường sống hiện đại nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro như hiện nay.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/giao-duc-ky-nang-an-toan-cho-tre-tu-som-post485755.html