Giáo dục kỹ năng sống: Gạt 'sạn', hướng tới hiệu quả

Tại các trường phổ thông, giáo dục kỹ năng sống được giáo viên lồng ghép, tích hợp trong các buổi sinh hoạt hoặc môn học.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) hào hứng với những hoạt động qua các tiết học kỹ năng sống.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) hào hứng với những hoạt động qua các tiết học kỹ năng sống.

Cùng đó, nhiều đơn vị còn hợp đồng với các trung tâm chuyên môn về lĩnh vực này để giảng dạy. Dù hướng tới hiệu quả, lợi ích của học sinh song hoạt động vẫn còn “sạn” và cần chấn chỉnh.

Chọn kỹ chương trình, đơn vị

Việc hợp đồng với đơn vị dạy kỹ năng sống (KNS) đều do các cơ sở giáo dục chủ động lựa chọn, trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh. Khi ký kết với đơn vị đào tạo, trường học phải quan tâm và bảo đảm các yếu tố như: Tính pháp lý của đơn vị hợp tác, được cấp phép, đội ngũ giáo viên và chất lượng chương trình đào tạo...

Tại Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, Đồng Nai), hoạt động giáo dục KNS cho học sinh được chú trọng. Theo đó, ngoài thường xuyên tổ chức các chuyên đề, hoạt động trải nghiệm giúp học sinh hình thành các thói quen, trường còn hợp đồng với một trung tâm chuyên về giáo dục kỹ năng sống đến giảng dạy.

Cô Hoàng Thị Ngọc, Hiệu trưởng cho biết, từ năm 2017 đơn vị đã hợp tác với một trung tâm dạy chuyên về KNS được Sở GD&ĐT Đồng Nai cấp phép để giảng dạy mỗi tuần/tiết. Tiết học tổ chức ở 100% khối, lớp với thời lượng 1 tiết/tuần trong thời khóa biểu chính khóa buổi 2, chi phí mỗi học sinh 60 nghìn đồng/tháng.

Theo cô Nguyễn Vĩnh Bảo Châu, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12 (TPHCM), Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 04 quy định việc quản lý hoạt động giáo dục KNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa đối với các cơ sở giáo dục. Theo đó, với chương trình giáo dục KNS, các trường có thể tự tổ chức hoặc phối hợp các đơn vị bên ngoài theo nguyên tắc tự nguyện từ người học, sự thống nhất của phụ huynh.

“Dù tự tổ chức giảng dạy hay liên kết với trung tâm, thì trước đó các cơ sở giáo dục phải trình hồ sơ, chương trình hoạt động để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Trong đó, nhà trường phải bảo đảm thực hiện đầy đủ chương trình chính khóa, đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, báo cáo viên có đủ bằng cấp chuyên môn cũng như giáo trình, tài liệu giảng dạy”, cô Nguyễn Vĩnh Bảo Châu nói.

Để lựa chọn chương trình, đơn vị liên kết tổ chức giảng dạy kỹ năng sống, các cơ sở giáo dục phải xem xét điều kiện thực tế địa phương, đơn vị cũng như nhu cầu của học sinh, định hướng chiến lược phát triển nhà trường, sau đó mới tiến hành lấy ý kiến của phụ huynh và xem xét hồ sơ năng lực của đơn vị sẽ liên kết.

Tại Nghệ An, Sở GD&ĐT vừa chỉ đạo các Phòng GD&ĐT và nhà trường trên địa bàn tạm dừng việc liên kết với trung tâm dạy học kỹ năng sống. Đồng thời rà soát về con người, cơ sở vật chất, thẩm định chương trình dạy học và các điều kiện tổ chức khác trước khi đưa vào nhà trường.

Chị Trần Thị Kim (phụ huynh ở xã Nghi Phú, TP Vinh) có con đang học lớp 1 và 3 chia sẻ: Gia đình ủng hộ việc dạy học kỹ năng sống cho con trong nhà trường. Thời lượng 2 tiết/tuần cũng không quá áp lực và độ tuổi của con cần ưu tiên tăng cường kỹ năng như giao tiếp, ứng xử với các tình huống trong cuộc sống. Tuy nhiên, chị cũng thừa nhận bản thân không nắm rõ nội dung chương trình dạy kỹ năng sống, liên kết với trung tâm nào, người dạy là ai... Đồng thời mong muốn nếu tiếp tục triển khai thì nhà trường thông tin thêm để phụ huynh biết và đồng hành với con.

Cô Trần Thị Đa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhân Thành (huyện Yên Thành - Nghệ An) cho hay, sau chỉ đạo của ngành Giáo dục, nhà trường hiện đang thông báo với trung tâm kỹ năng sống tạm dừng. Thay vào đó, các tiết kỹ năng sống sẽ được chuyển đổi sang rèn luyện đọc, viết tiếng Việt (đối với lớp 1) và hoạt động trải nghiệm, bổ sung kiến thức khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý với các khối lớp khác.

Trước đó, Trường Tiểu học Nhân Thành liên kết với một trung tâm trên địa bàn triển khai dạy KNS. Theo cô Trần Thị Đa, việc dạy cho học sinh tiểu học, nhà ở vùng nông thôn rất cần thiết bởi các em đang trong độ tuổi hình thành nhân cách, trong khi học sinh nông thôn hầu hết còn rụt rè, chưa mạnh dạn, thiếu nhiều kỹ năng, gia đình không có điều kiện cho con học ở các trung tâm kỹ năng.

Việc liên kết với trung tâm kỹ năng sống mục đích có chương trình nội dung dạy học bài bản, thống nhất, xuyên suốt. Tuy nhiên, khi liên kết, nhà trường không hoàn toàn dùng giáo trình, chương trình của trung tâm cung cấp mà có nghiên cứu, tham gia điều chỉnh.

“Chương trình GDPT 2018 của cấp tiểu học đã có hoạt động trải nghiệm và các môn học đều lồng ghép dạy kỹ năng sống cho học sinh. Vì vậy, khi rà soát giáo trình của trung tâm, nếu có nội dung trùng với chương trình dạy học của nhà trường, thì chúng tôi yêu cầu bỏ ra, và thay bằng nội khác. Ví dụ chúng tôi yêu cầu đưa thêm vào các tiết phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước; phòng chống xâm hại trẻ em; phòng cháy, thoát hiểm…”, cô Trần Thị Đa cho hay.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhân Thành, với cách triển khai như vậy, những năm thực hiện liên kết dạy kỹ năng sống có hiệu quả, giáo viên thuận lợi và được phụ huynh ủng hộ.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11, TPHCM) tìm hiểu “Góc Lịch sử - Địa lý” tại trường.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11, TPHCM) tìm hiểu “Góc Lịch sử - Địa lý” tại trường.

Cần rà soát, bài bản

Nghệ An hiện có 152 đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (GDNGCK) được Sở GD&ĐT cấp giấy phép. Nội dung hoạt động GDKNS và GDNGCK thuộc 5 nhóm chính: Chương trình kỹ năng sống, toán tư duy, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật, rèn luyện kỹ năng học các môn văn hóa.

Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá, hoạt động giáo dục kỹ năng sống đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, rèn luyện cho học sinh một số kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, liên quan đến việc dạy kỹ năng sống trong trường học có một số bất cập.

Việc quản lý hoạt động trong các trung tâm và cơ sở giáo dục khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước các cấp do địa bàn rộng. Cơ sở vật chất nhiều đơn vị kỹ năng sống, cơ sở giáo dục chưa thật sự phù hợp. Một số cơ sở giáo dục trong quá trình liên kết với các trung tâm kỹ năng sống tổ chức hoạt động sau giờ học chính khóa cho học sinh chưa thống nhất, thiếu đồng bộ tạo ra dư luận thiếu tích cực trong cộng đồng.

Ông Nguyễn Trọng Hoàn - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin, việc dạy học kỹ năng sống trong nhà trường được hướng dẫn tại nhiều văn bản như: Nghị định 24 của Chính phủ, Thông tư 04 của Bộ GD&ĐT. Trong Chương trình GDPT mới 2018, nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cũng được chú trọng, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Tuy nhiên, để việc dạy học kỹ năng sống hiệu quả, đúng theo các văn bản hướng dẫn, trước mắt, Sở chỉ đạo các Phòng GD&ĐT và nhà trường tạm dừng việc liên kết với trung tâm dạy học kỹ năng sống. Đồng thời, các nhà trường và các đơn vị liên quan cần rà soát về con người, vật chất, chương trình dạy học và các điều kiện tổ chức khác trước khi đưa vào nhà trường. Việc dạy và học phải được triển khai theo tinh thần tự nguyện.

Với các trung tâm ngoài nhà trường, nếu đủ điều kiện đảm bảo theo quy định vẫn được hoạt động theo đúng các văn bản hướng dẫn và theo nhu cầu phụ huynh. Đồng thời, Sở tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc hoạt động của các trung tâm này.

Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, quan điểm của ngành về việc trang bị kỹ năng sống là cần thiết cho học sinh, nhưng cần đi theo hướng tăng cường giá trị sống, triết lý sống, hình thành văn hóa, cốt cách con người xứ Nghệ. Trong đó chương trình giáo dục địa phương phải chú trọng về vấn đề này. Chương trình liên kết dạy kỹ năng sống chỉ mang tính chất bổ trợ những cái còn thiếu hoặc chưa có trong chương trình chính khóa và phụ huynh học sinh có nhu cầu mới triển khai.

Ở góc độ nhà trường, cô Hoàng Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cũng cho biết, nhà trường xác định, giáo dục kỹ năng sống nếu chỉ dừng ở việc lồng ghép trong môn học thì chưa đủ để trang bị cho học sinh kỹ năng một cách nhuần nhuyễn, bài bản. Để việc dạy các kỹ năng thực sự hiệu quả cần đến sự tác động từ nhiều hướng, tức là vừa kết hợp theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” từ phía thầy cô, vừa có sự chuyên sâu, bài bản từ các đơn vị có chuyên môn.

Thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có hơn 16.000 trẻ mầm non tham gia tăng cường kỹ năng sống, chiếm tỷ lệ 8,86%; cấp tiểu học là hơn 120 nghìn học sinh chiếm 36,4%; cấp THCS khoảng 1.800 học sinh chiếm 0,8% và cấp THPT không triển khai.

Mức thu học phí liên kết trong cơ sở giáo dục: Từ 12,500 đồng - 25.000 đồng/học sinh/tiết tùy theo vùng miền và chương trình học. Trong đó, chương trình kỹ năng sống thu 12,500 đồng/tiết/học sinh; Chương trình nghệ thuật, giáo dục thể chất, giáo dục STEM thu mức tối đa 25.000 đồng/tiết/học sinh).

Hồ Phúc - Hồ Lài

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-ky-nang-song-gat-san-huong-toi-hieu-qua-post654866.html