Giáo dục lòng biết ơn

Nhằm giúp học sinh nhận biết ý nghĩa của lòng biết ơn và xác định được trách nhiệm của mình trong gia đình cũng như trong các mối quan hệ xã hội, thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã tăng cường giáo dục kỹ năng sống, trong đó đặc biệt quan tâm giáo dục trẻ về lòng biết ơn. Từ những bài học, câu chuyện gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hành đã giúp các em biết cách thể hiện tình cảm với những người thân, thầy cô, bạn bè - yếu tố quan trọng trong việc hình thành và phát triển phẩm chất, nhân cách cho học sinh.

Trường Tiểu học Tam Sơn quan tâm giáo dục cho học sinh về lòng biết ơn, trước hết là lễ phép với thầy cô.

Trường Tiểu học Tam Sơn quan tâm giáo dục cho học sinh về lòng biết ơn, trước hết là lễ phép với thầy cô.

Giờ sinh hoạt cuối tuần của cô và trò lớp 5B, Trường Tiểu học Tam Sơn hôm nay khởi đầu có phần trầm lắng. Bởi điểm nhấn của buổi sinh hoạt chính là nội dung ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống do cô giáo Bùi Thị Vân chia sẻ với chủ đề về giá trị của lòng biết ơn. Bằng giọng kể truyền cảm và ấm áp, cô Vân đã dẫn dắt học sinh của mình vào câu chuyện đầy xúc động về tình cảm gia đình. Từ đó, các em có những giây phút trầm tĩnh để suy ngẫm về tình cảm với cha mẹ. Có những giọt nước mắt đã rơi, có những khuôn mặt không giấu được xúc động. Các con hiểu được cách bày tỏ tình cảm và sự biết ơn của mình với ông bà, cha mẹ, thầy cô cũng như sự vất vả, hy sinh mà cha mẹ, thầy cô đã dành cho mình.

Thầy giáo Nguyễn Địch Hùng - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Ngay đầu năm học 2024-2025, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục và kế hoạch hoạt động sau giờ học chính thức, trong đó có nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống nhằm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của học sinh mà giáo dục lòng biết ơn là điểm nhấn quan trọng. Vì thế, căn cứ từng tháng, Nhà trường xây dựng chủ đề giáo dục lòng biết ơn phù hợp như: Tháng 9 giáo dục về truyền thống nhà trường, tháng 10 về mẹ và thầy cô, tháng 12 uống nước nhớ nguồn, tháng 5 nhớ ơn Bác Hồ, tháng 7 đền ơn đáp nghĩa... Thông qua các hoạt động ngoại khóa của Nhà trường đã giúp học sinh hiểu được công ơn dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, công ơn dạy dỗ của thầy cô giáo, công ơn của những người đã có công xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, các em có cơ hội lắng mình lại, cảm nhận được giá trị của lòng biết ơn, để thêm nỗ lực học tập, biết sống yêu thương và có trái tim nhân hậu”.

Trường THCS Cát Trù, xã Hùng Việt là ngôi trường quy mô nhỏ với hơn 250 học sinh. Cùng với việc giảng dạy tri thức, Nhà trường thường xuyên bồi dưỡng những kỹ năng cơ bản trong đó có lòng biết ơn giúp học sinh chuẩn bị hành trang bước vào đời. Nắm bắt được tâm lý lứa tuổi của học sinh THCS là điều quan trọng, cần thiết để mỗi thầy giáo, cô giáo ở Trường THCS Cát Trù đưa ra biện pháp giáo dục phù hợp về lòng biết ơn, giúp các em biết tránh xa những cám dỗ trong cuộc sống hằng ngày, góp phần bài trừ các tai, tệ nạn xã hội xâm nhập học đường. Nhờ sự chỉ bảo ân cần của thầy cô, nhiều học sinh đã có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Các em đã có sự chia sẻ cởi mở hơn, đồng thời cũng có những hành động, việc làm cụ thể để bày tỏ sự biết ơn đối với người thân trong gia đình cũng như đối với thầy cô giáo.

Em Nguyễn Thị Yến Ly, học sinh lớp 6A chia sẻ: “Em là con thứ 3 trong gia đình có 4 anh, chị, em. Bố mẹ em làm công nhân và làm ruộng, nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì thế, ngoài giờ lên lớp, ở nhà em chủ động giúp đỡ bố mẹ những việc nhỏ như nấu cơm, quét nhà, giặt phơi quần áo, tự giác học bài để đạt điểm cao trong học tập, không để bố mẹ phải nhắc nhở, phiền lòng”.

Ngoài giờ lên lớp, cô và trò Trường THCS Cát Trù, xã Hùng Việt gần gũi trao đổi, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống.

Ngoài giờ lên lớp, cô và trò Trường THCS Cát Trù, xã Hùng Việt gần gũi trao đổi, chia sẻ về kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, trẻ em ngày càng được chiều chuộng, nhiều em hình thành lối sống ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi mà không biết cho đi, sống vô cảm, thờ ơ, không quan tâm đến người khác và sống thiếu trách nhiệm với chính bản thân mình. Vì thế, cùng với tri thức, các trường học trên địa bàn huyện Cẩm Khê còn quan tâm bồi dưỡng lòng biết ơn, giúp học sinh tu dưỡng, rèn luyện, vững bước trưởng thành, trở thành những công dân có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt, có những hành động việc làm tử tế có ích cho xã hội.

Sơn Lâm

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc-long-biet-on-224577.htm