Tự chủ đại học còn nhiều bất cập
Thành công của tự chủ ĐH sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội.
Câu lạc bộ (CLB) mạng lưới đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Việt Nam phối hộ cùng Trường ĐH Hùng Vương TP HCM vừa tổ chức hội thảo "Đổi mới quản trị ĐH trên cơ sở tự chủ ĐH gắn với đảm bảo chất lượng".
Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Việt Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Hùng Vương TP HCM, Phó Chủ tịch CLB, cho biết quản trị ĐH trên cơ sở tự chủ không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là giải pháp quan trọng giúp các trường ĐH linh hoạt thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội, từ đó tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, để thực hiện điều này một cách hiệu quả, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố như: Chuyển đổi số trong quản trị và giảng dạy, đảm bảo chất lượng giáo dục đào tạo, hợp tác quốc tế và phát triển chương trình đào tạo hướng tới sự bền vững, huy động và quản lý các nguồn lực một cách bền vững bền vững.
Đề cập đến quá trình tự chủ ĐH ở Việt Nam, TS Nguyễn Thị Thu Hà, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, cho biết hiện có khoảng 30 cơ sở giáo dục ĐH công lập thực hiện tự chủ và đã có những thành tựu nhất định, vị thế của các trường tự chủ trong hệ thống giáo dục quốc dân được củng cố và có thêm động lực phát triển, ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, tạo nguồn thu linh hoạt hơn, thu nhập của đội ngũ giảng viên tăng lên, khả năng hội nhập dễ dàng hơn.. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tự chủ cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập như khung pháp lý chưa đồng bộ, một số cơ sở giáo dục ĐH thí điểm chưa chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện tự chủ, nhiều cơ sở giáo dục ĐH hiểu và thực hiện sai quyền tụ chủ là quyền được "tự quyết mọi việc" mà không chú ý đến các quy định của pháp luật…
GS- TS Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường - Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), Chủ nhiệm CLB đánh giá "tự chủ ĐH như khoán 100" nhưng tự chủ ĐH cũng đang phát sinh nhiều vấn đề, bất cập. Ông cũng cho rằng đối với các trường công lập, việc tự chủ đã được quy định rõ ràng nhưng đối với các trường tư thục, vấn đề tự chủ còn nhiều bất cập, chưa được triển khai đầy đủ. Theo ông, cần có sự phân định rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm giữa chủ sở hữu trường và hội đồng quản trị.
Đề cập về sự thay đổi của chất lượng giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa - thách thức và cơ hội, TS Nguyễn Minh Huyền Trang, Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP HCM, cho rằng việc duy trì và đảm bảo chất lượng giáo dục (CLGD) cũng như thay đổi và ứng phó với sự thay đổi, việc đối mặt với các thách thức không thể tránh khỏi. Những khó khăn này không chỉ đến từ bản chất phức tạp của sự thay đổi CLGD trong bối cảnh toàn cầu hóa mà còn liên quan đến các yếu tố ngoại cảnh và giới hạn của chính những cơ quan, tổ chức có liên quan.
Tại hội thảo, các ý kiến cũng tập trung thảo luận vào việc đánh giá và phát triển giáo dục ĐH tại Việt Nam, gồm: Sự tiếp cận và hội nhập quốc tế của giáo dục ĐH Việt Nam, các tiêu chuẩn và chất lượng của giáo dục ĐH, quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong giáo dục, cơ chế quản lý và tự chủ của các trường ĐH với các điểm chính như sự tiếp cận và hội nhập quốc tế, các tiêu chuẩn và chất lượng, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ, cơ chế quản lý và tự chủ.
Các tham luận, thảo luận cũng đề cập đến những thành tựu đáng kể của giáo dục ĐH Việt Nam nhờ việc thực hiện tự chủ, như tăng cường năng lực tự chủ, huy động nguồn lực xã hội, nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần khắc phục, như chưa thực sự phát huy được vai trò, trách nhiệm của các trường ĐH, đặc biệt là các trường công lập; Cơ chế quản trị, tài chính chưa đủ linh hoạt, chưa tạo động lực mạnh mẽ cho đổi mới, sáng tạo; Chất lượng đào tạo, năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội còn nhiều hạn chế.
Các kiến nghị chính đề cập đến việc cần hoàn thiện thể chế, pháp luật về tự chủ ĐH, rõ ràng hơn về vai trò, trách nhiệm của các chủ thể; Tạo điều kiện để các trường công lập thực sự phát huy tự chủ, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng; Khuyến khích, tạo điều kiện cho các trường ngoài công lập phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh lành mạnh; Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các trường ĐH với doanh nghiệp, tổ chức xã hội.
Phát biểu kết luận, GS- TS Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh thành công của tự chủ ĐH sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung về chủ đề đổi mới tự chủ ĐH ở Việt Nam, ông Đức cho rằng phải xác định hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường "ai to hơn ai" để xác định trên dưới. Chủ tịch hội đồng trường là người làm chiến lược, bổ nhiệm hiệu trưởng nhưng trong trường thì hiệu trưởng là người cầm con dấu. Nếu hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng trường đoàn kết thì trường phát triển và ngược lại.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tu-chu-dai-hoc-con-nhieu-bat-cap-196241215100842943.htm