Giáo dục lòng biết ơn cho học sinh

Giáo dục lòng biết ơn không nằm ngoài các yếu tố gia đình-nhà trường-xã hội và đó chính là môi trường để học sinh hình thành, phát triển nhân cách.

Gia đình-nhà trường-xã hội là môi trường để học sinh hình thành, phát triển nhân cách. Giáo dục lòng biết ơn không nằm ngoài các yếu tố đó. Tuy nhiên, việc này cần phải được thường xuyên quan tâm, chăm lo đúng nghĩa.

Lòng biết ơn theo quan niệm của người Việt Nam “là sự bày tỏ thái độ trân trọng, tình cảm và những việc làm đền ơn, đáp nghĩa đối với những người đã giúp đỡ mình, với những người có công với dân tộc, đất nước” (Giáo dục công dân-Bộ Giáo dục và Đào tạo). Theo đó, lòng biết ơn được hiểu là một tình cảm, thái độ và hành động tốt đẹp thể hiện phẩm chất đạo đức, đức tính tốt đẹp của con người đối với cộng đồng đặt trong tổng thể các mối quan hệ xã hội diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Nói rộng ra, lòng biết ơn thể hiện bản ngã con người, quyết định sự sinh tồn của con người đối với cuộc sống hiện tại. Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của lòng biết ơn, từ xưa đến nay, việc giáo dục lòng biết ơn luôn được chú trọng từ gia đình, đến nhà trường và xã hội, bởi “Uống nước nhớ nguồn” luôn là truyền thống quý báu và tốt đẹp của dân tộc ta.

Gia đình-nhà trường-xã hội chính là môi trường để học sinh hình thành, phát triển nhân cách. Ảnh Thu Thủy

Gia đình-nhà trường-xã hội chính là môi trường để học sinh hình thành, phát triển nhân cách. Ảnh Thu Thủy

Còn theo quan điểm của Tâm lý học Tích cực, lòng biết ơn không chỉ là một phẩm chất, đức tính tốt đẹp, mà trên hết đó là cảm giác trân trọng những gì mỗi người đang có và những điều tốt đẹp, tích cực trong cuộc sống mà chúng ta có được do những người khác, hoặc do nhiên nhiên mang lại. Theo đó, lòng biết ơn không chỉ tồn tại đối với những điều to tát mà ngay chính những gì giản dị, nhỏ bé thường nhật. Có thể là một khoảnh khắc tươi đẹp của thiên nhiên, con người tạo ra; giây phút thành công hay sự chưa bằng lòng với thực tại; sự nỗ lực của bản thân mang lại thành quả…Luôn luôn thực hành lòng biết ơn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích đối với chúng ta, giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn, hài lòng với cuộc sống hơn, lạc quan hơn, giảm thiểu những rối loạn sức khỏe tâm thần như stress, lo âu, trầm cảm.

Tuy nhiên, có một thực trạng đáng nói là do tác động mặt trái của cơ chế thị trường, cùng với tác động của quá trình phát triển kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ… đặc biệt, trong đời sống xã hội hiện nay tồn dư lối sống hưởng thụ, vô cảm làm cho lòng biết ơn đang dần mai một. Biểu hiện rõ nhất là không ít người chỉ quan tâm vào những gì còn thiếu, hoặc những gì người khác có mà bản thân mình không có. Điều đáng nói là, lối sống lệch lạc đó xâm lấn mạnh vào các nhà trường, vào một bộ phận học sinh, nhất là lứa tuổi phổ thông hiện nay.

Gia đình-nhà trường-xã hội là môi trường để học sinh hình thành, phát triển nhân cách. Giáo dục lòng biết ơn không nằm ngoài các yếu tố đó. Tuy nhiên, việc này cần phải đặt ra từ rất sớm, ngay từ khi trẻ ở giai đoạn đầu đời bắt đầu hình thành nhận thức về thế giới quan xung quanh mình. Ở khoảng thời gian này, vai trò của gia đình giữ vị trí trọng yếu bồi đắp cho trẻ tình yêu thương giữa người với người qua các quan hệ trong gia đình, thái độ với thiên nhiên…Giáo dục cho trẻ được lòng yêu thương, biết yêu thương là điểm cốt yếu, nền tảng xây dựng lòng biết ơn. Từ đó, mới có thể hình thành lòng "Yêu Tổ quốc/Yêu đồng bào" như lời Bác Hồ dạy.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc này, khi trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thiên Hương ở Đông Anh, Hà Nội trải lòng: "Tuy tôi và chồng đã chia tay nhau khá lâu, song, vào dịp nghỉ Lễ, Tết hay có cơ hội là tôi đều cùng các con về thăm gia đình bên nội. Các cháu còn nhỏ, chưa thể hiểu được sự phức tạp, mọi ngóc ngách vấn đề (người ta thường nói là chuyện của người lớn), nhưng tình cảm, tình yêu thương của mọi người trong gia đình cần được trân trọng, mong ngày càng bền chặt. Chính vì vậy, các cháu luôn ngoan, kính trọng ông bà, cha mẹ…"

Câu chuyện của chị Hương gợi cho chúng ta nhiều điều về xây đắp, gìn giữ tình yêu thương trong một gia đình, điều tưởng chừng như bình thường, nhưng trong những tình huống, những hoàn cảnh cụ thể, trước sự va đập của cuộc sống… vấn đề sẽ không hề đơn giản, nếu như không có nhận thức đầy đủ và thái độ ứng xử đúng mực của người lớn. Đó là nấc thang quan trọng đầu đời để trẻ hình thành lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, người thân…

Thạc sỹ Tâm lý lâm sàng Lưu Thị Phương Loan có nhiều năm giảng dạy và trực tiếp làm công tác tham vấn tâm lý học đường tại Trường THPT Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: "Tôi nhận thấy việc nuôi dưỡng và thực hành lòng biết ơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp các em thấy được ý nghĩa của cuộc sống, hài lòng với cuộc sống hơn, cải thiện các mối quan hệ xã hội, thông qua đó, nâng cao sức khỏe tâm thần cho các em. Đôi khi, các em mong muốn quá nhiều nên xảy ra tình trạng ích kỷ, đố kỵ và ghen ghét với những người xung quanh; các em tự mang đến cho bản thân sự mệt mỏi, cũng như mang trong mình những nỗi đau và cảm nhận đen tối mà các em phải trải qua. Vì vậy, cần thiết hướng dẫn cho trẻ thực hành lòng biết ơn, khả năng quý trọng những gì đang có, đang sở hữu, giúp các em nhận thấy mình đang nhận được rất nhiều sự tốt đẹp mà cuộc đời mang lại".

Trường hợp đáng tiếc của Chu Ngọc Quang Vinh học sinh lớp 12, trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái gần đây lan truyền trên mạng xã hội làm chúng ta không vui trước thềm năm học mới. Song, nghiêm túc nhìn nhận ở góc độ giáo dục đạo đức, đặc biệt là thực hành lòng biết ơn có thể xem là bài học thấm thía đối với các bậc phụ huynh học sinh, các nhà trường, thấy được giáo dục lòng biết ơn có vị trí quan trọng như thế nào. Cùng với đó, cũng không thể không xem nhẹ việc giáo dục học sinh thận trọng, biết dùng, ửng xử với mạng xã hội đúng cách, tránh trở thành nạn nhân của dư luận trên mạng xã hội.

Lòng biết ơn không chỉ với những gì to tát. Để ý và tận hưởng những điều dung dị, trân trọng cuộc sống mỗi ngày, dành thời gian để ngắm nhìn, thưởng thức vẻ đẹp mọi thứ xung quanh… coi trọng sự phong phú của thế giới này cũng là một phần của lòng biết ơn. Trân trọng hiện tại giúp chúng ta kết nối với mọi người, lan tỏa yêu thương nhiều hơn, vui vẻ và viên mãn hơn. Việc giúp các em học sinh biết trân trọng và tận hưởng những điều nhỏ bé nhưng quý giá trong cuộc sống, rèn luyện lòng biết ơn chính là những bài tập giúp các em nhận ra hạnh phúc đến từ những điều bình dị, giản đơn.

Thu Thủy

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/giao-duc-long-biet-on-cho-hoc-sinh-343909.html