Gần 150 trường tại Hà Nội và 6 tỉnh chưa thể cho học sinh đến trường
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, thiệt hại của ngành giáo dục do bão số 3 là rất lớn. Tính tới ngày 16/9, còn 150 trường học tại Hà Nội và 6 tỉnh ngày hôm nay chưa thể hoạt động được.
Theo thông tin cập nhật từ Sở GD&ĐT Hà Nội, sáng nay (16/9), trên địa bàn TP vẫn còn trên 60 trường bị úng ngập nên chưa thể đón học sinh đến trường; trong đó cấp mầm non có 21 trường, cấp tiểu học có 23 trường, cấp THCS có 16 trường và cấp THPT có 1 trường.
Cơn mưa lớn đêm qua và sáng nay (16/9) khiến nhiều tuyến phố tại Hà Nội bị ngập, phương tiện di chuyển rất khó khăn. Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh (cơ sở Cầu Giấy) cho học sinh nghỉ 2 tiết sáng, trường sẽ bắt đầu dạy từ tiết 3.
Cũng trong sáng nay, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) gửi thông báo đến phụ huynh học sinh việc nghỉ học trực tiếp vì trường ngập sâu, không bảo đảm an toàn cho công tác dạy và học.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, thiệt hại của ngành giáo dục do bão số 3 là rất lớn. Tính tới ngày 16/9, với sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương, nhà trường, thầy cô giáo, hàng nghìn trường học cơ bản được khôi phục hoạt động trở lại; tuy nhiên, theo thống kê, vẫn còn 150 trường học tại Hà Nội và 6 tỉnh ngày hôm nay chưa thể hoạt động được.
Cá biệt, tại Lào Cai, còn 83 trường chưa dạy học trở lại, trong đó tính đến ngày 23/9, vẫn còn 17 trường học chưa thể khôi phục để đưa học sinh đến trường. Bộ GD&ĐT kiến nghị Chính phủ dùng ngân sách Trung ương hỗ trợ để dựng trường tạm đối với 17 trường không thể khắc phục và sau đó có nguồn kinh phí xây dựng lại trường.
Tại Yên Bái, ngày 16/9 toàn bộ học sinh đã trở lại trường. Có 28 cơ sở giáo dục bị ngập lụt, đến thời điểm này các trường đã dọn dẹp, khắc phục xong; 37 cơ sở giáo dục bị sạt lở. Bên cạnh đó, còn một số trường, điểm trường bị sạt lở đất với khối lượng ít, các trường đã chủ động huy động cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để khắc phục.
Thiệt hại về cơ sở vật chất, thiết bị dạy - học, sách vở ước tính tại tỉnh Yên Bái ban đầu khoảng 45 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ các địa phương, đến nay, có tổng số 67 học sinh bị thương vong, gồm: 3 giáo viên, 52 học sinh, trẻ em tử vong, 1 giáo viên, 3 học sinh bị mất tích và 8 học sinh bị thương.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các nhà xuất bản đã tích cực hỗ trợ học sinh vùng lũ: đã tặng 2.000 bộ sách; huy động tồn kho 12,5 triệu bản sách; đề xuất in bổ sung 10 triệu bản; ủng hộ chuyển tới Công đoàn Giáo dục Việt Nam 719 triệu đồng; huy động đóng góp từ lương chuyển tới Ủy ban MTTQ Việt Nam 124 triệu đồng. Hiện, Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp tục kêu gọi, vận động tài trợ để hỗ trợ cho học sinh.
Về kế hoạch dạy bù, Bộ GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn của địa phương, bảo đảm thực hiện và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong trường hợp ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh; quyết định cho học sinh nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, thiên tai; đối với các trường hợp đặc biệt phát sinh, báo cáo Bộ GD&ĐT trước khi thực hiện.