Giáo dục, mưu cầu lớn từ những bài học nhỏ

Một cách cơ bản, nhiều vấn đề thuộc về xã hội và con người như tội phạm, sợ hãi, gian dối, bạo hành v.v. đều có thể lý giải dưới lăng kính của tâm lý học, và có thể giải quyết căn bản bằng con đường của giáo dục.

 Thế giới của trẻ thơ - Hình minh họa từ sách "Hoàng tử bé" của Antoine de Saint-Exupéry

Thế giới của trẻ thơ - Hình minh họa từ sách "Hoàng tử bé" của Antoine de Saint-Exupéry

Chính những tác động không mong muốn nào đó trong quá khứ vào cấu trúc tâm lý của con người đã hằn lại thành vô thức, và biểu hiện ra bằng ứng xử, bằng hành vi, bằng toàn bộ cuộc sống của mỗi người.

Để minh họa nhận định trên, xin kể ra đây một câu chuyện riêng. Cách đây vài hôm, tôi có việc phải vắng nhà 2 ngày, lúc ấy một người bạn của tôi mới hỏi rằng “Thằng nhóc ở nhà thì làm sao?” Tôi nói, “Hắn có thể ở nhà một mình qua đêm mà không sợ.” Đó là câu hỏi của một người đang có con học lớp 7, và bạn ấy đã rất ngạc nhiên với câu trả lời của tôi, vì con tôi mới 9 tuổi.

Khoảng 3 năm trước, thằng bé còn rất sợ bóng tối, sợ tới nỗi đêm muốn đi tè, mặc dù nhà vệ sinh ở ngay trong nhà, bé vẫn không dám đi một mình. Khi phát hiện ra vấn đề của con, tôi thấy phải “chữa trị” cho con, không thể chậm trễ được nữa.

Thế là, tối, tôi cầm tay con cùng đi dạo trên những con đường trong xóm vắng, và chỉ cho nó thấy những con đom đóm, những vì sao, rồi nói về sự vô tận của bầu trời và vẻ đẹp của đêm… Cứ thế, hai cha con rảo bước, có những con ốc sên đang bò qua đường, những con chuột rúc rích, cả những con bướm và lũ dơi… Tôi từ từ buông tay, thằng bé không còn giật mình nữa. Giữ khoảng cách với con, gần, rồi xa dần… Tôi nói, con hãy tự mình đi lên phía trước để nhìn thấy mặt trăng đang khuất sau những tán cây; cứ thế, sau 3 đêm, thằng bé đã tự mình chạy ra cổng chơi dưới bầu trời đầy sao… Bây giờ thì con thích ngủ một mình, sáng tự thức dậy, tự làm đồ ăn sáng, và tự đạp xe đi học.

Ngẫm lại bản thân, tôi nhớ mình từng rất sợ ma, sợ cho đến mãi khi học hết phổ thông vẫn chưa thôi. Không được ai giúp đỡ, không có sự chỉ bày, tôi phải sống với nỗi sợ ấy một mình gần 20 năm. Cha mẹ không dạy, thầy cô không chỉ, tôi một mình sống giữa bao sự rối rắm, sợ hãi, hoang mang, lúng túng giữa thế giới của người lớn. Không chỉ có thế, những điều mà người lớn nói với tôi chỉ đại loại như: “có cái gì đâu mà sợ/ sợ cái gì/ chỉ tổ vớ vẩn…”. Thậm chí, nhiều người trong chúng ta từng thường xuyên bị hù dọa để ăn, để học, để nghe lời bằng những ông kẹ, ông ba bị, bằng con cáo, con ma, v.v.

Đó chỉ là một ví dụ về một vấn đề trong vô vàn vấn đề mà chúng ta mắc phải. Chính những sự sai lầm hoặc thiếu sót ấy trong dạy dỗ, hoặc không dạy dỗ, đã vô tình tạo nên những thế hệ có những cá nhân mang nhiều tư tưởng lệch lạc, khuyết thiếu trong tâm lý và nhận thức. Ở đó có cả những nỗi sợ hãi vô cớ, những sầu muộn giăng kín, những trạng huống bạo lực nơi nội tâm…

Từng nhiều năm đứng lớp, tôi nhận thấy câu chuyện nhỏ trên đây không chỉ mang tính cá nhân, cá biệt mà hơn thế, còn là vấn đề phổ biến và tiêu biểu cho bức tranh giáo dục nước nhà.

Người Việt "phải" học rất nhiều, học tới nỗi không có thời gian để vui chơi, học đến bị đánh cắp cả tuổi thơ lẫn cuộc sống; nhưng đáng thương thay, một phần không nhỏ trong những thứ đó là vô ích, vô bổ, làm chật đầu. Trong khi, biết bao nhiêu thứ cần thiết cho cuộc sống, từ cái cuộc sống thường nhật đến năng lực lao động rồi sự chung sống giữa người với người v.v., thì chúng ta dường như không được dạy, không được học. Thật lạ lùng khi cái lối dạy và học kỳ quặc ấy lại có thể duy trì suốt hàng bao nhiêu thập kỷ, kéo dài mãi cho tới bây giờ.

Không phải ta học “nặng” hơn Tây đâu, Tây học rất nhiều, học đủ thứ, và học suốt đời. Nhưng họ khác ta ở chỗ, học cái hữu dụng, học để làm việc, để sống và chung sống. Học từ chuyện ăn, chuyện ngủ, đến chuyện tình dục; thượng vàng hạ cám, hễ cái gì cần cho cuộc sống thì đều ra sức dạy và học.

Còn chúng ta, chúng ta theo đuổi những thứ cao siêu, rồi cái cao siêu ấy không những không đạt được mà những “kỹ năng” vốn phải gắn liền với ta như hơi thở thì suốt đời vẫn mù mờ, suốt đời cảm tính, tùy tiện và vụng về.

Cái thực trạng đầu thế kỷ XX khiến Tản Đà thốt lên “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”, có lẽ có một phần nguyên nhân quan trọng từ sự học, sự giáo dục sai lầm và đầy thiếu sót ấy chăng? Vậy từ đó đến nay sự dạy và học ở ta đã có những bước tiến nào, và ngay lúc này lối dạy và học trong gia đình, nhà trường, xã hội còn tồn chứa những lề thói tiêu cực nào? Cần phải thẳng thắn chỉ ra và xắn tay sửa chữa.

Nhiều rối nhiễu, nỗi đau, phức cảm tâm lý ở con người đều có thể ngăn ngừa hoặc "chữa lành" bằng một lối giáo dục đúng đắn với những phương pháp phù hợp. Đó cũng chính là đóng góp của giáo dục trong việc ngăn chặn những vấn nạn xã hội trong tương lai, cho kiến tạo một xã hội lành mạnh, hạnh phúc, hùng cường.

Giáo dục không thể tiếp tục lạc điệu với cuộc sống, trái lại phải đồng hành, xuất phát từ cuộc sống, giải những bài toán của cuộc sống.

Minh Tuấn

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/giao-duc-muu-cau-lon-tu-nhung-bai-hoc-nho-post153383.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi