Giáo dục nghề nghiệp: Cần những đổi mới mạnh mẽ
Ngày 20-9, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức hội thảo giáo dục 2019 với chủ đề 'Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế'.
Sự kiện nhằm cung cấp cái nhìn tổng thể, rõ nét về thực trạng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) hiện nay; tập trung phân tích kỹ nguyên nhân của thành công cũng như tồn tại. Hội thảo cũng đề xuất nhiều giải pháp phù hợp, khả thi và hiệu quả cho việc phát triển GDNN nước ta trong giai đoạn tới, khi Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.
Giáo dục nghề nghiệp: Cần những đổi mới mạnh mẽ
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định “phát triển giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển”. Trong hơn 30 năm Đổi mới, sự nghiệp giáo dục và đào tạo Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới đất nước; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước hội nhập tích cực theo xu hướng phát triển của khu vực và thế giới. Trong thành quả chung ấy, có sự đóng góp quan trọng của GDNN với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Để tạo điều kiện cho hoạt động GDNN phát triển, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Luật Giáo dục năm 2005 đã có một mục riêng quy định về GDNN. Trên cơ sở đó, Luật Dạy nghề đã được Quốc hội khóa XI thông qua, tạo nền tảng pháp lý và thuận lợi cho hoạt động đào tạo nghề phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, đã hình thành mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề nghiệp rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình và ngành nghề đào tạo. Quy mô và chất lượng đào tạo nghề không ngừng tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, qua đó, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, năm 2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp với nhiều đổi mới quan trọng và đột phá. Cụ thể như: hợp nhất các trình độ đào tạo; đổi mới về tổ chức và quản lý đào tạo, về chính sách cho người học, nhà giáo và cơ sở GDNN; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa GDNN, tăng cường sự phối hợp, tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động vào hoạt động đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động và xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, trước sự vận động, phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và tri thức nhân loại, đặc biệt là trước yêu cầu của toàn cầu hóa, quốc tế hóa - những xu thế vừa là thời cơ, vừa là thách thức - GDNN Việt Nam cần những đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, chủ đề “Phát triển GDNN trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế” có ý nghĩa cụ thể, thiết thực. Chủ đề này vừa mang tầm vĩ mô, gắn với hoạt động hoạch định chính sách, tạo tiền đề quan trọng để hoàn thiện thể chế và chính sách về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030
Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, đến tháng 6 năm nay, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN. Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN đến năm 2030 theo hướng phân tầng cơ sở GDNN.
Về tuyển sinh GDNN, từ năm 2017 đến 2018, do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh, nhận thức của người dân và xã hội đã có những thay đổi. Do đó, kết quả tuyển sinh tốt hơn năm 2016, đạt hơn 2,2 triệu người/năm, vượt khoảng 100,2% đến 100,5%.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nêu rõ, hệ thống GDNN đã và đang thực hiện đổi mới khá mạnh mẽ, đồng bộ. Các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN như chương trình đào tạo, nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo… được cải thiện, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa. Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được nâng lên. Hơn 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ở một số nghề và một số cơ sở GDNN, tỷ lệ này đạt gần 100%.
Bên cạnh đó, bắt đầu hình thành mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao; đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và cho thị trường lao động ngoài nước. Việc tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả; cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn.
Tuy nhiên, theo nhận định của bà Nguyễn Thị Hà, lĩnh vực này cũng gặp những khó khăn nhất định.
Cụ thể như, hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực GDNN chưa cao. Công tác tuyển sinh trong GDNN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đối với những ngành, nghề học nặng nhọc độc hại, ngành nghề đòi hỏi trình độ năng khiếu. Đào tạo phần nào chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc gắn kết với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ được sử dụng, tuyển dụng lao động phải qua đào tạo nghề nghiệp ở tất cả các lĩnh vực lao động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về trách nhiệm xã hội trong việc tham gia hoạt động GDNN.
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, mục tiêu đặt ra là tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN. Đồng thời, phát triển hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động. Thời gian tới, cần triển khai một số giải pháp cho lĩnh vực GDNN.
Trong đó, chú trọng quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN được thực hiện theo hướng mở. Bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, gắn với việc hình thành đồng thời các cơ sở GDNN đa ngành và chuyên ngành.
Gắn liền với đó là tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững, với trọng tâm chính là phát huy vai trò của các đơn vị sử dụng lao động.
Ngoài ra, đẩy mạnh tự chủ của các cơ sở GDNN gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá độc lập, sự kiểm soát của Nhà nước, giám sát của xã hội.
Cuối cùng là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về GDNN.