Giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu thị trường lao động
30.000 vị trí việc làm/phiên là nhu cầu cần tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tại 110 phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức trong năm 2020. Hầu hết các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân lực đã qua đào tạo sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề và lao động chưa qua đào tạo. Số vị trí việc làm cần nhân lực có trình độ đại học trở lên chỉ chiếm 12%.
Qua đó cho thấy: Việc phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động là xu hướng tất yếu trong cơ chế thị trường. Hơn nữa, phụ huynh không thể bỏ tiền và thời gian cho con em mình theo học các nghề xã hội không có nhu cầu sử dụng. Cũng vì thế, giáo dục nghề nghiệp là giải pháp hiệu quả nhất, mang lại lợi ích cho không chỉ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp mà cả học viên.
Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Giáo dục nghề nghiệp không chỉ bảo đảm nguồn nhân lực lao động kỹ thuật cho nền kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và thực hiện chính sách công bằng trong dạy nghề. Do đó, việc gắn giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu thị trường lao động là giải pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện có 50 cơ sở, trong đó có 37 cơ sở công lập, 13 cơ sở ngoài công lập. Quy mô đào tạo các cấp, từ trình độ cao đẳng trở xuống bình quân gần 100.000 học sinh, sinh viên/năm. Ông Nguyễn Duy Nhất, Phó Hiệu trưởng Phụ trách Trường trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh chia sẻ: Nhà trường đã được cấp Giấy chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp với 24 nghề. Đồng thời tổ chức đào tạo để chuyển đổi các nghề cho người lao động như: Hàn, điện, điện công nghiệp, may công nghiệp, sửa chữa điện, mộc dân dụng… Trong 10 năm trở lại đây, đã có hơn 15.000 lao động được đào tạo, có việc làm ngay sau tốt nghiệp…
Về gắn kết đào tạo nghề, bà Lương Thị Thúy Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm đào tạo Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG nói: Từ năm 2013 đến nay, Trung tâm đã mở 360 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho gần 9.000 lao động. 100% học viên đạt yêu cầu đều được tiếp nhận vào làm việc tại Công ty. Mức thu nhập bình quân của người lao động năm sau cao hơn năm trước, từ mức 3,8 triệu đồng năm 2013, tăng lên hơn 7 triệu đồng năm 2020.
Trong quá trình thực hiện giáo dục nghề nghiệp, các bên liên quan là người học nghề, giáo viên dạy nghề, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp đều được hưởng lợi thông qua chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Để không lạc hậu với các thiết bị, công nghệ máy móc tiên tiến, các cơ sở đào tạo nghề thường xuyên tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham gia bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn. Trong giai đoạn 2010-2020, 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đều cử cán bộ, giáo viên dạy nghề tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm; kỹ năng dạy học; nghiệp vụ quản lý và tư vấn đào tạo nghề, tư vấn việc làm; quản lý và tư vấn đào tạo nghề, với hơn 5.000 lượt cán bộ, giáo viên được thực học, thực hành, tiếp cận với thiết bị, công nghệ, máy móc hiện đại trong nhà máy; với khoa học kỹ thuật sản xuất tiên tiến trong phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh thông tin: Từ năm 2012 đến hết năm 2020, Chi cục đã mở 474 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho gần 14.000 lao động nông thôn, trong đó, 149 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, 325 lớp đào tạo nghề trình độ dưới 3 tháng. Góp phần nâng cao năng lực tư duy, sản xuất cho lao động nông thôn. Giúp người nông dân thay đổi cách nghĩ, nếp làm, tự nâng cao giá trị gia tăng từ sản phẩm nông nghiệp.