Giáo dục pháp luật từ phiên tòa lưu động

Thời gian qua, Tòa án Quân sự (TAQS) Khu vực Quân khu 9 phối hợp với cơ quan tư pháp, cấp ủy, chính quyền địa phương đưa một số vụ án điển hình ra xét xử lưu động. Hoạt động này đã góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đồng thời tác động trực tiếp đến nhận thức của công dân tham dự phiên tòa, qua đó, cảnh tỉnh, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và kỷ luật Quân đội.

Ngày 31-5-2023, tại hội trường UBND xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), TAQS Khu vực Quân khu 9 tổ chức xét xử lưu động vụ án “Chống người thi hành công vụ” đối với bị cáo LMQ, sinh năm 1977. Phiên tòa diễn ra chặt chẽ, đúng quy định tố tụng, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật trước sự chứng kiến của người dân địa phương. Bị cáo Q thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội. Căn cứ tính chất, mức độ phạm tội và nhân thân, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 1 năm 3 tháng tù theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.

Đến theo dõi phiên tòa, ông Hà Văn Oai, ngụ tại ấp 2, xã Thường Phước 1, chia sẻ: “Gia đình Q thuộc diện khó khăn, dù biết vợ mình mua hàng hóa không rõ nguồn gốc bán kiếm lời nhưng vẫn bao che và cố tình chống đối, gây thương tích cho hai chiến sĩ của đồn biên phòng. Bà con đến xem ai cũng thấy rõ đó là hành động sai trái, không nên vì lợi ích trước mắt mà xem thường pháp luật”. Trung tá Nguyễn Văn Nhớ, Chánh án TAQS Khu vực Quân khu 9, Chủ tọa phiên tòa, cho biết: “Qua các phiên tòa xét xử tại địa phương nơi xảy ra vụ án không những mang tính răn đe mà còn tạo sự công bằng, niềm tin vào pháp luật, góp phần trực tiếp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giúp bà con nhận biết các hành vi, lỗi phạm và mức xử phạt tương ứng đối với hành vi đó”. Xã Thường Phước 1 rộng hơn 34km², có đường biên giới tiếp giáp tỉnh Pray Veng (Campuchia). Các đối tượng lợi dụng đường mòn, lối mở, tìm mọi cách đưa hàng lậu qua biên giới. “Một số người không lường trước hậu quả, kiến thức pháp luật còn hạn chế nên đã vi phạm. Do vậy, chúng tôi rất ủng hộ TAQS Khu vực Quân khu 9 xét xử tại địa phương; thông báo rộng rãi để nhân dân theo dõi phiên xét xử nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho bà con”, ông Trương Văn Lợi, Phó chủ tịch UBND xã Thường Phước 1 chia sẻ.

Một phiên tòa lưu động tại xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn (An Giang).

Một phiên tòa lưu động tại xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn (An Giang).

Để nâng cao chất lượng xét xử lưu động, trước khi tiến hành mở phiên tòa, thẩm phán nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp đưa ra xét xử những vụ án có tính chất điển hình. Trung tá Lê Minh Nhựt, Thẩm phán TAQS Khu vực Quân khu 9, cho biết: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch cụ thể trước 15 ngày, hoàn thành công tác chuẩn bị trước 3 ngày. Theo đó, thư ký phiên tòa chủ động liên hệ với chính quyền địa phương bố trí hội trường xét xử, gửi thông báo triệu tập thành phần; đặc biệt, với trường hợp bị cáo bị tạm giam phải có phương án dẫn giải, bảo đảm nơi ăn, nghỉ; phối hợp với lực lượng chức năng bảo vệ khu vực xét xử và bên ngoài để bảo đảm tính tôn nghiêm của phiên tòa”.

Cùng với đó, tại phiên tòa lưu động yêu cầu các thẩm phán và hội đồng xét xử cần phải có kỹ năng dự báo, xử trí tình huống dựa trên đầy đủ cơ sở pháp lý để luận tội. “Như năm 2022, tòa xét xử 4 đối tượng về tội “Cố ý gây thương tích” tại xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn (An Giang), một trong những người làm chứng là thân nhân của bị cáo đã thay đổi lời khai hòng giảm nhẹ, chối bỏ hành vi phạm tội. Căn cứ hồ sơ, chứng cứ, lời khai có liên quan khác, hội đồng xét xử lập luận cụ thể, tôn trọng sự thật khách quan, đưa ra phán quyết đúng người, đúng tội, đúng bản chất vụ án”, Thiếu tá Mai Thị Thanh Trúc, Thẩm phán TAQS Khu vực Quân khu 9 chia sẻ.

Với kinh nghiệm gần 20 năm công tác trong ngành tư pháp, từng tham gia xét xử lưu động nhiều vụ án trước sự chứng kiến của hàng trăm người, Trung tá Đặng Đức Huyền, Phó chánh án TAQS Khu vực Quân khu 9, cho biết: “Cần phải lập kế hoạch xét hỏi và phân công cụ thể nhiệm vụ thành viên hội đồng xét xử; bảo đảm quyền tranh luận của bị cáo, người bào chữa và người đại diện hợp pháp của bị hại; xem xét, cân nhắc kỹ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trước khi tuyên án”.

Thực tế cho thấy, công tác xét xử lưu động là dịp để truyền tải pháp luật Nhà nước đến với người dân, có tác dụng cảnh báo, răn đe, giáo dục chung trong xã hội. Theo Trung tá Nguyễn Văn Nhớ, căn cứ tình hình thực tế, hằng năm, TAQS Khu vực Quân khu 9 xét xử lưu động từ một đến hai vụ án điển hình. Trong thời gian tới, TAQS Khu vực Quân khu 9 sẽ tăng cường bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ; đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm chặt chẽ nhằm nâng cao chất lượng xét xử, góp phần phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ một cách hiệu quả.

Bài và ảnh: CÔNG KHANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/cac-van-de/giao-duc-phap-luat-tu-phien-toa-luu-dong-780983