Giáo dục qua các hoạt động ngoại khóa gắn với Tết cổ truyền
Nhiều hoạt động trải nghiệm gắn với Tết cổ truyền được tổ chức. Tuy nhiên, cách thức tổ chức để không hình thức, lãng phí là điều đáng quan tâm.
Việc học tập gắn với các hoạt động trải nghiệm ngày càng được các trường học chú trọng. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, rất nhiều hoạt động trải nghiệm ý nghĩa cho học sinh, thiếu nhi gắn với Tết cổ truyền được các trường tổ chức.
Trong các hội chợ xuân, các học sinh được tự tay gói bánh chưng, hóa thân thành ông đồ viết thư pháp, trang trí cây hoa đào, tổ chức các gian hàng hội chợ... Thông qua các hoạt động ngoại khóa này, học sinh có thêm nhiều kiến thức thực tế, hiểu biết về nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam.
Mỗi dịp trước nghỉ Tết Nguyên Đán, tùy tình hình thực tế và kế hoạch tổ chức các hoạt động, Trường THCS Lâm Thao (Lương Tài, Bắc Ninh) linh hoạt tổ chức hoạt động ngoại khóa giáo dục học sinh về ngày lễ cổ truyền của dân tộc.
Theo thầy Nguyễn Phương Bắc, giáo viên nhà trường, các hoạt động thường được lồng ghép thông qua hoạt động dưới cờ, ngoại khóa ngoài giờ lên lớp. Liên đội nhà trường sẽ tổ chức hội thi tìm hiểu về Tết cổ truyền, thi viết câu đối tết, thi viết khai bút đầu xuân, thi trang trí mâm ngũ quả, …
Thông qua các hội thi như vậy, phần lớn học sinh cảm thấy thích thú vì được tham gia sân chơi bổ ích, lành mạnh. Các học sinh có thêm những hiểu biết về ngày Tết và ý nghĩa của Tết trong văn hóa Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là hoạt động giáo dục cho học sinh tình đoàn kết, tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, rèn kĩ năng sống…
Trước nghỉ Tết, Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) tổ chức Hội chợ xuân yêu thương cho học sinh của nhà trường. Theo cô Trần Thị Thảo, đây là hoạt động thường niên nhằm gây quỹ thiện nguyện xây dựng hệ thống chuỗi thư viện The Morning tại các trường học vùng sâu vùng xa, mang sách và lan tỏa văn hóa đọc đến với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí nhưng lan tỏa nhiều giá trị tốt đẹp và được học sinh, cha mẹ học sinh tích cực hưởng ứng.
Học sinh được tham gia các gian hàng theo khối lớp như: Gian hàng trao đổi, mua bán sách, viết câu đối tết, đổi sách lấy cây, trải nghiệm làm sản phẩm bookmark, bao lì xì in hình thầy cô giáo…
Các sản phẩm học sinh tự thiết kế và thầy cô hỗ trợ in ấn nên chi phí thấp, gian hàng sách kêu gọi học sinh quyên góp sách cũ, phân loại và định giá… để đổi lấy cây xanh hoặc bán cho các bạn cần…
Những sản phẩm thiết thực, thú vị với mức phí thấp đã được học sinh và bố mẹ, thầy cô đón nhận nhiệt tình. Quan trọng hơn cả, sau hoạt động này, toàn bộ số tiền sẽ được dùng để xây thư viện The Morning. Vì thế, người bán, người mua đều cảm thấy hạnh phúc và nhận được nhiều giá trị.
“Bản thân tôi nghĩ, đây là một cách tổ chức hội chợ xuân có ý nghĩa thiết thực, mang tính giáo dục cao, tránh lãng phí và lan tỏa giá trị tốt đẹp đến cộng đồng. Cũng nên hạn chế các hoạt động ăn uống tại các hội chợ, vì hầu hết sản phẩm đều là thực phẩm đông lạnh, không tốt cho sức khỏe. Chưa kể, rác thải từ các túi nilon, hộp nhựa đựng đồ ăn không thân thiện với môi trường, chưa mang tính giáo dục cao tới học sinh”, cô Trần Thị Thảo chia sẻ.
Còn theo thầy Nguyễn Phương Bắc, để các hoạt động này thực sự thiết thực và có ý nghĩa với học sinh, các nhà trường cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị.
Chương trình tổ chức phải căn cứ theo nhu cầu của người học và mục đích giáo dục học sinh. Các hoạt động phải lấy học sinh làm trung tâm.
Đặc biệt, trong kế hoạch tổ chức phải dự kiến các phương án để bảo đảm không lãng phí, tránh tốn kém không cần thiết.