'Chìa khóa' để giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku (Gia Lai) chừng 20km, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh ngày càng được nhiều du khách tìm đến vì có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc văn hóa phong phú, đặc sắc, trong đó tiêu biểu là nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Xã Ia Mơ Nông có hơn 80% dân số là người Jrai. Nghề dệt thổ cẩm được đồng bào Jrai lưu truyền qua nhiều thế hệ. Theo giới thiệu của các nghệ nhân trong làng, mỗi tấm vải thổ cẩm được phụ nữ Jrai dệt nên thực sự là một tác phẩm nghệ thuật công phu gửi gắm nhiều tâm huyết, cũng như thể hiện sự tài hoa của từng nghệ nhân.

Từ những gợi ý, liên tưởng với cuộc sống hằng ngày, mỗi người sẽ sáng tạo ra các họa tiết trên những sản phẩm do mình tạo nên: từ cảnh sinh hoạt hằng ngày như mẹ bồng con, cảnh lao động sản xuất, hình ảnh các con vật thân quen với người dân trong cuộc sống thường nhật... đến những hình ảnh mô phỏng lại cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc, hình ảnh cách điệu về những người lính chiến đấu anh dũng để bảo vệ Tổ quốc.

Cách bố trí, tạo nên những họa tiết trên mỗi mảnh vải không hề giống nhau, do đó mỗi sản phẩm được tạo ra đều là sản phẩm độc bản. Đồng thời, cũng dễ nhận diện những tấm thổ cẩm của đồng bào Jrai vì có ba mầu sắc đặc trưng là đỏ- đen- trắng, thể hiện tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.

Hoa văn trên mỗi mảnh vải thể hiện sự sáng tạo của các nghệ nhân. (Ảnh THI PHONG)

Hoa văn trên mỗi mảnh vải thể hiện sự sáng tạo của các nghệ nhân. (Ảnh THI PHONG)

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống vốn là niềm tự hào của bà con nơi đây, tuy nhiên có những thời điểm nghề đứng trước sự mai một do các sản phẩm có sức cạnh tranh không cao trên thị trường trong khi giá thành không hề rẻ vì công sức làm nên mỗi mảnh vải rất công phu. Một mảnh vải có khi phải dệt mất 2-3 tháng. Trăn trở tìm cách giữ nghề truyền thống của dân tộc chính là tâm tư chung của các nghệ nhân nơi đây .

Chị H’Uyên Niê sinh năm 1985, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông cho biết: sau một thời gian bàn thảo, năm 2019, Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng ra đời, khi đó có 15 thành viên tham gia. Đến nay sau 5 năm, Tổ liên kết đã phát triển lên 30 thành viên và từng bước đã tạo được ấn tượng lớn đối với khách phương xa. Những thành viên trong câu lạc bộ, luôn sẵn sàng hướng dẫn du khách cách dệt thổ cẩm và thử tài khéo léo của mình.

Không chỉ dừng lại ở Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm, mô hình “Làng văn hóa du lịch Jrai xã Ia Mơ Nông” được Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Mơ Nông thành lập với mong muốn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tại địa phương; đồng thời bảo tồn, gìn giữ các nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai như: Cồng chiêng, đan lát, dệt thổ cẩm, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán; kết hợp những cảnh đẹp tự nhiên của địa phương để phát triển du lịch. Chị H’Uyên Niê vinh dự được bầu làm Phó Ban quản lý Làng văn hóa.

Chị H’Uyên Niê kiểm tra các họa tiết trên tấm vải thổ cẩm. (Ảnh THI PHONG)

Chị H’Uyên Niê kiểm tra các họa tiết trên tấm vải thổ cẩm. (Ảnh THI PHONG)

Thời gian đầu, khi mới thành lập làng du lịch cộng đồng, bà con nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực từ các cấp chính quyền cả về tinh thần cũng như những chính sách hỗ trợ thiết thực. Tiêu biểu như chính sách hỗ trợ vốn giúp bà con có tiền vay ưu đãi để trồng bông, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho nghề dệt. Đại diện chính quyền, công an xã còn đến tận nhà dân để phân tích, thuyết phục vận động bà con làm du lịch như một hướng đi hiệu quả giúp xóa đói giảm nghèo.

Đến Ia Mơ Nông để trải nghiệm du lịch cộng đồng, nhiều du khách đã dành sự yêu thích đặc biệt với nghề dệt thổ cẩm của bà con nơi đây. Có thể nói, đây là nguồn động viên rất với bà con, nhất là những nghệ nhân lớn tuổi. Giờ đây, việc gắn nghề truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng thực sự là “chìa khóa” để giữ nghề truyền thống.

Theo đó người dân vừa duy trì nghề dệt phục vụ du khách đến thăm quan, vừa bán được sản phẩm, vừa có thêm thu nhập từ việc hướng dẫn du khách trải nghiệm các sinh hoạt hằng ngày. Ngay cả những người lớn tuổi vừa có thể ở nhà duy trì nghề dệt, vừa trông cháu mà vẫn có thể sống được bằng nghề với mức thu nhập trung bình khoảng 5-6 triệu đồng/tháng.

Từ đây cũng tạo động lực cho người trẻ hăng hái nối tiếp nghề truyền thống của gia đình, và tích cực tham gia vào các hoạt động du lịch, có công ăn việc làm ổn định.

Hướng dẫn du khách trải nghiệm dệt vải. (Ảnh THI PHONG)

Hướng dẫn du khách trải nghiệm dệt vải. (Ảnh THI PHONG)

Kể từ khi phát triển nghề dệt truyền thống kết hợp với du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cải thiện đời sống của bà con. Nghề truyền thống từng có thời điểm đứng trước nguy cơ bị mai một thì nay từng bước khởi sắc. Sự hăng say, tâm huyết của các nghệ nhân đã truyền sang thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giữ chân được người trẻ gắn bó lâu bền với nghề. Bởi trong bối cảnh nền kinh tế thị trường sôi động, nhiều ngành nghề mới ra đời, có khả năng mang lại thu nhập cao, phù hợp với tính cách thích những sự mới mẻ của người trẻ. Trong khi đó nghề dệt thổ cẩm truyền thống thì bao đời nay vẫn duy trì theo nề nếp ổn định, đồng thời đòi hỏi tính kiên trì, tỉ mỉ, nhẫn nại mà không phải người trẻ nào cũng sẵn sàng lựa chọn.

Hiện nay, địa phương vẫn chưa mở được những lớp dạy nghề rộng rãi cho người trẻ. Bên cạnh đó hoạt động của mô hình du lịch cộng đồng ở xã đang còn thiếu không gian để phát triển, thiếu không gian sinh hoạt chung, mà phải tận dụng nhà của các thành viên của câu lạc bộ.

Mỗi khi có các hoạt động tập thể, giới thiệu nghề truyền thống phục vụ du khách sẽ sử dụng nhà của một thành viên trong câu lạc bộ, và việc này được tiến hành luân phiên. Mong ước của các thành viên Tổ liên kết đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng sớm có một không gian chung để trưng bày các sản phẩm độc đáo, đặc sắc do chính các thành viên tạo nên để giới thiệu đến rộng rãi du khách.

Các nghệ nhân mong muốn có nhiều người trẻ nối nghề truyền thống. (Ảnh THI PHONG)

Các nghệ nhân mong muốn có nhiều người trẻ nối nghề truyền thống. (Ảnh THI PHONG)

Điều mà chị H Uyên Niê cũng rất trăn trở đó là công tác quảng bá hoạt động của mô hình làng du lịch cộng đồng tại địa phương mình chưa được hiệu quả. Chị thẳng thắn tự nhận mình nhiều thành viên Ban quản lý làng du lịch cộng vẫn chưa cập nhật được những phương thức truyền thông mới như trên các nền tảng mạng xã hội, do đó, chị xác định đây sẽ là nút thắt phải tháo gỡ trong thời gian tới.

Bởi bên cạnh việc chủ động kết nối với các công ty du lịch để đưa khách tới tham quan, trải nghiệm mô hình, bà con cũng mong mỏi mô hình của mình lan tỏa rộng rãi hơn trên các trang mạng xã hội để ngày càng có nhiều người tìm đến tham quan, trải nghiệm.

Nhờ vậy, nghề dệt truyền thống nói riêng, những nét văn hóa đặc sắc nói chung tại Ia Mơ Nông sẽ được giới thiệu với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế.

Hiện nay trung bình mỗi năm mô hình du lịch du lịch cộng đồng xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh tại thu hút khoảng 2.000-3.000 khách tới tham quan. Nếu làm tốt công tác quảng bá, truyền thông, chắc chắc con số này sẽ còn nhiều hơn, hiệu quả hoạt động của làng du lịch cộng đồng ngày càng được phát huy.

THI PHONG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chia-khoa-de-giu-nghe-det-tho-cam-truyen-thong-post845305.html