Giáo dục tài chính: 'Bệ phóng' cho chiến lược tài chính toàn diện

Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến 2030.

Ngành Ngân hàng góp phần quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện

Chiến lược này đặt mục tiêu mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý từ các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững. Việc triển khai chiến lược sẽ góp phần nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư. Từ đó, mang lại những lợi ích to lớn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm bất bình đẳng, ổn định tài chính, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước.

Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia về tài chính toàn diện, trong thời gian qua, NHNN đã cùng các bộ ngành có nhiều giải pháp để thúc đẩy các mục tiêu được nêu trong chiến lược. Nhờ đó, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện, với vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore, Thái Lan), và xếp thứ 14 trên thế giới, trong bảng xếp hạng Chỉ số Tài chính toàn diện toàn cầu năm 2024 của Principal Financial Group. Theo báo cáo của NHNN, hiện khoảng 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán cao gần gấp 3 lần so với mức 31% giai đoạn 2015-2017.

Với nỗ lực của ngành Ngân hàng, hệ thống các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính trên thị trường đã phát triển khá đa dạng, hiện diện tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, hướng tới những địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Số lượng chi nhánh, phòng giao dịch của hệ thống NHTM bình quân/100.000 người trưởng thành đạt 15,69 đơn vị; tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc đạt 32,98%.

Đặc biệt, các TCTD đã và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ; chủ động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số; nâng cao tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng thông qua tăng cường kết nối với các ngành, lĩnh vực khác, giúp người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận sử dụng dịch vụ nhanh chóng, an toàn và thuận tiện.

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) cũng không ngừng được mở rộng với sự triển khai quyết liệt nhiều giải pháp của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan. Giá trị giao dịch TTKDTM tăng 34,54%; qua kênh Internet tăng 33%, qua kênh điện thoại di động tăng 34,34%; giao dịch qua QR Code tăng 84,77% so với cùng kỳ tháng 11/2023.

Nhờ đó, có 5/9 chỉ tiêu được đề ra trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia có khả năng hoàn thành gồm: Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; Tốc độ tăng số lượng giao dịch TTKDTM; Số lượng DNNVV có dư nợ tại các TCTD; Dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế; Tỷ lệ người trưởng thành có thông tin về lịch sử tín dụng trong hệ thống thông tin tín dụng của NHNN.

Giáo dục tài chính từ ghế nhà trường là bước đi chiến lược, cấp bách

Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, giáo dục tài chính là một trong những mục tiêu trọng tâm để thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Trong bối cảnh nền kinh tế số phát triển nhanh, tư duy tài chính trở thành một kỹ năng thiết yếu đối với công dân hiện đại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều người dân Việt Nam vẫn còn xa lạ với các khái niệm tài chính cơ bản.

Để nâng cao nhận thức tài chính trong cộng đồng, các bộ, ngành, trong đó có NHNN, đã phối hợp triển khai các chương trình đào tạo nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng tài chính cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tích hợp nội dung giáo dục tài chính vào Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Cùng với đó, các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính, tăng cường minh bạch thông tin, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng tài chính.

Tuy nhiên, để truyền thông và giáo dục tài chính đến được với mọi nhóm đối tượng là một thách thức lớn, đòi hỏi sự đa dạng hóa về hình thức tiếp cận. Trong thời gian qua, NHNN đã triển khai nhiều chương trình truyền thông sáng tạo, giúp tối đa hóa độ phủ kiến thức tài chính - ngân hàng đến công chúng. Tiêu biểu có thể kể đến các chương trình như gameshow “Tiền khéo Tiền khôn”, loạt hoạt hình “Tay hòm chìa khóa”, cuộc thi tìm hiểu “Hiểu đúng về tiền”, “Nhà ngân hàng tương lai”… Những hình thức này đã góp phần lan tỏa thông tin một cách sinh động, gần gũi và dễ tiếp cận hơn với người dân ở nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau.

Đánh giá về những hoạt động truyền thông về giáo dục tài chính của NHNN, bà Anna Szawacki, Đại diện Quỹ Hợp tác Quốc tế các Ngân hàng tiết kiệm Đức (DSIK) cho rằng, các kiến thức tài chính được truyền tải rất tự nhiên, tình cờ mà không hề khô khan hay mang ý nghĩa hàn lâm. Bà Anna đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng, dưới sự chỉ đạo của NHNN và sự phối hợp của các đơn vị chức năng liên quan, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai tốt các hoạt động truyền thông giáo dục tài chính.

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, giáo dục tài chính là một trong những mục tiêu quan trọng để thực hiện thành công Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Trong đó, quản lý tài chính cá nhân không đơn thuần là việc kiếm tiền hay tiết kiệm, mà là sự kết hợp tổng hòa giữa thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và quản lý rủi ro. Đồng thời, điều này còn liên quan đến việc xây dựng thói quen và hành vi cá nhân, kết hợp với kiến thức về các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người dân Việt Nam vẫn chưa tiếp cận nhiều với kiến thức tài chính, do đó việc giáo dục tài chính ngay từ nhà trường là bước đi chiến lược và cấp bách.

Ở góc độ quản lý, PGS.TS. Phạm Quốc Khánh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc định hướng giáo dục tài chính trong chương trình phổ thông. Để đạt được hiệu quả, các trường cần lồng ghép nội dung giáo dục tài chính vào chương trình giảng dạy thông qua các môn học và hoạt động ngoại khóa. Đồng thời, giáo viên cần được trang bị kỹ năng chuyên môn để truyền tải kiến thức một cách dễ hiểu và gần gũi với học sinh.

Về vấn đề này, bà Lê Anh Lan, chuyên gia giáo dục Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF tại Việt Nam cho rằng, giáo dục tài chính không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức cơ bản, mà cần hướng đến sự hiểu biết chuyên sâu về các kỹ năng quản lý tài chính cá nhân như chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và quản lý rủi ro. Để làm được điều này, giáo viên cần được trang bị kiến thức chuyên môn về giáo dục tài chính, đồng thời hiểu rõ tâm lý học sinh cũng như những rào cản mà các em có thể gặp phải khi tiếp cận các khái niệm tài chính.

Trước đòi hỏi từ thực tế, Thời báo Ngân hàng và Tập đoàn FPT đã chính thức ký kết hợp tác triển khai sân chơi “Tài chính thông minh” - sân chơi giáo dục tài chính đầu tiên tại Việt Nam dành cho học sinh phổ thông toàn quốc. Sân chơi “Tài chính thông minh” dự kiến triển khai từ tháng 5/2025, dành cho học sinh Tiểu học, THCS và THPT trên toàn quốc. Thông qua hệ thống câu hỏi chất lượng cùng hình thức thi đấu trực tuyến, hấp dẫn và sinh động, chương trình sẽ giúp học sinh tiếp cận kiến thức về tiêu dùng, tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân theo hình thức “học mà chơi - chơi mà học”. Dự kiến, trong năm đầu tiên, chương trình sẽ tiếp cận hơn 1 triệu học sinh.

Với thế mạnh của cả hai đơn vị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà kỳ vọng, sự hợp tác giữa Tập đoàn FPT và Thời báo Ngân hàng không chỉ tạo ra một sân chơi ý nghĩa cho học sinh phổ thông trên toàn quốc, mà còn góp phần thiết thực vào công cuộc phổ cập kiến thức tài chính, xây dựng thói quen quản lý tài chính thông minh cho người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, lực lượng công dân số nòng cốt trong tương lai.

Về phía ngành Ngân hàng, trong thời gian tới, Ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện các chương trình truyền thông giáo dục tài chính có tính sáng tạo, dễ hiểu, dễ tiếp cận, có tính tương tác cao, ứng dụng sức mạnh công nghệ số. Đồng thời, phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức hiệp hội nghề nghiệp để triển khai các chương trình phù hợp cho từng nhóm đối tượng.

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/giao-duc-tai-chinh-be-phong-cho-chien-luoc-tai-chinh-toan-dien-162618.html