Giáo dục tạo ra những 'sản phẩm' nhân ái và 'chuyên gia sáng tạo' trong tương lai

Các kỳ thi, điểm số và bài kiểm tra là một phần của hệ thống giáo dục, nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục đích của giáo dục là giúp người trẻ phát huy hết tiềm năng, trí tuệ, tình cảm...

Mục đích của giáo dục là giúp người trẻ phát huy hết tiềm năng, trí tuệ, tình cảm. (Nguồn: congly)

Mục đích của giáo dục là giúp người trẻ phát huy hết tiềm năng, trí tuệ, tình cảm. (Nguồn: congly)

“Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2024. Có thể nói, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trẻ em phát triển toàn diện, có môi trường sống an toàn, lành mạnh.

Là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) vào năm 1990, đến nay, với những cam kết chính trị và sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của trẻ em Việt Nam trên mọi miền của đất nước không ngừng được bảo đảm. Ngày càng có nhiều trẻ em được bảo vệ, được sống, được chăm sóc sức khỏe, được học tập và được ưu tiên trong các chính sách phúc lợi.

Điều 100 Luật Trẻ em năm 2016 nêu rõ: Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trau dồi kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại.

Tháng hành động vì trẻ em, có lẽ điều chúng ta muốn hướng đến là tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc. Giáo dục không chỉ là việc vượt qua các kỳ thi mà quan trọng hơn là dạy cho học sinh cách cảm nhận, thích nghi và sống một cuộc đời hạnh phúc. Đồng thời, biết ứng phó và phòng tránh bị xâm hại, không bỡ ngỡ và lúng túng khi gặp những tình huống hiểm nguy trong cuộc sống.

Thuật ngữ “Trường học hạnh phúc” đã dần trở nên quen thuộc và quan trọng của ngành Giáo dục trên toàn thế giới. Bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, làm thế nào để tạo dựng ngôi trường hạnh phúc được ngành Giáo dục nước ta hết sức chú trọng.

Để tạo dựng môi trường xanh, an toàn và bình đẳng cho trẻ em, hơn bao giờ hết, rất cần đến sự chung tay của cộng đồng, tinh thần trách nhiệm của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. Vậy trong môi trường lành mạnh, hạnh phúc ấy, hẳn là ở đó phải an toàn, có sự yêu thương và tôn trọng sự khác biệt.

Chia sẻ với Thế giới và Việt Nam, GS. Hà Vĩnh Thọ, nhà sáng lập Học viện Eurasia vì hạnh phúc và an lạc; nguyên Giám đốc chương trình của Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc gia tại Bhutan từng nói, hạnh phúc chính là sống một cuộc đời có ý nghĩa, không chỉ cho bản thân mà còn vì người khác và có những đóng góp giá trị cho xã hội.

Chúng ta đang sống trong thời đại của những thay đổi nhanh chóng và của cả sự “đứt gãy”. Các thế hệ tiếp theo sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, từ biến đổi khí hậu và thảm họa sinh thái cho đến sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo và sự tái cấu trúc hoàn toàn thị trường việc làm cũng như nơi làm việc.

Mô hình giáo dục hiện nay nhìn chung đang giải quyết các vấn đề của ngày hôm qua. Nhưng để tự tin đối mặt với tương lai, chúng ta cần suy nghĩ lại về vai trò, phương pháp và chức năng của giáo dục, nhằm trang bị cho giới trẻ những kỹ năng và năng lực cần thiết để đối mặt những thách thức này.

“Các kỳ thi, điểm số và bài kiểm tra là một phần của hệ thống giáo dục, nhưng đó không phải là mục tiêu cuối cùng. Mục đích của giáo dục là giúp người trẻ phát huy hết tiềm năng, trí tuệ, tình cảm. Đồng thời, trang bị cho người trẻ những kỹ năng, năng lực và các giá trị đạo đức vững chắc nhằm định hướng cho các em trong cuộc sống”, GS. Hà Vĩnh Thọ nêu quan điểm.

Thực tế, trong thời đại của trí tuệ nhân tạo (AI), kiến thức học thuật dù quan trọng nhưng chưa đủ. Trẻ em cần nhiều kỹ năng khác như kỹ năng xã hội, sáng tạo và làm việc nhóm, kỹ năng cảm xúc. Muốn vậy, đứa trẻ không phải học để phục vụ cho việc thi cử; hãy xem việc học để tiếp thu tri thức chứ không phải nhằm mục đích vượt qua các kỳ thi.

Hơn nữa, máy móc sẽ đảm nhận nhiều nhiệm vụ, điều quan trọng mà giáo dục hướng đến là tạo ra những “sản phẩm” tử tế, nhân ái và những “chuyên gia sáng tạo” trong tương lai. Việc cá nhân hóa và tập trung vào năng lực riêng của mỗi học sinh thay vì “đồng phục” tất cả các em là vô cùng quan trọng.

Đặc biệt, trẻ phải được thừa hưởng một môi trường lành mạnh. Cha mẹ nên thay đổi tư duy trong việc đặt ra mục tiêu với con em mình. Dù chúng ta nói nhiều đến quyền trẻ em nhưng thật buồn khi một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị trầm cảm, thậm chí tự tử có liên quan chuyện học tập.

Trong khi đó, vì nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, không ít phụ huynh chưa quan tâm, gần gũi, chia sẻ với con. Khoảng cách ngày càng “doãng” ra khiến nhiều đứa trẻ cảm thấy cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình. Do vậy, hơn ai hết, cha mẹ cũng nên học cách "làm bạn" cùng con, lấp đầy khoảng cách, thấu hiểu và tôn trọng chính kiến của con. Đó cũng là cách để tạo ra môi trường hạnh phúc, trong lành cho trẻ...

Dũng Quỳnh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/giao-duc-tao-ra-nhung-san-pham-nhan-ai-va-chuyen-gia-sang-tao-trong-tuong-lai-274687.html