Giáo dục thể chất trong trường học: Cần, nhưng đừng để lợi bất cập hại…

Giáo dục thể chất trong trường học rất cần cho sự rèn luyện sức khỏe, giúp tăng sức đề kháng, giảm căng thẳng, mệt mỏi trong giờ học và giúp học sinh phát triển toàn diện.

Thể dục đồng diễn tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Ảnh minh họa: Vĩnh Huy

Thể dục đồng diễn tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa). Ảnh minh họa: Vĩnh Huy

Song qua vụ việc một học sinh lớp 6, Trường THCS Tân Bửu (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) tử vong trong giờ thể dục ngày 10-4, nhiều bạn đọc cho rằng, tập thể dục trong trường học là cần thiết, nhưng cần đổi mới cách dạy cũng như linh động thời gian tập thể dục cho phù hợp với tình hình thời tiết.

* Đừng để học sinh sợ học thể dục

Em T.N.U.P., học sinh lớp 8 một trường THCS ở TP.Biên Hòa cho biết, giờ tập thể dục của trường em suốt mấy năm qua chỉ quanh đi quẩn lại những bài tập đơn điệu và nhàm chán như: chạy ngắn, chạy bền, chạy xa… Chưa kể, mùa nắng nóng, giờ tập thể dục dưới sân trường trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh, nhất là nữ. Có em đi học trễ môn thể dục, còn bị thầy phạt chạy nhiều vòng quanh sân trường.

Có con đang học lớp 10 tại một trường THPT ở TP.Biên Hòa, bà Nguyễn Thu Thảo (ngụ P.Tân Mai) cho rằng, luyện tập thể dục thể thao là rất cần thiết cho học sinh. Ở trường các em phải ngồi học nhiều, về nhà còn đi học thêm nên không có thời gian vận động. Tiết học thể dục sẽ giúp các em vận động, tạo sự năng động hơn, nhưng nhà trường cần đa dạng các môn thể thao khác như: bóng bàn, bóng rổ, nhảy hiện đại hay bơi lội…

“Nhà trường nên bố trí khu vực tập thể dục thoáng mát, có đủ nước uống cho học sinh. Thời gian tập cần được điều chỉnh phù hợp với những học sinh có bệnh lý nền, khuyết tật… để tránh cho các em bị sự cố về sức khỏe” - bà Thảo kiến nghị.

* Ngăn ngừa sự cố sức khỏe trong giờ học thể dục

Nhiều ý kiến cho rằng, thể trạng của học sinh thời nay không khỏe và bền như những thế hệ trước, chưa kể một số em dù còn trẻ đã bị những bệnh lý nguy hiểm. Do đó, để tránh trường hợp đáng tiếc trong giờ học thể dục hay trong các hoạt động thể chất khác ở trường, phụ huynh và nhà trường cần có sự trao đổi thông tin liên quan đến tiền sử bệnh tật của học sinh, nếu có.

Ông Vũ Văn Tòng (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) có con gái học lớp 9, Trường THCS Trần Hưng Đạo cho biết, con ông bị bệnh tim bẩm sinh nên sức khỏe không được tốt. Hồi năm lớp 6, con ông cũng từng bị xỉu trong giờ thể dục. Sau đó, ông báo với giáo viên chủ nhiệm về bệnh trạng của con nên con ông đã được miễn một số hoạt động vận động.

“Tôi cho rằng, để bảo đảm an toàn cho học sinh trong thời gian học ở trường, phụ huynh và nhà trường cần phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến sức khỏe của học sinh, nhằm tránh tình trạng xảy ra những sự cố đáng tiếc như trường hợp vừa qua” - ông Tòng cho hay.

Nắm được thể trạng của học sinh để có những điều chỉnh phù hợp trong các hoạt động học tập ở trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp, học sinh hoàn toàn khỏe mạnh cũng có thể gặp sự cố tai biến, nhất là khi tập thể dục mùa nắng nóng gay gắt.

BS Hoàng Thị Thủy Ngân (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh bị đột quỵ, ngất trong hoặc sau khi vận động. Trước hết là do bệnh lý, đặc biệt là bệnh tim mạch, hô hấp (như bệnh hen suyễn). Tuy nhiên, ngay cả những học sinh không bệnh tật cũng có nguy cơ gặp các tai biến trên, có thể hôm đó không ăn sáng hoặc bị hạ đường huyết do quá đói, hoặc tối hôm trước, trẻ thức học bài quá khuya…

“Nhiều học sinh thường ngày rất ít vận động, vào giờ thể dục lại phải vận động mạnh nên cơ thể không đáp ứng ngay được. Trong lúc tập, có em mệt quá nên dừng tập đột ngột, ngồi thụp xuống, lúc đó rất dễ bị đột quỵ. Do đó, giáo viên thể dục phải chú ý quan sát và hướng dẫn các em ngay cả khi dừng các vận động mạnh đột ngột” - BS Ngân lưu ý.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Trần Văn Minh: Hạn chế cho học sinh tập thể dục khi thời tiết quá nắng nóng

Trường hợp học sinh ở Trường THCS Tân Bửu tử vong trong giờ tập thể dục hiện vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân gây tử vong. Tuy nhiên, Phòng đã chỉ đạo các trường trong TP.Biên Hòa không bố trí tiết thể dục vào tiết cuối giờ sáng và tiết đầu giờ chiều.

Đối với những em có bệnh lý, khuyết tật thì xem xét cho giảm thời gian tập hoặc miễn môn thể dục. Trước mỗi tiết tập phải thực hiện đầy đủ bài tập khởi động, đặc biệt là hạn chế cho học sinh tập khi thời tiết quá nắng nóng… nhằm bảo đảm sự an toàn cho sức khỏe của học sinh.

Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) Đinh Minh Hùng: Linh động hơn trong giờ học thể dục

Ngay sau khi xảy ra trường hợp một học sinh tử vong trong giờ thể dục, Ban giám hiệu nhà trường đã họp các giáo viên thể dục và yêu cầu các giáo viên này phải nắm được thông tin của học sinh có các bệnh lý nền như: tim mạch, huyết áp, hen suyễn, béo phì, học sinh có thể trạng sức khỏe kém… và xem xét cho những học sinh này giảm thời gian tập hoặc miễn luôn nếu sức khỏe các em không đáp ứng được.

Khi tập thể dục, học sinh nào mệt phải cho dừng tập ngay, không bắt các em gắng sức quá. Bởi mục đích tập thể dục để khỏe chứ không phải tập để rồi… lại mệt thêm.

An Nhiên(ghi)

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202304/giao-duc-the-chat-trong-truong-hoc-can-nhung-dung-de-loi-bat-cap-hai-3164199/