Giáo dục thiếu trung thực gây ra hệ lụy gì với trẻ nhỏ?

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, nền giáo dục chạy theo thành tích biểu hiện ở việc nhiều trường học áp dụng các biện pháp đánh giá học sinh không thực chất, dẫn tới những trường hợp dù kết quả trong học bạ rất đẹp, nhưng bài thi thực tế thì điểm số thấp.

Nhiều học sinh đạt danh hiệu giỏi nhưng kết quả bài thi thấp

Thực trạng giáo dục hiện là nếu chỉ nhìn vào các con số thống kê kết quả điểm số trong học bạ, hẳn là thành tích của học sinh, giáo viên và nhà trường đều rất ấn tượng. Học sinh trung học cơ sở chủ yếu xếp loại xuất sắc, giỏi, khá. Những học sinh xếp loại học lực trung bình (đạt) ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông ngày càng ít, học sinh yếu kém thì rất hiếm, nhất là những lớp cuối cấp.

Thậm chí, nhiều khi học sinh ở cấp trung học cơ sở có điểm trung bình môn cả năm học lên đến hơn 8,0 cũng chỉ thuộc số đông đại trà của lớp chứ chưa lọt vào nhóm xuất sắc nhất. Sự việc này lặp đi, lặp lại nhiều năm qua và vì áp lực thành tích nên năm sau số học sinh khá, giỏi, xuất sắc phải đạt được như năm trước.

Điều kiện học tập dễ dàng, kinh tế ngày càng phát triển, phụ huynh luôn cố gắng để con em mình có thể phát triển trong môi trường tốt nhất, việc của học sinh là chỉ cần chú tâm cho việc học. Vì thế, nhiều học sinh giỏi toàn diện cũng là lẽ thường tình vì các em học ngày, học đêm, học thêm ở trường, học ở trung tâm, ở nhà thầy cô và học qua mạng Internet…

Tuy nhiên, thực tế nhiều thí sinh dù 3 năm học THCS đều đạt học sinh giỏi, luôn nằm trong top đầu của lớp nhưng vẫn không làm được bài thi đang trở thành một vấn đề nhức nhối trong xã hội.

Vì vậy, dư luận có lý khi đặt ra vấn đề: Tại sao với thành tích xuất sắc 3 năm học, điểm trung bình các môn học đều cao, gần như đạt điểm tối đa nhưng vẫn có trường hợp thậm chí không đủ điểm chuẩn vào lớp 10? Phải chăng, các trường vẫn chưa đánh giá thật chất lượng học sinh, việc lạm phát danh hiệu học tập vô tội vạ của nhiều trường học hiện nay có phải xuất phát từ bệnh thành tích của các trường?

Chia sẻ với Tạp chí Trẻ em Việt Nam, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) đánh giá, việc đo lường, đánh giá, kiểm tra trong nhà trường thực hiện vẫn chưa nghiêm túc, một lớp học chỉ khoảng 5% - 10% học sinh đạt danh hiệu học sinh xuất sắc là rất chất lượng nhưng gần 80% sỉ số lớp đạt danh hiệu này thì là con số không khả thi.

“Nhiều trường vẫn còn lạm phát căn bệnh khen thưởng, bệnh ganh đua thành tích. Dẫu biết rằng, các trường đều mong muốn học sinh danh hiệu tốt để được khen thưởng các em cuối năm, nhà trường, phụ huynh đều nở mày nở mặt. Sau 1 năm các em học tập vất vả, việc khen thưởng cuối năm cũng là một sự khích lệ, động viên các em vì những cố gắng. Tuy nhiên, việc khen ngợi không thực chất dẫn đến vấn đề lạm phát điểm. Từ đó, nhà trường không biết đâu để điều chỉnh chương trình dạy học, cũng như quan tâm chăm sóc học sinh yếu kém. Đây không phải là giáo dục”, TS. Hoàng Ngọc Vinh nhận định.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội được đánh giá là căng thẳng hơn so với kỳ tuyển sinh đại học (Ảnh: Thanhnien).

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội được đánh giá là căng thẳng hơn so với kỳ tuyển sinh đại học (Ảnh: Thanhnien).

Ngoài ra, một số trường học vì mục đích lợi nhuận hoặc để nâng cao vị thế trong hệ thống giáo dục đã có xu hướng đánh giá học sinh cao hơn so với năng lực thực chất của các em. Điều này nhằm thu hút nhiều học sinh theo học, dẫn đến việc tăng nguồn thu học phí và nâng cao danh tiếng của trường.

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, cần chấn chỉnh ngay lập tức thực trạng này bởi “nhiều cái hại hơn cái lợi”. Bên cạnh việc học lực của các em học sinh không được đánh giá trung thực mà đặt nguyện vọng quá cao với năng lực thực tế, các em còn mất đi động lực để phấn đấu, thi đua. Do đó, kì thi vào lớp 10 này có thể sẽ có rất nhiều thí sinh trượt nguyện vọng 1, ảnh hưởng đến lòng tin của phụ huynh tới chính ngôi trường các em theo học và cả ngành Giáo dục.

Việc chạy theo thành tích và danh hiệu "trường kiểu mẫu" khiến một số trường học áp dụng các biện pháp đánh giá học sinh không phù hợp. Dẫn đến nhiều năm qua, thay vì tập trung vào việc đánh giá năng lực thực chất của học sinh, một số trường học lại tập trung vào việc nâng cao điểm số và tỷ lệ học sinh đạt kết quả cao trong các kỳ thi.

Mặt khác, vấn đề này cũng có nguyên do từ sức ép của phía phụ huynh với nhà trường, cha mẹ luôn muốn nhận được thành quả sau 1 năm con đi học vất vả là giấy khen thưởng. Bản thân phụ huynh phải nhận thấy, khi các em học tất cả các môn bằng năng lực và kiến thức thực thì sau này trẻ có thể chủ động phát triển bản thân trong cuộc sống với những kiến thức đã lĩnh hội được. Đây mới là yếu tố quyết định thành công của con người.

Hầu hết các cha mẹ đề đặt kỳ vọng rất lớn vào con của mình. Họ có ước vọng và muốn thấy con mình học giỏi, nỗ lực và đạt thành tích cao trong học tập, nhưng thực tế mỗi đứa trẻ lại có những năng lực, khả năng lĩnh hội kiến thức khác nhau.

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, giáo dục thiếu trung thực sẽ đào tạo ra những thế hệ học sinh thiếu năng lực và kỹ năng.

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, giáo dục thiếu trung thực sẽ đào tạo ra những thế hệ học sinh thiếu năng lực và kỹ năng.

Giáo viên cần thực hiện đúng lương tâm nghề nghiệp

Theo TS. Hoàng Ngọc Vinh, dạy thật, học thật, thi thật là giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất để nâng cao chất lượng giáo dục. Học sinh cần được học tập trong môi trường thực tế, áp dụng kiến thức vào thực tiễn để có thể hiểu bài một cách sâu sắc và nhớ lâu. Các trường triển khai tuyển sinh cũng cần đánh giá thực chất năng lực, tuyệt đối tránh ganh đua thành tích ảo.

Việc đánh giá học sinh không chỉ dựa vào điểm số mà đánh giá năng lực thực chất của học sinh dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, bao gồm kiến thức, kỹ năng, tư duy và thái độ học tập. Giáo viên cần đánh giá học sinh một cách khách quan, công bằng và có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình để giúp học sinh phát triển toàn diện. Việc thực hiện cũng phải được theo dõi và phải có sự giám sát, quản lý thường xuyên của các bộ, ban ngành.

Giáo viên cần có trách nhiệm truyền đạt kiến thức và giáo dục học sinh một cách tốt nhất. Cần có tinh thần tận tâm, nhiệt tình và luôn quan tâm đến sự tiến bộ của học sinh. Ngoài ra, cần có biện pháp hỗ trợ học sinh học lực yếu để giúp các em cải thiện phần còn kém, phối hợp chặt chẽ với gia đình để tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.

"Một nền giáo dục thiếu trung thực sẽ đào tạo ra những thế hệ học sinh thiếu năng lực và kỹ năng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội về lâu dài. Do đó, việc đổi mới giáo dục cần có sự đồng lòng của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Giáo viên cần thay đổi phương pháp dạy học, học sinh cần thay đổi cách học tập và phụ huynh cần xóa bỏ tư duy chạy theo phong trào và bệnh thành tích trong quá trình học tập của con. Chỉ khi có sự chung tay góp sức của tất cả các bên liên quan, chúng ta mới có thể xây dựng được một nền giáo dục chất lượng cao, giúp học sinh phát triển toàn diện và trở thành những người có ích cho xã hội", TS. Hoàng Ngọc Vinh nhận định.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/giao-duc-thieu-trung-thuc-gay-ra-he-luy-gi-voi-tre-nho-d4662.html