Giáo dục Tin tức giáo dục Đại học Huế phát triển thành Đại học Quốc gia
TTH - 65 năm qua chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và để lại nhiều dấu ấn của Đại học (ĐH) Huế trong tất cả các mặt hoạt động, đóng góp to lớn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả nước. Tiếp tục khẳng định vai trò của một ĐH lớn tại miền Trung - Tây Nguyên, Đảng và Chính phủ ban hành chủ trương phát triển ĐH Huế trong giai đoạn 2020 - 2025 và khẳng định thành ĐH Quốc gia năm 2022.
Nhiều dấu ấn đặc sắc
Đi nhiều nơi trong cả nước, dễ dàng bắt gặp những bác sĩ, thầy, cô giáo, kỹ sư, doanh nhân thành đạt xuất thân từ môi trường đào tạo của ĐH Huế. Ông Phạm Phú Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chia sẻ: “Mình là cựu sinh viên Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế. Nhờ quá trình đào tạo của nhà trường và các thầy, cô đã cho mình những nền tảng kiến thức, kỹ năng để phát triển. Điều đó cũng giúp mình hiểu và tin tưởng vào những điểm mạnh của sinh viên Huế, thường xuyên chọn sinh viên ĐH Huế để tuyển dụng, đồng thời có nhiều liên kết, hợp tác với nhà trường”.
65 năm qua, nơi đây đã đào tạo hàng trăm ngàn bác sĩ, kỹ sư, cử nhân, phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước. Theo thầy giáo - PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, có thể nói, truyền thống, vị thế và vai trò của ĐH Huế tích lũy trong suốt 65 năm xây dựng và phát triển đã tạo cho ĐH Huế tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia, mang trong mình những đặc sắc và tinh hoa trong giáo dục và đào tạo các ngành nghề phục vụ bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước. Tính đa ngành, đa lĩnh vực trong đào tạo của ĐH Huế được đánh giá là đặc biệt rõ nét nhất với đầy đủ các ngành, nhóm ngành đào tạo.
Hiện nay, trong khi các trường ĐH sư phạm trên cả nước đã và đang đào tạo đa ngành, chỉ có Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế chuyên đào tạo giáo viên với 21 ngành khác nhau, bao gồm cơ bản, khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn, âm nhạc, giáo dục quốc phòng và an ninh, giáo dục chính trị và thể chất..., như một cái nôi đào tạo giáo viên cho cả nước. Trong số 5 ĐH Quốc gia và ĐH vùng, chỉ ĐH Huế có các ngành đào tạo về nghệ thuật tại Trường ĐH Nghệ thuật. Chính mảnh đất Cố đô lịch sử đã và đang đào tạo nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ cho đất nước nói chung, miền Trung và Tây Nguyên nói riêng. Nơi đây cũng là cơ sở đào tạo duy nhất về ngành du lịch ở cả 3 cấp học (ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ) và đang tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp không khói này.
Nói đến đào tạo các ngành khoa học sức khỏe, phải nói Y Huế ngày xưa và Y Dược ngày nay là điểm sáng của những bác sĩ ra trường vững vàng tay nghề, chắc về kiến thức. Chính mô hình Trường - Viện này đã trở thành trung tâm đào tạo và huấn luyện nghề y cho bao thế hệ.
Phát huy thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực y tế cũng được thể hiện rõ, Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế có các bậc học từ bác sĩ, thạc sĩ và tiến sĩ, các chuyên khoa cấp I & II về khoa học sức khỏe, với vai trò và vị trí dẫn dắt trong công nghệ về chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Các trường thành viên, đơn vị trực thuộc ĐH Huế đào tạo rất nhiều nhóm ngành về ngoại ngữ, nông - lâm - ngư, luật, ngôn ngữ, các ngành đào tạo khoa học cơ bản về xã hội nhân văn, tự nhiên, những ngành chiếm 30% số ngành đào tạo cho đất nước để làm nền tảng cho khoa học kỹ thuật và công nghệ, cũng chính là duy trì sự nghiệp giáo dục toàn diện cho quốc gia.
Công nghệ sinh học của ĐH Huế đã được khẳng định trong những năm gần đây, sau Quyết định 523/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 phê duyệt Đề án phát triển Viện Công nghệ sinh học, ĐH Huế, viện nghiên cứu thành viên của ĐH Huế. Nghị quyết 54-NQ/TW cũng khẳng định Viện Công nghệ Sinh học, ĐH Huế là hạt nhân của Trung tâm Khoa học và Công nghệ quốc gia.
Nổi bật trong nghiên cứu và hợp tác quốc tế
Bối cảnh khó khăn chung về đại dịch, ĐH Huế vẫn tìm ra cách đi riêng để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo nhưng cũng có những thành tựu trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2020, ĐH Huế đã có tổng số 70 nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp bộ và quốc gia thực hiện tại ĐH Huế.
Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, trong hoạt động KH&CN của ĐH Huế đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó cụm công trình "Tối ưu hóa công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ ở vùng có nguồn lực hạn chế: từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng" của nhóm tác giả tại Trường ĐH Y - Dược được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ…
Những năm gần đây, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ kết quả nghiên cứu của ĐH Huế đã được quan tâm nhiều hơn; số bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích và giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, quyền tác giả được cấp tăng dần qua từng năm.
Bên cạnh lĩnh vực nghiên cứu khoa học, lĩnh vực hợp tác quốc tế của ĐH Huế cũng thích ứng và gặt hái được nhiều kết quả đáng mừng. ĐH Huế thể hiện vai trò là thành viên tích cực của các mạng lưới quốc tế và các tổ chức như: MI (Mekong Institute - Viện Nghiên cứu Mekong), SATU (mạng lưới các trường ĐH, ĐH Đông Nam Á và Đài Loan), ASIA-UniNET (mạng lưới các trường ĐH Á - Âu), SEAMEO-RIHED-JANU (mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á, tiểu vùng Mekong và Nhật Bản), SEAMEO-RIHED-ACC (mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á, tiểu vùng Mekong và Trung Quốc); SEAMEO-RIHIED-GMS, AUF (Tổ chức ĐH Pháp ngữ), WUN (mạng lưới các trường ĐH thế giới), AUN (mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á), ACI (hệ thống cơ sở dữ liệu trích dẫn Đông Nam Á) VLIR-NETWORK, SATU-NETWORK, CLVUN, VBFoodNet, VIFINET, IPVS. Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, chặng đường dài với những nỗ lực hợp tác quốc tế, ĐH Huế đã được trao quyền chủ trì, điều phối dự án mang tầm quốc tế, trong đó dự án về nâng cao năng lực giáo dục ĐH của quỹ Erasmus+.
Phát triển thành Đại học Quốc gia
Để phát huy hơn nữa thế mạnh về nguồn nhân lực và vùng đất văn hiến, nơi tọa lạc của ĐH Huế, Đảng và Chính phủ tiếp tục khẳng định chuyển ĐH Huế thành ĐH Quốc gia, lộ trình 2022, Quốc gia đang đòi hỏi ở cơ sở này thực hiện những nhiệm vụ quốc gia và vùng.
Thầy giáo - PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế cho biết, khi có sự ủng hộ của Bộ, Chính phủ và Trung ương, chắc chắn đội ngũ nhà giáo - Mô phạm ở vùng đất yên tĩnh sẽ thực hiện được nhiều nhiệm vụ: Cung cấp nguồn nhân lực của 149 ngành đào tạo, bao gồm tất cả các lĩnh vực cho phát triển đất nước, trong đó khoa học sức khỏe, nông lâm ngư nghiệp, nghệ thuật là đặc thù cho phát triển công nghệ, kỹ thuật và văn hóa; Xây dựng những chương trình chống biến đổi khí hậu như: xói lở ven biển, đồi núi…; Phát triển kinh tế duyên hải miền Trung, đặc biệt là kinh tế biển; Tham gia vào phát triển kinh tế Tây Nam bộ về nuôi trồng thủy sản và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; Là trung tâm đào tạo giáo viên cho toàn quốc mà khắp mọi trường lớp cả miền Trung - Tây Nguyên và Nam bộ đều là dấu chân tri thức của sinh viên và giảng viên Trường ĐH Sư phạm. Bên cạnh đó, việc đóng góp vào phát triển văn hóa và dân tộc luôn là thế mạnh của các cơ sở giáo dục ĐH ở Huế thông qua du lịch, luật pháp, lịch sử, văn học và nghệ thuật để điểm tô cho non sông và đất nước ta càng đậm đà bản sắc Việt và góp phần bảo vệ vững chắc biên giới và hải đảo.
ĐH Huế đang cần sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành Trung ương và địa phương để thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành năm 2019 và sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.