Giáo dục Tin tức giáo dục Giao lưu, hợp tác quốc tế trong giảng dạy
TTH - Lần đầu tiên, các trường đại học (ĐH) hàng đầu của Hàn Quốc sang Việt Nam để tham gia hoạt động thực tập, dự giờ và giao lưu văn hóa tại trường trung học phổ thông (THPT) ở Huế. Không chỉ mang giá trị và ý nghĩa lớn về mặt học thuật, hoạt động này còn hướng đến thực tiễn trải nghiệm và liên kết văn hóa đa quốc gia.
Vừa giảng dạy, vừa giao lưu
Có mặt tại các sự kiện giao lưu giảng dạy, văn hóa giữa sinh viên Hàn Quốc và học sinh Trường THPT Thuận Hóa, tôi khá bất ngờ khi chỉ trong khoảng thời gian vài ngày và có những rào cản về ngôn ngữ, nhưng mối gắn kết giữa người học hai trường dường như rất gần gũi. Sinh viên Hàn Quốc và học sinh Trường THPT Thuận Hóa chủ động trao đổi bằng tiếng Anh ở cả trên lớp và ngoài giờ học, lại cùng nhau tham gia các hoạt động tái hiện Tết cổ truyền của Việt Nam và Hàn Quốc.
Dương Hoàng Hương Giang, học sinh lớp 11/4, Trường THPT Thuận Hóa cho biết, dù mới mẻ, nhưng hoạt động này tạo ra sự hào hứng cho học sinh khi được giao lưu, học hỏi và trau dồi thêm vốn ngoại ngữ cũng như kỹ năng giao tiếp, học tập.
Chưa đầy 5 tháng (tháng 9/2022 và tháng 1/2023), có đến hai đoàn giảng viên, học viên và sinh viên Hàn Quốc đến Trường THPT Thuận Hóa - Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế tham gia thực tập giảng dạy và giao lưu. Đáng chú ý, đây đều là những đơn vị đào tạo uy tín và nổi tiếng hàng đầu ở Hàn Quốc, gồm: Trường ĐH Quốc gia Kyungpook, ĐH Quốc gia Chonnam; ĐH Quốc gia Pusan và Trường ĐH Sư phạm trực thuộc ĐH Quốc gia Jeju - Hàn Quốc.
TS. Nguyễn Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Hóa cho biết, Trường THPT Thuận Hóa là trường đầu tiên của tỉnh tổ chức hoạt động thực tập giảng dạy cho học viên, sinh viên khoa Sư phạm của các trường ĐH ở nước ngoài. Rất nhiều hoạt động được Trường THPT Thuận Hóa phối hợp với đoàn các trường ĐH của Hàn Quốc tổ chức, từ dự lễ chào cờ đầu tuần, dự giờ, giảng dạy thực tập bằng tiếng Anh các môn toán và hóa học, các môn chuyên ngành giữa học viên, sinh viên Hàn Quốc với học sinh của ba khối 10, 11 và 12. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học về giáo dục Hàn Quốc, giáo dục STEM để học sinh có cơ hội tiếp cận với giáo dục ĐH ở Hàn Quốc và giáo viên toàn trường được tìm hiểu, học hỏi, giao lưu và chia sẻ về kinh nghiệm triển khai giáo dục STEM trong trường THPT.
Không chỉ “đóng khung” trong hoạt động trao đổi học thuật, điểm nhấn đặc biệt từ sự kết nối là hoạt động tìm hiểu giao lưu văn hóa Hàn Quốc và Việt Nam tại các lớp học. Trước thềm năm mới Tết Quý Mão, Trường THPT Thuận Hóa và đoàn thực tập của Trường ĐH Sư phạm trực thuộc ĐH Quốc gia Jeju - Hàn Quốc đã cùng tổ chức chương trình “Tết yêu thương” với rất nhiều hoạt động trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam và Hàn Quốc.
Jinho Song, sinh viên Hàn Quốc chia sẻ: “Cùng với hoạt động giao lưu văn nghệ mừng xuân, chúng mình còn được trải nghiệm và xem các học sinh hóa trang ông đồ ngày tết để viết thư pháp; hoạt động trưng bày mứt, bánh ngày tết cùng nhiều hoạt động trò chơi dân gian: bịt mắt đập om, đua xe đạp chậm… Phía ngược lại, chúng mình cũng giao lưu, hướng dẫn học sinh Trường THPT Thuận Hóa chơi nhạc cụ và thả diều Hàn Quốc… Thực sự các hoạt động giao lưu và trải nghiệm rất thú vị và ý nghĩa”.
Tăng những cơ hội kết nối và trải nghiệm
Giao lưu song phương giữa các trường học trên thế giới đang là xu hướng tích cực trong lĩnh vực giáo dục. Theo PGS.TS. Nguyễn Thành Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, hoạt động giao lưu này có giá trị và ý nghĩa rất lớn không chỉ về mặt học thuật mà còn hướng đến thực tiễn trải nghiệm và liên kết văn hóa đa quốc gia.
Trên thực tế, trong bối cảnh quốc tế hóa giáo dục, việc giao lưu, kết nối và lan tỏa những giá trị giáo dục tích cực giữa các trường học trên thế giới cũng là định hướng tiếp cận giáo dục Quốc tế cần được chú trọng. TS. Nguyễn Thị Thủy cho rằng, đây không chỉ là hoạt động giáo dục, giao lưu văn hóa có ý nghĩa và phù hợp với định hướng phát triển của nhà trường mà quan trọng hơn là mang đến cho học sinh những trải nghiệm thực tế. Khi kết nối và tổ chức được các hoạt động trao đổi và giao lưu với sinh viên quốc tế sẽ giúp học sinh có những trải nghiệm quý báu về môi trường học tập bậc ĐH ở nước ngoài và giúp học sinh biết xác định, thực hiện ước mơ của mình.
Hiện nay, hoạt động này vẫn còn rất mới mẻ do có những hạn chế từ khâu kết nối, cũng như những lo ngại trong năng lực ngoại ngữ của học sinh ở các trường. Giải quyết vấn đề trước hết cần sự chuẩn bị từ khâu quan tâm đến kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh. Các trường cũng cần tranh thủ các mối quan hệ từ các hợp tác của các Bộ, ngành, đơn vị và cả trường bạn từ đó tiến đến ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực; phối hợp tổ chức giao lưu, hợp tác giảng dạy, thực tập.
Trước mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, việc hướng đến mỗi học sinh được tiếp cận với nền giáo dục của các nước tiên tiến trên thế giới, tăng cường giao lưu học tập là việc nên làm. Khi tăng những cơ hội kết nối, chắc chắn sẽ tăng được trải nghiệm quý báu cho người học.
Bài, ảnh: Hữu Phúc