Giáo dục Tin tức giáo dục Trong dịch bệnh vẫn bắt nhịp tốt

TTH - Trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới vẫn được triển khai đồng bộ và hiệu quả ở Thừa Thiên Huế.

Tăng cường ngoại khóa cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Tăng cường ngoại khóa cho học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Bắt đầu từ nguồn lực

Tiếp sau năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1, năm học 2021 - 2022 chương trình GDPT mới được triển khai ở các lớp 2 và 6. Toàn tỉnh hiện có 2.396 phòng học, trong đó có 1.777 phòng học kiên cố, 593 phòng học bán kiên cố. Để đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học là các yếu tố quan trọng để thực hiện thành công chương trình GDPT mới, các huyện, thị xã và TP. Huế đã bố trí kinh phí để xây dựng phòng ốc. Tỉnh cũng đã và đang yêu cầu phát huy tính chủ động của các trường trong huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phục vụ đổi mới chương trình GDPT năm 2018.

Toàn tỉnh hiện có trên 5.000 giáo viên tiểu học thì có đến trên 98% có trình độ trên chuẩn. Hiện, tỷ lệ đứng lớp là 1,6 giáo viên/lớp ở bậc tiểu học; trong đó, có 100% trường học có giáo viên chuyên trách các môn giảng dạy các môn tin học, mỹ thuật, tiếng Anh, thể dục, âm nhạc. Đó là thuận lợi rất căn bản trong triển khai đổi mới chương trình GDPT. Thừa Thiên Huế đã tiến hành tổng rà soát hiện trạng, xác định nhu cầu theo lộ trình để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ hiện có, đảm bảo đủ số lượng và cơ cấu; nghiêm túc đánh giá để có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ quản lý, giáo viên phù hợp; lựa chọn đội ngũ cán bộ, giáo viên cốt cán các môn học làm nòng cốt trong công tác bồi dưỡng và triển khai chương trình.

Vượt qua nhiều khác biệt

Áp dụng chương trình GDPT mới, giáo viên phải thực hiện phương pháp dạy học mới, nghĩa là, sẽ phải dạy học tích cực, hướng dẫn học sinh hoạt động, tự tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng vận dụng vào đời sống. Đáng nói là, mỗi giáo viên phải cập nhật thường xuyên công nghệ thông tin để có thể ứng dụng vào môn học. Đây có thể là bước đột phá của thế hệ giáo viên trong thời đại 4.0.

Một tiết học ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Một tiết học ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Thi, giáo viên Trường tiểu học Phú Xuân 2 (Phú Vang) chia sẻ, theo chương trình GDPT mới việc dạy học không còn theo hướng truyền thụ kiến thức một chiều. Giáo viên phải sử dụng các ngữ liệu gắn với cuộc sống. Để bài giảng đạt hiệu quả và đảm bảo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, giáo viên phải sử dụng các phương pháp, ngữ liệu gắn liền với cuộc sống giúp học sinh tiếp cận kiến thức nhanh, giúp tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn hơn. Cùng với việc phải luôn nghiên cứu sách giáo khoa, sách tham khảo, giáo viên còn phải tìm tòi các học liệu trên mạng; sử dụng nhiều công cụ dạy học trực tuyến khác để tham khảo những bài giảng nhằm tìm những bài giảng phù hợp.

Một trong những điểm khác biệt của lớp 6 so với chương trình hiện hành là sự xuất hiện của các môn học mang tính tích hợp của phân môn (như lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học) khiến cho một bộ phận phụ huynh băn khoăn, lo lắng. Để tạo không khí hấp dẫn, cuốn hút học sinh, các giáo viên giảng dạy chương trình mới đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ chương trình tổng thể và chương trình môn học của các bộ sách mới, từ đó có kịch bản cụ thể cho từng tiết học. Cùng với các phương pháp dạy học linh hoạt, đổi mới, giáo viên luôn để các em học sinh tiếp cận bài giảng một cách sáng tạo chủ động thông qua các video và các phương tiện dạy học khác, chủ động nắm bắt kiến thức.

Những tín hiệu vui

Triển khai chương trình GDPT mới, ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế đứng trước 2 thách thức. Đó là dịch COVID-19 hoành hành và kéo dài, nhiều cơ sở giáo dục bị trưng dụng làm các khu cách ly phòng, chống dịch nên kế hoạch chương trình học dự kiến có nhiều thay đổi. TP. Huế mở rộng, nhiều cán bộ cốt cán sáp nhập vào các trường TP. Huế nên nhiều địa phương việc thiếu nguồn giáo viên để hỗ trợ các trường trong việc triển khai chương trình GDPT mới. Mặt khác là sự mất cân đối giữa các xã, phường trên địa bàn TP. Huế. Mật độ dân cư và tỷ lệ tăng dân số cơ học ở một số phường khiến trường lớp không đủ cho học sinh.

Song, nhờ sự phối hợp tốt giữa phụ huynh với giáo viên, bước đầu triển khai chương trình SGK lớp 2 và lớp 6 diễn ra thuận lợi.

Có dịp quan sát một tiết học tiếng Việt của các em học sinh lớp 2, cảm nhận rõ nhất của chúng tôi là các em học sinh đã chủ động hơn trong việc học và bắt nhịp với môi trường giáo dục mới. Tiết học diễn ra ra khá hào hứng và sôi nổi. Do có sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất cùng trang bị kỹ năng cho đội ngũ giáo viên, nên dù triển khai trong điều kiện thời gian học trực tuyến kéo dài gần như từ đầu năm đến thời điểm hiện tại, nhưng các trường tiểu học, THCS cũng như đội ngũ giáo viên dạy các khối lớp trong diện cải cách trên địa bàn tỉnh đều bắt nhịp tốt với các yêu cầu đề ra của chương trình.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng với việc soát xét để bổ sung cơ sở vật chất phù hợp, tăng cường và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cần đặc biệt chú ý đến việc đổi mới trong việc tổ chức dạy học theo hướng phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh. Còn với những kết quả ban đầu của học sinh và giáo viên trên địa bàn tỉnh khi triển khai chương trình GDPT mới trong học kỳ vừa qua là tiền đề quan trọng để toàn ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên tiếp tục phát huy, nỗ lực đạt được kết quả như kỳ vọng trong việc đổi mới chương trình GDPT trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Huế Thu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/trong-dich-benh-van-bat-nhip-tot-a107955.html