Giáo dục toàn diện cho đội viên qua công tác Đội

Nâng cao chất lượng đội viên trong hoạt động Đội góp phần giáo dục toàn diện cho đội viên.

Hội thi Nghi thức đội - chỉ huy đội giỏi tại Trường tiểu học Bình Hòa 2 (Thuận An, Bình Dương).

Hội thi Nghi thức đội - chỉ huy đội giỏi tại Trường tiểu học Bình Hòa 2 (Thuận An, Bình Dương).

Còn hạn chế trong công tác Đội

Cô Nguyễn Thị Sang, Tổng phụ trách Đội, Trường tiểu học Bình Hòa 2 (Thuận An, Bình Dương) nhận định: Hiện nay, việc chỉ đạo tổ chức hoạt động Đội đã được quan tâm nhưng còn sơ sài. Nội dung hoạt động còn đâu đó còn nghèo nàn, mang tính hình thức. Một số trường giao nhiệm vụ cho tổng phụ trách Đội, hoặc khoán trắng cho giáo viên chủ nhiệm lớp, nên chất lượng hoạt động công tác Đội chưa cao.

Một số giáo viên phụ trách Đội chưa quan tâm đúng mức đến nâng cao chất lượng cho đội viên, nên khi tổ chức triển khai các hoạt động Đội, thường làm hình thức, chiếu lệ.

Ban chỉ huy đội còn có những yếu kém trong công tác quản lý chỉ huy liên chi đội. Mục tiêu phấn đấu của một số đội viên còn mờ nhạt. Phương tiện phục vụ cho hoạt động Đội chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tiễn. Sự phối hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường, xã hội ở địa phương còn có những bất cập chưa được khắc phục.

Những yếu tố chủ quan và khách quan trên đã làm giảm hiệu quả hoạt động Đội, dẫn đến làm giảm chất lượng thực hiện 7 yêu cầu đội viên.

Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho Ban chỉ huy Đội

Chia sẻ về giải pháp, cô Nguyễn Thị Sang cho rằng, việc tham mưu kế hoạch bồi dưỡng Ban chỉ huy Đội là một nhiệm vụ không thể thiếu trong năm học.

Ngay sau Đại hội chi đội, Đại hội liên đội thành công, lựa chọn được đội ngũ Ban chỉ huy Đội, giáo viên tổng phụ trách Đội phải lên kế hoạch, chương trình, nội dung tập huấn, bồi dưỡng cho học sinh.

Kế hoạch, chương trình tập huấn phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường, phù hợp với chủ điểm tháng, các ngày lễ lớn trong năm và đặc biệt không ảnh hưởng đến thời gian học tập của học sinh trên lớp. Kế hoạch đã được thông qua ký duyệt của Ban Giám hiệu cần thông tin, triển khai đến các chi đội, học sinh.

Đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng đội ngũ chỉ huy đội, theo cô Nguyễn Thị Sang, đội ngũ này cần được bồi dưỡng. Kế hoạch bồi dưỡng cần toàn diện trong năm học, từng học kỳ và bồi dưỡng theo từng chức danh, nhiệm vụ của các thành viên ban chỉ huy. Nội dung bồi dưỡng bảo đảm tính cơ bản, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng với các hình thức bồi dưỡng đa dạng.

Kết quả của quá trình bồi dưỡng phải được đánh giá bằng khả năng thực hành công việc của ban chỉ huy trong từng nhiệm vụ được giao.

Tập huấn Ban chỉ huy liên chi đội, Trường tiểu học Bình Hòa 2 (Thuận An, Bình Dương).

Tập huấn Ban chỉ huy liên chi đội, Trường tiểu học Bình Hòa 2 (Thuận An, Bình Dương).

Lên kế hoạch theo từng tháng, tăng cường hoạt động thi đua

Cô Nguyễn Thị Sang cho rằng, với học sinh tiểu học, nên chia triển khai 7 yêu cầu đội viên theo từng tháng phù hợp với hoạt động tại nhà trường. Cụ thể:

Tháng 9: Rèn luyện yêu cầu “thuộc, hát đúng Quốc ca, Đội ca”. Đối với yêu cầu này, giáo viên tổng phụ trách Đội cần linh động, phối hợp với giáo viên âm nhạc để đạt hiệu quả cao nhất.

Tháng 10: Rèn luyện yêu cầu “Hô đáp khẩu hiệu”, “Chào kiểu đội viên”. Yêu cầu “Hô đáp khẩu hiệu” khá đơn giản. Trong 1 tiết chào cờ, giáo viên có thể triển khai đến toàn bộ học sinh và các em sẽ thực hiện tốt. Với yêu cầu “Chào kiểu đội viên”, giáo viên cũng triển khai trong 1 tiết chào cờ và phân công Ban chỉ huy chi đội hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của đội viên trong chi đội.

Tháng 11: Rèn luyện yêu cầu “Tháo, thắt khăn quàng”. Giáo viên triển khai trong 1 tiết chào cờ và cần phân công Ban chỉ huy chi đội các lớp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của đội viên trong chi đội.

Tháng 12: Rèn luyện yêu cầu “Cầm cờ, giương cờ, kéo cờ và vác cờ” “Đánh trống”. Với nội dung này, triển khai đến Ban chỉ huy Đội để sau đó triển khai đến các đội viên. Yêu cầu “Đánh trống”, giáo viên sẽ triển khai nhịp trống, cách đánh đến học sinh. Tuy nhiên chỉ tập trên trống với học sinh có khả năng cảm thụ được nhịp trống, không thể tập với trống cho toàn bộ học sinh.

Tháng 1, 2: Rèn luyện yêu cầu “Các động tác cá nhân di động tại chỗ”. Đối với yêu cầu này, tổng phụ trách Đội linh động, phối hợp với giáo viên thể dục để đạt hiệu quả cao nhất.

Cùng với đó, tổ chức các hoạt động thi đua là một trong những biện pháp để thúc đẩy phong trào đi lên. Các hoạt động này tạo không khí thoải mái, hăng hái, sôi nổi, kích thích các em hoạt động có tính sáng tạo. Thi đua đúng hướng là nguồn nuôi dưỡng phong trào, qua đó các em sẽ thấy được trách nhiệm của mình trong các hoạt động của chi Đội, liên Đội, phát huy tính tự giác, tự quản, chủ động trong công việc.

Cần chọn những hình thức thi đua sinh động, nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi. Hướng dẫn các em tham gia phát động thi đua, thực hiện giao ước thi đua, có kiểm tra định kỳ, có sơ kết, biểu dương kịp thời, động viên khen thưởng xứng đáng. Có như vậy, thi đua mới thực sự là động lực thúc đẩy học sinh tu dưỡng, phấn đấu và trưởng thành.

Làm tốt công tác phối hợp

Giáo viên tổng phụ trách đội cần phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh, giúp học sinh thực hiện được 7 yêu cầu đội viên đạt hiệu quả cao nhất.

Theo cô Nguyễn Thị Sang, giáo viên chủ nhiệm là một trong những nhân tố quyết định chi đội mạnh, quyết định đến sự thành công của chương trình rèn luyện đội viên, là cầu nối giữa gia đình, nhà trường và xã hội.

Do đó, để nâng cao chất lượng thực hiện 7 yêu cầu đội viên, giáo viên tổng phụ trách đội cần phối hợp nhịp nhàng với giáo viên chủ nhiệm. Triển khai đến giáo viên chủ nhiệm 7 yêu cầu đội viên để thầy cô nắm bắt, hướng dẫn, kiểm tra quá trình tập luyện của học sinh.

Kế hoạch bồi dưỡng Ban chỉ huy Đội, kế hoạch rèn luyện từng yêu cầu đội viên theo tháng, theo năm học cũng cần thông tin đến với giáo viên chủ nhiệm để giáo viên chủ động thời gian, giúp cho học sinh hoàn thành nhiệm vụ của Ban chỉ huy Đội mà vẫn hoàn thành bài tập trên lớp. Từ đó, các buổi bồi dưỡng Ban chỉ huy Đội bảo đảm đầy đủ thành phần, có hiệu quả cao.

Trong quá trình công tác, giáo viên tổng phụ trách đội đồng thời phải liên kết chặt chẽ với cha mẹ học sinh, tranh thủ sự ủng hộ của những cha mẹ học sinh thích phong trào, thích con tham gia các hoạt động đội để rèn luyện đạo đức, nâng cao kĩ năng sống…

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-toan-dien-cho-doi-vien-qua-cong-tac-doi-post625504.html