Giáo dục trong thế giới số - không chỉ là đổi mới công nghệ
Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh nhận định, sự bùng nổ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.
Trong 2 ngày (6-7/12), Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), cùng với sự đồng hành của các đối tác Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Tổ chức Angel’s Haven (Hàn Quốc), Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) tổ chức Hội thảo khoa học thường niên 2024 - Giáo dục trong thế giới số thu hút hơn 700 đại biểu tham dự.
Là sự kiện khoa học thường niên quan trọng của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, hội thảo công bố những nghiên cứu nổi bật, cập nhật các xu hướng mới, đồng thời tạo ra diễn đàn uy tín để các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia, giảng viên và giáo viên cùng trao đổi về những cơ hội và thách thức của giáo dục.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh nhận định, sự bùng nổ của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo đã tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.
Trong báo cáo Triển vọng việc làm năm 2023 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố cho thấy công nghệ và số hóa vừa là động lực tạo việc làm, vừa gây ra sự xáo trộn đáng kể trên thị trường lao động.
Điều này đặt ra thách thức lớn cho hệ thống giáo dục toàn cầu, buộc các nhà quản lý và chuyên gia phải định hình lại chiến lược quốc gia về giáo dục, cũng như cách thức giảng dạy và học tập trong nhà trường để có thể tạo ra một thế hệ người học sẵn sàng cho tương lai số.
Việt Nam đang tích cực triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định giáo dục và đào tạo là lĩnh vực ưu tiên. Trong những năm qua, ngành giáo dục đã thực hiện chuyển đổi số sâu rộng trong quản lý đến quá trình dạy và học trong nhà trường. Tuy nhiên, để thúc đẩy chuyển đổi số bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển giáo dục trong tương lai, cần thực hiện các nghiên cứu nền tảng, nghiên cứu hành động, các bài học thực tiễn.
“Khi khám phá tiềm năng to lớn của giáo dục trong thế giới số, chúng ta cần tiếp cận hành trình này với một mục tiêu rõ ràng. Chúng ta cần đảm bảo rằng công nghệ là phương tiện, là cầu nối, không phải rào cản, đến giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người. Chuyển đổi số trong giáo dục không nằm ở sự đổi mới công nghệ đơn thuần, mà nằm ở các chiến lược có chủ đích nhằm xóa bỏ bất bình đẳng số, nâng cao năng lực và trao quyền cho giáo viên, phát triển các kĩ năng cần thiết cho người dạy và người học trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Do đó, hội thảo hôm nay được tổ chức với mong muốn tạo diễn đàn chuyên sâu, trao đổi các vấn đề vĩ mô đến thực tiễn trong giáo dục”, Viện trưởng Lê Anh Vinh nhấn mạnh.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công bằng, hòa nhập và bền vững trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, UNESCO chú trọng tích hợp công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào giáo dục với tiêu chí ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo lấy con người làm trung tâm trong giáo dục đồng thời lưu ý về đạo đức sử dụng trí tuệ nhân tạo. Trong hành trình bắt đầu của chuyển đổi số phải hết sức minh bạch, đặc biệt là sử dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục.
Bà Kim Narae, Phó Giám đốc Quốc gia, Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế KOICA Việt Nam chia sẻ: công nghệ số đóng vai trò thiết yếu trong việc hiện thực hóa giáo dục cá nhân hóa và giáo dục bao trùm, vượt xa việc chỉ hỗ trợ học tập. Những chia sẻ tại hội thảo sẽ là nguồn cảm hứng quý giá, giúp trẻ em và thanh niên khuyết tật vượt qua các giới hạn học tập, phát huy tiềm năng của mình và đóng góp ý nghĩa cho xã hội.
“Đặc biệt, các cách tiếp cận đổi mới sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ thực tế ảo đang mở ra chân trời mới trong giáo dục dành cho người khuyết tật”, bà Kim Narae nhấn mạnh.