Giáo dục truyền thống qua các 'địa chỉ đỏ'

Huyện Bạch Thông luôn quan tâm đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào cho thế hệ trẻ thông qua các di tích lịch sử trên địa bàn.

Dấu tích tường đồn Phủ Thông.

Dấu tích tường đồn Phủ Thông.

Đồn Phủ Thông được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 23/7/1998. Đây là một địa danh lịch sử ý nghĩa để ngành Giáo dục huyện tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Nhà truyền thống Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông với nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật phản ánh trận đánh công kiên bất hủ của quân và dân ta, được xem là điểm đến rất ý nghĩa cho thế hệ trẻ cùng tìm hiểu quá trình trưởng thành, phát triển đi lên của quê hương.

Hằng năm, Di tích Đồn Phủ Thông đón nhiều đoàn khách từ Trung ương và địa phương về thăm. “Địa chỉ đỏ” này là nơi giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho các em học sinh trên toàn tỉnh. Tại các chuyến tham quan, giáo viên và học sinh được hướng dẫn viên giới thiệu sơ lược về trận cường tập và ý nghĩa lịch sử của Trận công đồn Phủ Thông. Qua đó giúp các em nhân thêm niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương và am hiểu về lịch sử địa phương, nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ những di tích lịch sử trên địa bàn.

Chia sẻ về chuyến tham quan trong năm học vừa qua tại các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn huyện Bạch Thông, em Nguyễn Gia Linh, học sinh Trường Tiểu học Đức Xuân cho biết: “Được đến tham quan các di tích lịch sử của địa phương, em cũng như các bạn cảm thấy rất tự hào và có thêm ý chí quyết tâm, phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện”.

Để gìn giữ và phát huy giá trị của Di tích Đồn Phủ Thông, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm bố trí kinh phí đầu tư tôn tạo, bảo tồn di tích lịch sử này. Năm 2023, từ nguồn vốn hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, tỉnh Bắc Kạn đang triển khai các bước đầu tư để tiếp tục phục dựng, tôn tạo lại di tích xứng đáng với giá trị lịch sử to lớn và trở thành điểm đến tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Vừa qua, huyện Bạch Thông đã long trọng tổ chức chương trình Kỷ niệm 75 năm trận công đồn Phủ Thông (25/7/1948 - 25/7/2023). Mục đích tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào, nâng cao nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn. Đồng thời, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của Nhân dân các dân tộc, tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Một “địa chỉ đỏ” khác góp phần quan trọng giáo dục truyền thống cách mạng và lòng tự tôn, tự hào cho thế hệ trẻ đó là Di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng. Nơi đây, năm 1951 Bác Hồ đã tặng thanh niên xung phong 4 câu thơ bất hủ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”. Năm 1996, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Nà Tu là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Bạch Thông còn có các di tích lịch sử cấp tỉnh như: Chùa Hoa Sơn, xã Vi Hương; Di tích lịch sử Khau Cưởm, Ngườm Hẩu, xã Sỹ Bình; Di tích lịch sử nhà ông Hoàng Văn Lường, xã Quân Hà.

Những di tích này đã và đang được huyện Bạch Thông quan tâm đầu tư tôn tạo và định hướng khai thác giá trị lịch sử gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới./.

Trang Lê

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/giao-duc-truyen-thong-qua-cac-dia-chi-do-post54521.html