Giáo dục truyền thống văn hóa cho trẻ em từ lễ hội

Là một hình thức sinh hoạt tổng hợp bao gồm các mặt tinh thần, vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa nghệ thuật, tâm linh và đời thường… lễ hội ra đời và luôn có ý nghĩa lớn trong đời sống xã hội. Gắn liền với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, dân tộc, lễ hội truyền thống đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sự đa dạng của văn hóa. Giáo dục truyền thống văn hóa cho trẻ em qua lễ hội là cách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới.

Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (gọi tắt là NQ 29), xác định mục tiêu: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào; sống tốt và làm việc hiệu quả… giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc... Xuyên suốt quá trình phát triển giáo dục và đào tạo, việc tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa truyền thống cho học sinh thông qua các chương trình giáo dục địa phương được triển khai thực hiện đồng bộ. Nhờ đó, những lễ hội truyền thống, các di sản văn hóa địa phương, dân tộc đã được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường thời gian qua.

Cô giáo Nguyễn Thị Hường, giáo viên Trường THCS Đinh Công Tráng (Thanh Liêm) là một trong số những người tham gia giảng dạy các tiết học văn hóa địa phương chia sẻ: Trước khi có một bộ sách về văn hóa địa phương được biên soạn đưa vào giảng dạy, chúng tôi đã được tham gia xây dựng, chọn những nội dung phù hợp, tiêu biểu về văn hóa lịch sử của các huyện, thị xã, thành phố. Thí dụ, về phần lễ hội, mỗi huyện, thành phố, thị xã sẽ chọn những lễ hội tiêu biểu đưa vào chương trình để học sinh nghiên cứu, học tập; qua đây giáo dục cho các em bản sắc dân tộc, ý nghĩa của lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội; những ứng xử của con người với thần linh, những người có công với đất nước, với di sản gắn liền với lễ hội… Từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, niềm tin vào lịch sử và cội nguồn dân tộc.

Trẻ em trải nghiệm các trò chơi dân gian tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2024. Ảnh: Chu Uyên

Bài học về lễ hội Vật võ Liễu Đôi – một trong những lễ hội tiêu biểu ở Thanh Liêm, diễn ra vào mùa xuân. Liễu Đôi là vùng văn hóa bao gồm nhiều xã, thôn ở Thanh Liêm, có lịch sử hàng nghìn năm. Trong quá trình tồn tại và phát triển, Liễu Đôi đã tạo nên những di sản văn hóa đặc sắc về văn chương, lễ hội, di sản vật thể… Lễ hội Vật võ Liễu Đôi có truyền thuyết lưu lại, gắn liền với sự phát triển của cộng đồng dân cư, tạo nên một sinh hoạt văn hóa thiêng liêng, có sức hút trong đời sống nhân dân. Lễ hội thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có những đứa trẻ từ nhỏ mặc khố, đeo đai vào xới vật làm nên một mùa xuân thượng võ náo nức trong vùng. Một người tham gia có hàng trăm hàng nghìn người cổ vũ, họ sẽ hiểu ý nghĩa của các nghi thức gắn liền với truyền thuyết và mong muốn của con người mọi thời đại. Giữ nước, giữ nhà, sẵn sàng hy sinh và cống hiến cho quê hương chính là giá trị cốt lõi của lễ hội được trao truyền cho các thế hệ con dân.

Hay như Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, trẻ em địa phương được tham dự lễ hội khi chứng kiến các nghi thức được tổ chức khá bài bản trong không gian rộng lớn của mùa xuân. Hình ảnh về con trâu, cái cày, thửa ruộng, đất đai, hạt giống... sẽ đi vào tâm thức trẻ em, hình thành nên những suy nghĩ về cuộc sống, nguồn cội, về vũ trụ và con người. Sau này, khi lớn lên, các em sẽ hiểu vì sao vùng đất này là nơi được chọn để cày Tịch điền. Tịch điền là cày ruộng, đánh thức đất đai. Lễ hội Tịch điền hôm nay và hôm qua khác nhau điều gì và cốt lõi của lễ hội này nhằm mục đích gì? Các em sẽ được người lớn định hướng tham gia các hoạt động hội trong lễ hội, như: vẽ trâu, làm bánh dày, thi cày, đánh đu, kéo co… Con người cần có sức mạnh để chiến đấu và chiến thắng xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, quê hương; con người cũng cần khéo léo trong hành vi và ứng xử để gìn giữ đoàn kết, tạo sự hòa thuận trong đời sống mới có một “sức mạnh mềm” về văn hóa nhằm góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia. Từ đây, những đứa trẻ lớn lên sẽ thấu cảm tinh thần dân tộc, trở thành những công dân có đạo đức, trách nhiệm, biết trân trọng nguồn cội, tổ tiên, cha ông mình.

Hà Nam là vùng đất cổ, nơi còn tồn tại hơn 1.800 di tích, gồm đình, chùa, miếu mạo, đền, phủ, từ đường và những danh thắng có từ nghìn năm, trăm năm. Gắn liền với các di tích là sự hình thành và phát triển của hơn một trăm lễ hội lớn nhỏ, tạo nên bề dày văn hóa đậm đà bản sắc. Lễ hội ở Hà Nam diễn ra quanh năm, nhưng đa phần tập trung vào mùa xuân.

Mùa xuân là mùa của lễ hội. Để hiểu được ý nghĩa của lễ hội truyền thống đối với trẻ em cần có sự trải nghiệm và hòa nhập. Thực tế, không có một lễ hội nào, dù lớn hay nhỏ mà không có bóng dáng trẻ em. Các em tham gia vào lễ hội với những tư cách khác nhau, nhưng đều góp phần tạo cho lễ hội một sức sống, một niềm hy vọng, sự trao truyền, tiếp nối mạch nguồn bền bỉ. Có những hội làng truyền thống, theo tập tục, những người phụ nữ sẽ dắt con hay bế những đứa trẻ chui qua kiệu thánh để đón hứng ân đức cho đứa trẻ được sống mạnh khỏe, may mắn, giỏi giang, tiến bộ. Khi đứa trẻ lớn lên, trong tâm thức chúng đã chứa đựng niềm tin sâu sắc vào đấng thần linh che chở. Sự tồn tại niềm tin thiêng liêng ấy bồi đắp tình yêu quê hương, tôn trọng tổ tiên và biết ơn những người có công với đất nước.

Đây là một trong những cách giáo dục tình yêu, sự biết ơn cho trẻ thông qua các lễ hội truyền thống. Không cần sách vở, không cần bài bản nào khô cứng, những nghi thức lễ hội cho trẻ em một thế giới quan về văn hóa và dân tộc một cách đậm nét từ tấm bé. Nói như GS,TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại hội thảo Khoa học “Bảo tồn và phát huy không gian Lễ hội Tịch điền – Đọi Sơn gắn với phát triển Du lịch quốc gia”: “Lễ hội “sống” được là nhờ vào tâm thức của cộng đồng, gắn với cộng đồng, trước hết là cộng đồng dân cư sở tại. Tính cộng đồng của lễ hội chỉ được sinh ra, tồn tại và phát triển khi nó trở thành nhu cầu tự nguyện của cộng đồng”. Trẻ em tiếp cận lễ hội, tiếp thu văn hóa truyền thống từ lễ hội phải trên cơ sở trải nghiệm, hòa nhập và định hướng. Vì thế, khi tổ chức lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại, các nội dung của lễ hội phải có tính giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích, lòng tham và những gò bó vật chất, tư lợi khác.

Giang Nam

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/giao-duc-truyen-thong-van-hoa-cho-tre-em-tu-le-hoi-115735.html