Giáo dục văn hóa địa phương cho học sinh
Tết cổ truyền là dịp để mọi người tìm về với những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Đây cũng là dịp các trường học tổ chức những hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để giáo dục văn hóa địa phương cho học sinh.
Tại chương trình “Ngày Tết quê em” do Trường THPT Gia Hội tổ chức trước thềm Tết Nguyên đán, hơn 1.500 học sinh của trường được trổ tài trang trí mâm ngũ quả, cắm hoa trang trí cho ngày Tết, làm thiệp chúc Tết, tham gia gói bánh chưng, bánh tét cùng với thầy, cô giáo… Các em học sinh cũng tổ chức, trang trí các gian hàng theo chủ đề Tết để giới thiệu các món ăn Huế, tạo nên một không gian ngập tràn sắc màu, mang đậm không khí Tết.
Không gian ngày hội càng thêm rộn ràng với chương trình văn nghệ đậm sắc xuân do học sinh trình diễn. Các em còn được trải nghiệm các trò chơi dân gian mang hương sắc của ngày Tết, như nhảy sạp, tung còn… Bên cạnh hoạt động của học sinh, các thầy, cô giáo cũng tích cực tham gia hội thi gói bánh chưng, bánh tét. Mỗi hoạt động trải nghiệm đều mang đến một bài học ý nghĩa, giúp học sinh kết nối các giá trị của truyền thống với cuộc sống hiện tại, từ đó, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của các em.
Nguyễn Thị Thùy Dương, học sinh lớp 12B13, Trường THPT Gia Hội chia sẻ, để chuẩn bị cho ngày hội, Dương cùng các bạn tìm hiểu phong tục đón Tết của người dân xứ Huế và quyết định trang trí gian hàng ẩm thực Huế với hình ảnh của cây tre, nhành mai. Hào hứng chuẩn bị gian hàng, tham gia trò chơi, trình diễn văn nghệ, với Dương, đây không chỉ là kỷ niệm đẹp của tuổi học trò mà còn là dịp để em trải nghiệm những giá trị văn hóa của quê hương. “Dù cuộc sống phát triển đến đâu, những giá trị, nét đẹp văn hóa này sẽ luôn song hành và cần được thế hệ trẻ chúng em chung tay gìn giữ, lưu truyền, để Huế luôn là vùng đất đậm đà bản sắc văn hóa”, Thùy Dương nói.
“Ngày Tết quê em” là chương trình ngoại khóa nhằm giáo dục nề nếp đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, đồng thời giáo dục ý thức bảo tồn và phát huy truyền thống, lòng tự hào dân tộc. Không khí vui tươi, sôi nổi của ngày hội giúp học sinh được khám phá ẩm thực Huế; giới thiệu, quảng bá hình ảnh, văn hóa, con người Huế; trải nghiệm các trò chơi dân gian trong dịp Tết.
Ông Lê Quang Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội cho hay, những hoạt động trải nghiệm này là cơ hội để các em học sinh được giao lưu, học hỏi, thể hiện khả năng của bản thân và gần hơn với bạn bè, thầy cô. Đây cũng là dịp để nhà trường tuyên truyền, giáo dục các em về ý nghĩa của Tết cổ truyền, về truyền thống văn hóa dân tộc.
Cũng theo ông Hòa, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chú trọng việc giáo dục kỹ năng mềm, gắn kiến thức đã học trên lớp với cuộc sống; trong đó, môn giáo dục địa phương rất quan trọng. Tại Thừa Thiên Huế, việc giữ gìn và trao truyền cốt cách của người Huế, văn hóa Huế trong thời đại công nghệ phát triển cho thế hệ học sinh GenZ được ngành giáo dục quan tâm. Vì thế, tạo cơ hội cho học sinh được tham gia những hoạt động trải nghiệm gắn với thực tiễn là điều các trường phổ thông chú trọng. Không chỉ tạo ra những giờ ngoại khóa bổ ích, qua đó, nhà trường khơi gợi, trang bị cho học sinh nét văn hóa, cung cách của con người Huế, giúp các em hiểu, trân trọng và yêu quý văn hóa truyền thống từ khi ngồi trên ghế nhà trường.