Giáo dục 'Vòng xoáy' nhảy việc
TTH - Mặc dù mới 'chân ướt chân ráo' tìm được việc làm sau khi rời ghế giảng đường, nhiều bạn trẻ đã liên tục chuyển việc. Trong khi đó, hệ lụy khi rơi vào 'vòng xoáy' nhảy việc là không nhỏ.
Thích là... nhảy việc
Mới ra trường, Nguyễn Thị Hiền, cựu sinh viên một trường thuộc Đại học (ĐH) Huế ứng tuyển và được nhận vào làm tại một công ty tại Huế với mức lương khởi điểm 5 triệu đồng/tháng. Đang trong giai đoạn thử việc, Hiền lại bỏ việc để đi ngoại tỉnh làm nhân viên bán các sản phẩm du lịch. Gặp lại em sau 6 tháng ra trường, Hiền nói: “Thu nhập bên này cũng bấp bênh, mức sống lại cao. Em muốn lần nữa tìm việc khác”.
Nhảy việc không còn là câu chuyện mới của các sinh viên ra trường, thậm chí ngày càng phổ biến. Theo đại diện một doanh nghiệp trong nước, khi xem hồ sơ ứng tuyển của nhiều bạn trẻ, đáng giật mình là có trường hợp năm đầu sau khi tốt nghiệp nhảy việc đến 4 lần.
Có khá nhiều nguyên nhân cho vấn đề trên, trong đó phần lớn đều từ 4 nhóm nguyên nhân: Không phù hợp chuyên môn đào tạo; thiếu môi trường phát triển; người quen, bạn bè lôi kéo và phổ biến nhất là vì lương, thưởng. Nguyễn Văn Phú, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học nói rằng, khi mới ra trường, tâm lý rất vội tìm được việc làm, chưa tìm hiểu kỹ các vị trí ứng tuyển và văn hóa doanh nghiệp. Khi vào làm lại thấy không phù hợp, em không chịu được áp lực, mức lương thấp trong khi một số doanh nghiệp tuyển các công việc khác, thu nhập tốt hơn.
TS. Lê Nam Hải, Phó Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế lo lắng, một bộ phận không nhỏ sinh viên sau khi ra trường có đôi chút ảo tưởng về mức lương. Họ kỳ vọng vào mức lương cao so với năng lực bản thân, vì vậy khi không thỏa mãn, họ quyết định nhảy việc. Điều này dễ bắt gặp hơn ở sinh viên các gia đình có nguồn lực tốt hơn. “Có nhiều trường hợp đang còn ảo tưởng về bằng cấp, ngôi trường, ngành mình vừa tốt nghiệp là “hot”. Thế nên, họ không hài lòng với mức lương doanh nghiệp trả để rồi tìm “bến đỗ” mới. Đây là thực trạng chung”, TS. Hải nói về lý do nhảy việc của những sinh viên mới ra trường.
Theo các nhà tuyển dụng và cả đơn vị đào tạo, trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hiện nay, chuyện nhảy việc có thể xem như “thuận mua, vừa bán”, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy, không chỉ từ phía doanh nghiệp phải tuyển lại nhân lực. Đại diện nhiều công ty chia sẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhiều thời gian để khẳng định bản thân, chuyện nhảy việc của người trẻ tạo một ấn tượng xấu cho các nhà tuyển dụng. Bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng trân trọng và muốn nhân viên mình gắn bó, đồng cam cộng khổ đến khi doanh nghiệp phát triển hơn. Tâm lý nhảy việc của sinh viên mới ra trường khiến nhiều công ty lớn mất lòng tin về độ “chung thủy” với doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp ngại nhận hồ sơ xin việc của sinh viên vừa ra trường.
Doanh nghiệp khi đồng ý tuyển dụng xác định nếu làm tốt việc thì sử dụng nhân lực luôn, nếu làm chưa tốt sẽ đào tạo, bồi dưỡng thêm. Vì vậy, doanh nghiệp rất ngại tuyển rồi mất công đào tạo một thời gian ngắn họ lại bỏ, tìm việc khác. Tại sự kiện trực tuyến với chủ đề “Nghề nghiệp sinh viên Việt Nam 2022”, bà Ninh Trần, Giám đốc nhân sự INSEE Việt Nam cho biết, đây là bài toán đau đầu với các doanh nghiệp khi họ bỏ nhiều công sức đào tạo và phải liên tục đào tạo lại khi nhân sự liên tục nhảy việc.
Cuốn vào “vòng xoáy” nhảy việc, nhiều sinh viên sau ra trường quên đi họ cần học thêm kỹ năng, kinh nghiệm từ môi trường thực tế. Họ cũng mất phương hướng khi muốn tìm một công việc tốt cho mình. Nhiều trường hợp sau vài năm ra trường vẫn chưa đảm bảo được tính ổn định lâu dài, chưa hài lòng với mức lương. Điều đó cũng có thể dẫn đến tâm lý chán nản, nhiệt huyết công việc giảm và họ cũng dần thu hẹp cơ hội tuyển dụng.
Định hướng ngay từ khi còn học
Câu chuyện nhảy việc từ giới trẻ, sinh viên mới ra trường là bài toán khiến nhiều doanh nghiệp phàn nàn. Giải pháp khắc phục tức thời rất khó, nhưng rõ ràng cần vai trò định hướng tốt hơn từ nhà trường, doanh nghiệp.
Với xu hướng ngày càng kết nối sâu rộng giữa nhà trường và doanh nghiệp, cần có sự phối hợp tốt hơn giữa hai bên. Nhất là định hướng nghề nghiệp cho sinh viên, bên cạnh việc trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp với văn hóa, yêu cầu từ doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Ngoài ra, cần đẩy mạnh khâu đào tạo, thực hành, thực tế gắn với doanh nghiệp, phát triển các học kỳ trong doanh nghiệp, tránh tổ chức các ngày hội việc làm nhưng còn mang tính hình thức.
Quan trọng nhất vẫn là nhận thức từ phía sinh viên mới ra trường. Nhiều chuyên gia khẳng định, tài sản lớn nhất của sinh viên mới ra trường chỉ là tấm bằng tốt nghiệp và một vài kinh nghiệm từ công việc bán thời gian. Song hiện nay, với nhiều đơn vị tuyển dụng, họ thậm chí còn chẳng cần đến tấm bằng mà quan tâm nhiều hơn đến thái độ nghiêm túc và sự chủ động, trách nhiệm trong công việc. Khi đi làm, một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định thu nhập chính là thái độ và luôn nỗ lực. Vì vậy, bạn trẻ, nhất là sinh viên mới ra trường cần suy nghĩ kỹ trước khi ứng tuyển các vị trí việc làm.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/vong-xoay-nhay-viec-a115935.html