Giáo dục vùng khó 'thay da đổi thịt'

Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW, các cơ sở giáo dục ở Đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ.

Cô trò tiểu học TP Mỹ Tho (Tiền Giang) trong ngày khai giảng. Ảnh: X. Uyên

Cô trò tiểu học TP Mỹ Tho (Tiền Giang) trong ngày khai giảng. Ảnh: X. Uyên

Nắm bắt tinh thần đổi mới, những khó khăn ban đầu dần được khắc phục, tạo nên chuyển biến tích cực trong GD-ĐT.

Cơ hội cho giáo dục vùng khó

Nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn, UBND tỉnh Tiền Giang đã trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết quan trọng về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo cũng như hỗ trợ giáo dục vùng khó và thu hút giáo viên.

Theo ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, giáo dục tỉnh đạt nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới các trường được xây dựng rộng khắp. Trường, lớp trung tâm dạy nghề phát triển dưới nhiều hình thức.

Số trường lớp được xây dựng mới theo chuẩn quốc gia ngày càng tăng. Chất lượng dạy và học tiếp tục đảm bảo. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học, bậc học từng bước củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa trình độ đào tạo...

Là địa phương còn nhiều khó khăn, từ khi triển khai Nghị quyết 29, ngành Giáo dục Sóc Trăng thực sự “thay da đổi thịt”. Nổi bật là tổng chi ngân sách cho giáo dục hằng năm bảo đảm so với yêu cầu tối thiểu 20% tổng chi ngân sách tỉnh. Một số đơn vị, địa phương mạnh dạn đầu tư cho sự nghiệp giáo dục từ 30% đến 46% ngân sách địa phương; qua đó nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo...

Theo ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, Nghị quyết 29 được tỉnh triển khai sâu rộng và thực sự đi vào đời sống. Qua đó, chất lượng giáo dục từng bước nâng lên; cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng, chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, đủ năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới để thực hiện Chương trình GDPT 2018. Công tác quy hoạch đào tạo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đến nay, theo Luật Giáo dục 2019, tỷ lệ đạt chuẩn của cán bộ quản lý là 100%...

Trường Tiểu học Phú Mỹ C (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng khang trang đưa vào sử dụng năm học 2023 - 2024. Ảnh: X. Lương

Trường Tiểu học Phú Mỹ C (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng) được đầu tư xây dựng khang trang đưa vào sử dụng năm học 2023 - 2024. Ảnh: X. Lương

Phát huy tinh thần đổi mới

Nghị quyết 29 đi vào đời sống và tạo nên chuyển biến tích cực về GD-ĐT. Tuy nhiên, theo lãnh đạo các địa phương, cán bộ quản lý, giáo viên cần nỗ lực, linh động hơn nữa để tiếp tục phát huy nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh tổ chức, địa phương xác định còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như: Công tác xã hội hóa giáo dục; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS; giáo dục đạo đức học sinh…

Tỉnh đồng thời đề ra mục tiêu khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; hạn chế học sinh bỏ học giữa chừng; giải pháp nâng cao chất lượng, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT; nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia…

Ông Ngô Chí Cường - Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh cho biết: Tỉnh tiếp tục quán triệt quan điểm “giáo dục là quốc sách”. Thời gian tới, các cấp, ngành, hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Trong đó, quan tâm phân bổ nguồn lực cho giáo dục đúng quy định; đầu tư cơ sở vật chất trường lớp hiện đại, đáp ứng xu hướng phát triển. Huy động các nguồn lực xã hội hóa trong hoạt động giáo dục.

Tiếp tục đưa chỉ tiêu về giáo dục và đào tạo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Quyết tâm cao với nội dung cốt lõi “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục bắt đầu từ đổi mới con người”, chú trọng đổi mới quản lý giáo dục, cách dạy và học phù hợp…

Chia sẻ một số bài học, kinh nghiệm trong quá trình triển khai Nghị quyết 29, ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang cho hay: Trước hết, cần quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, có năng lực và trình độ chuyên môn đạt chuẩn, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết và tận tụy với nghề, là tấm gương cho học sinh noi theo. Đây là điều kiện quan trọng để thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo.

Mặt khác, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cần đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; phải gương mẫu, thường xuyên học tập để nâng cao trình độ, năng lực và phẩm chất, có khả năng quy tụ và lãnh đạo tập thể hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, công tác truyền thông giáo dục, vận động cần tiến hành thường xuyên, liên tục; hình thức tuyên truyền phong phú, nội dung, thông điệp thiết thực, gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng.

Quan tâm triển khai có hiệu quả việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua sâu rộng trong giáo viên, học sinh; làm tốt công tác khen thưởng để động viên kịp thời và tạo động lực phấn đấu cho giáo viên, học sinh; thúc đẩy các hoạt động quản lý, dạy và học trong nhà trường.

“10 năm qua, công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức từ các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo chuyển biến tích cực; đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2015. Các cơ sở giáo dục phổ thông vận dụng hiệu quả những thành tố tích cực của mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Hằng năm, trên 99% học sinh tiểu học, trung học hoàn thành chương trình”. - Bà Nguyễn Thị Bạch Vân - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh

Quốc Ngữ

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-vung-kho-thay-da-doi-thit-post660841.html