Giáo dục | Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Sau nửa năm triển khai Dự án khoa học kĩ thuật 'Nâng cao năng lực giao tiếp cho học sinh dân tộc thiểu số qua rèn luyện sự tự tin trong giao tiếp trước đám đông' đã bước đầu đem lại hiệu quả rõ nét. Giúp các em thay đổi hành vi từ bị động sang thế chủ động, từng bước khẳng định được giá trị bản thân và lòng tự tôn dân tộc.

Năm học 2021 - 2022, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh có 398 học sinh. Trong đó, có nhiều em từ các huyện xa về học như: Nậm Nhùn, Mường Tè, Sìn Hồ… Vì vậy, không ít em vẫn thiếu các kỹ năng thực hành, giao tiếp, giải quyết vấn đề, đối phó với những khó khăn trong cuộc sống... Chính vì thiếu nhiều kỹ năng nên các em luôn rụt rè, thiếu tự tin trong cuộc sống.

Để khắc phục tình trạng trên, năm học 2021-2022, dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hạnh, 2 học sinh Vàng Văn Dũng (Chi đoàn 12C1) và Giàng Thị Hải Hà (Chi đoàn 12C2) đã thực hiện Dự án "Nâng cao năng lực giao tiếp cho học sinh dân tộc thiểu số qua rèn luyện sự tự tin trong giao tiếp trước đám đông”. Dự án đưa ra những giải pháp cụ thể đó là: Nâng cao năng lực giao tiếp của học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm; làm MC (dẫn chương trình) của Nhà trường; phát thanh viên cho Trường. Tổ chức các câu lạc bộ làm chủ giọng nói; các buổi giao lưu học hỏi với các đơn vị trường bạn trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tổ chức các cuộc thi tranh biện, thiết kế video chia sẻ về quá trình bản thân đã trở lên tự tin hơn khi tham gia Dự án. Xây dựng trang fanpage "Lắng nghe chính mình", đăng tải tiến trình và kết quả từ các cuộc thi…

Học sinh Trường PTDTNT tỉnh rèn luyện sự tự tin khi tham gia giao lưu với Câu lạc bộ nhảy của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và Trường THPT thành phố Lai Châu. Ảnh tư liệu

Được sự đồng ý, giúp đỡ của Đoàn trường, Nhóm Dự án đã đứng ra tổ chức các câu lạc bộ nghệ thuật (múa, hát nhảy, nhạc cụ, văn học, hội họa...); Câu lạc bộ thể thao (bóng đá, bóng chuyền, đá cầu, cầu lông,...). Từ đó, tạo ra sân chơi bổ ích để kích thích sự sáng tạo, phát huy tối đa tài năng của từng cá nhân trong từng lĩnh vực mình yêu thích.

Khi thành lập được câu lạc bộ, các em đã chủ động liên lạc với các câu lạc bộ của những đơn vị trường bạn trên địa bàn thành phố Lai Châu để tổ chức giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng trong hoạt động ngoại khóa... Tiêu biểu mới đây là buổi giao lưu giữa Câu lạc bộ nhảy của Trường PTDTNT tỉnh với Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn và Trường THPT thành phố Lai Châu. Buổi giao lưu đã mang lại cho học sinh Trường PTDTNT một “làn gió mới”, giúp các em có thêm sự tự tin và thể hiện năng khiếu của mình. Với tài năng của mình, nhóm nhảy đã nhận được lời mời tham gia biểu diễn tại chợ đêm San Thàng và được giao lưu cùng các đơn vị trường bạn trong các ngày lễ, kỷ niệm của các trường...

Em Giàng Thị Hải Hà chia sẻ, với vai trò là người xây dựng ý tưởng phát triển Dự án khoa học kĩ thuật, những ngày đầu, chúng em tích cực tuyên truyền tới toàn thể học sinh trong trường vào những buổi sinh hoạt cuối tuần về chủ đề “Hãy tự tin là chính mình”. Hay qua những bài phát thanh vào mỗi buổi sáng trên trường, bất cứ học sinh nào có mong muốn thử sức với công việc phát thanh viên chúng em đều xin phép thầy tổng phụ trách Đội trường để các bạn tham gia. Sau mỗi hoạt động như vậy, các bạn phát thanh viên được tiếp xúc với lĩnh vực mình yêu thích. Từ đó nhận thức được năng lực của bản thân, được trải nghiệm sự đam mê của mình qua từng công việc... Bên cạnh đó, chúng em cũng tổ chức các buổi chiếu phim mang chủ đề tự tin, cổ vũ các bạn học sinh mạnh mẽ trước mọi khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống... từ đó, thúc đẩy khát khao, cố gắng để tự tin hơn để nắm bắt được những cơ hội vươn tới thành công trong cuộc sống.

Cuộc thi hùng biện giúp các em học sinh dân tộc thiểu số tự tin thể hiện bản thân mình trước đám đông. Ảnh tư liệu

Với sự giúp đỡ của Ban lãnh đạo nhà trường, Cuộc thi Trường Teen - cuộc thi hùng biện dành cho học sinh Trường PTDTNT tỉnh đã thu hút khá đông học sinh tham gia. Các bạn được mạnh dạn đưa ra những quan điểm riêng của mình về 2 vấn đề "Tự tin trong giao tiếp do rèn luyện" và "Tự tin trong giao tiếp do bẩm sinh". Các thầy cô trong trường đã đồng hành cùng học sinh trong từng bước đi, nên đã tạo ra một sân chơi bổ ích, hấp dẫn. Đồng thời, nhóm Dự án cũng chủ động mời các cựu học sinh của nhà trường để được nghe, trao đổi những kinh nghiệm trong việc chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và khả năng. Từ những khó khăn, thử thách mà các anh chị đã phải đối mặt sau khi rời xa vòng tay của thầy cô và cha mẹ, để đạt được những thành công như hiện tại. Những chia sẻ chân thực ấy, phần nào đã tác động vào suy nghĩ của mỗi học sinh, giúp các bạn có thêm động lực, tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Cô Nguyễn Thị Thúy Hạnh - giáo viên trực tiếp hướng dẫn các em triển khai Dự án chia sẻ: Sự tự tin là một trong những kỹ năng sống rất cần thiết cho mỗi học sinh, giúp các em thành công trong mọi hoàn cảnh. Do đó, gần 20 năm gắn bó với mái Trường PTDTNT tôi nhận thấy, hầu như tất cả học sinh từ các địa phương về học đều có điểm chung đó là thiếu tính mạnh dạn, tự tin trong học tập và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Do đó, khi các em đề xuất ý tưởng, tôi rất đồng tình. Ngôi trường chính là môi trường tốt nhất cho các em hình thành và tôi luyện kỹ năng. Sau nửa năm học triển khai Dự án, hầu hết các học sinh tham gia đều có sự chuyển biến tích cực. Không còn tâm lý chần chừ, e ngại. Các em thẳng thắn bày tỏ quan điểm trong mỗi vấn đề, nâng cao khả năng xử lí tình huống và làm việc nhóm hiệu quả. Nhiều em có tính tự chủ và hoàn thành những công việc được giao khá xuất sắc”

Em Lù A Vả - học sinh Chi đoàn 12C2 tâm sự: Được mời tham gia Dự án, lúc đầu em cũng rất ngại. Bản thân là học sinh khá song em ít khi xuất hiện trước đám đông. Khi trình bày vấn đề trong học tập, mặc dù em hiểu rất rõ, nhưng khi diễn đạt thường lúng túng và không có logic. Nhờ các bạn cùng lớp cũng như thầy cô tận tình chỉ bảo, hướng dẫn, em có cơ hội được rèn luyện thường xuyên. Đến nay, em có thể trình bày vấn đề và đưa ra quan điểm, chính kiến của mình và cảm nhận được sự thu hút của các bạn mỗi khi trình bày. Đặc biệt, em không còn cảm giác hồi hộp, lo lắng như trước nữa. Em cũng mong Nhà trường tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để các bạn được tham gia và khắc phục tâm lý thiếu tự tin như em trước đây.

Học sinh Trường PTDTNT tỉnh tích cực tham gia các câu lạc bộ thể thao bóng chuyền hơi để được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Ảnh tư liệu

Hòa mình vào một số hoạt động ngoại khóa của học sinh Trường PTDTNT tỉnh, chúng tôi cảm nhận được sự thân thiện, cởi mở giữa thầy và trò; sự tự tin, chủ động sáng tạo trong học tập. Cô giáo Nguyễn Thị Thúy Hạnh cho biết thêm, đồng hành và tạo mọi điều kiện để các em thực hiện các phần việc của Dự án, sau 1 kỳ học tập, đến nay Dự án bước đầu đã có những thành công nhất định. Số lượng học sinh tham gia ngày càng tăng. Và một điều dễ nhận thấy ở các em đó là sự tự tin, năng động và hoạt bát hơn nhiều so với ngày đầu mới nhập trường. Các em đã dần khẳng định được bản thân khi chuyển từ thế bị động sang thế chủ động trong lĩnh vực giao tiếp, nhận được sự tin tưởng của các bạn học sinh trong trường. Đó cũng là một những là điều kiện quan trọng để giúp nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học. Đặc biệt, thực hiện tốt các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực” mà ngành Giáo dục đã đề ra.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c/r%C3%A8n-luy%E1%BB%87n-s%E1%BB%B1-t%E1%BB%B1-tin-cho-h%E1%BB%8Dc-sinh-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-n%E1%BB%99i-tr%C3%BA