Giáo dục ý chí bản thân là sự giáo dục cao nhất

Cuộc hành trình đời người của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân tưởng chừng là 'một chuỗi thiếu may mắn'. Nhờ 'đứa trẻ' trong bản thể sơ khai của anh là 'sự vô tư', mà anh đón nhận những khó khăn thách thức của cuộc đời như một phần thưởng.

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân.

Nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân.

Vì thế, với nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân, “ý chí” và “nghị lực” như những người bạn đồng hành trên con đường đi tìm chân lý cuộc sống. Mà chân lý không ở đâu xa, khi nó nằm ngay trong trái tim mỗi người.

Xuất hiện trước công chúng với các hoạt động nghệ thuật thị giác nhiều ấn tượng, khi đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, sau 20 năm lăn lộn, gắn kết với TPHCM, Nguyễn Quốc Dân quyết định quay trở về quê hương Hội An, trong tay chỉ còn hơn chục triệu đồng, bên cạnh là mẹ và vợ, bắt đầu một cuộc sống mới, khởi nguồn dòng chảy nghệ thuật mới, một cách vô tư, hồn nhiên.

Ở Hội An yêu dấu, giữa bộn bề khó khăn thử thách, trong khi nỗ lực tự tay dựng lại xưởng vẽ, nhặt nhạnh từng đồ cũ bỏ đi trên mảnh đất người bạn thân cho mượn với giá “0 đồng”, để anh và gia đình có chỗ ở và anh có chốn sáng tác ổn định, Nguyễn Quốc Dân cùng lúc vẫn tiếp tục thực hành các ý niệm tư tưởng nghệ thuật để rồi từ đó, tạo nên những dấu ấn khác biệt. Khi trên người còn mặc áo quần “tự chế”, túi cũng may lại từ lưới đánh cá hỏng, đính lủng lẳng các loại nắp hộp phế thải, Dân vẫn chở lương thực thực phẩm trên xe máy cà tàng, hỗ trợ từng người dân nghèo ngoại ô, khi bệnh dịch, lúc thiên tai, hay cứu mạng những chú chó nhỏ trong khi chính anh cũng chưa dư giả gì.

Cuộc sống luôn chứa đựng những khó khăn, thách thức, thế nhưng, một bộ phận người trẻ đang tỏ ra yếu đuối về ý chí và nghị lực sống. Chính vì thế, việc rèn luyện sức mạnh tinh thần, trước hết, đưa các bạn trẻ vượt qua được những áp lực trước mắt, dần có sức mạnh để đạt được những mục tiêu xác định, góp phần phát triển bản thân cũng như xã hội, đang là việc cấp bách cần làm.

Nguyễn Quốc Dân nói, anh coi lòng biết ơn như đức tin của chính mình: “Nhờ xem lòng biết ơn như một đức tin, nên tôi nhận biết và thấy được chính mình luôn hiện hữu trong tất cả các tác phẩm mình sáng tạo từ rác thải, phế liệu. Bởi bản chất của sáng tạo trước tiên phải hiểu là luôn có sự kế thừa. Khi chúng ta kế thừa nghĩa là chúng ta đã mang ơn. Có vậy để được sáng tạo thì lòng biết ơn phải được nhắc đến rất trân trọng như “đấng tối cao” truyền thừa những giá trị sáng tạo cho chúng ta. Với tôi, tôi mang ơn tất cả những gì hiện hữu và không hiện hữu trên thế giới mà tôi cảm nhận được”.

Xưởng tái chế phế liệu của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân.

Xưởng tái chế phế liệu của nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân.

Dù có nhiều điều xảy ra không như ý, Nguyễn Quốc Dân đã rèn luyện ý chí để tiếp tục hành trình của mình. Anh cho rằng: “Ông bà ta có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Lao động sáng tạo nghệ thuật cũng không nằm ngoài hàm ý của câu này. Chính nhờ các tác động không như mong muốn nên tôi mới rèn luyện của ý chí của chính mình để vững vàng trước cơn sóng gió của cả đời sống và trong nghệ thuật.

Sáng tạo nghệ thuật ở bất kỳ thời đại nào cũng có thể gói gọn bởi “cơm, áo, gạo tiền”, nhưng nếu sáng tạo mà ta chỉ nghĩ vậy trước khi ra quyết định sáng tác thì thật sự không còn một chút cảm hứng nào. Vậy nên trước tiên tôi phải tin vào chính tôi và con đường tôi chọn thông qua học thuật và nghiên cứu. Tin vào các giá trị cộng sinh mà mình mang lại lợi ích cho cộng đồng và xã hội. Đặt lợi ích tính đại thể lên trên tính cá thể để làm động lực cho sự sáng tác bền vững”.

Đến với chuỗi tác phẩm từ “Rác hay phế liệu tái sinh” (mà Nguyễn Quốc Dân tạm gọi là Nghệ Thuật Tái Sinh) vì muốn cảm ơn rác, phế liệu… đã từng cưu mang anh qua những chuỗi ngày thơ ấu bần cùng nhất.

Về thực trạng hiện nay của xã hội và những tác động đến với giới trẻ, từ góc nhìn cá nhân, Nguyễn Quốc Dân thấy rằng, biểu đồ biến thiên về vận động và các tác động xã hội chắc chắn luôn như ngọn sóng, có lúc lên, có lúc xuống và nó cứ thế tiếp tục: “Xã hội là một chuỗi nhu cầu diễn tiến mà giới trẻ hay người cao tuổi theo tôi là thiệt thòi nhất cho dù ở bất kể ở một xã hội hay thời kỳ nào, bởi lẽ các tác động đó đều do thế hệ đi trước là người lớn trước đó tạo nên. Chúng ta nên cảm thông và thấu cảm với các bạn trẻ hiện nay hơn là trách móc.

Theo tôi một xã hội “vượt sướng" khó hơn “vượt khổ” bởi vì… sướng nhất thì không có gì “sướng hơn” nhưng “khổ nhất” thì có thể “sướng hơn”. Người lớn chúng ta nên tự trách vào năng lực điều phối sự vận động của xã hội thay vì trách móc giới trẻ. Và tôi luôn tin thế hệ trẻ kế tiếp sẽ dư nghị lực bản lĩnh sống, dễ dàng vượt qua nhiều cám dỗ trong xã hội và hướng tới một xã hội đầy bao dung và nhân ái. Và thế là các bạn trẻ sẽ giảm thiểu sự trầm cảm. Tôi luôn tin là như vậy”.

Với nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân, ý chí không tự nhiên mà có. Ý chí chỉ có khi và chỉ khi ta thấy được tầm quan trọng của sự biết ơn và cho đi trong việc nhận biết, để thay đổi, mà anh hay gọi là “tái sinh” bên trong mình. “Khi ta thay đổi, chúng ta sẽ tái sinh chạm tới ý chí và sự quyết tâm. Tôi nhận thấy giáo dục ý chí bản thân là giáo dục cao nhất, vì thế để có được ý chí mạnh mẽ trong sáng tạo nghệ thuật, tôi thường “giáo dục” tôi từ bên trong của chính mình.

Và thường thì tôi đề ra các nguyên tắc cụ thể trong nguyên tắc sáng tạo để mình tuân thủ giáo dục cho ý chí của mình đi đúng định hướng. Có vậy tôi có thể dễ dàng kiến tạo nên giá trị nghệ thuật với những nguyên tắc sáng tác của riêng mình. Và nếu làm tốt được việc này thì tôi dễ dàng điều khiển cuộc đời mình theo ý mình mong đợi. Có vậy tôi có thể dễ dàng chủ động vẽ nên cuộc hành trình nghệ thuật cho nhiều cuộc đời “phế liệu” được tái sinh một lần nữa”, Nguyễn Quốc Dân chia sẻ.

Thời gian tới, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Dân sẽ ra mắt triển lãm cá nhân tại TPHCM. Đây là một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật, cũng như đánh dấu sự “chuyển dịch” từ sáng tác hội họa sang một bước ngoặt hoàn toàn mới của anh, là sáng tác dựa trên chất liệu là rác thải và phế liệu - “Nghệ thuật Tái sinh”.

Việt Quỳnh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giao-duc-y-chi-ban-than-la-su-giao-duc-cao-nhat-10287013.html