Giáo dục Yên Bái sau một năm đổi mới
Năm 2023 là năm quan trọng thực hiện đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và cũng là tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Yên Bái đã đẩy mạnh đổi mới và bứt phá trong lĩnh vực giáo dục để tạo ra một môi trường học tập tiên tiến, phù hợp với nhu cầu phát triển.
Quan tâm điều kiện triển khai đổi mới
Một trong những thành công nổi bật của Yên Bái trong lĩnh vực giáo dục là việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng. Đây là điều kiện cơ bản để thực hiện đổi mới giáo dục.
Mạng lưới, quy mô trường, lớp học tiếp tục được rà soát, sắp xếp hợp lý, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và phù hợp với thực tiễn. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học theo hướng chuẩn hóa, từng bước hiện đại.
Ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tăng lên so với nhiệm kỳ trước (nhiệm kỳ trước chiếm 27,8% tổng chi ngân sách toàn tỉnh, nhiệm kỳ này tăng lên 31,8%, riêng năm 2023 chiếm 33%; trong số đó, chi cho đầu tư chiếm gần 20%). Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 90%; toàn tỉnh có 326 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 73,8% (tăng 8,7% so với năm học trước; trong đó, có 56 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II); theo các đề án của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn 100%.
Thực hiện tốt các chính sách của tỉnh hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục (tính riêng kinh phí hỗ trợ cho nhân viên dinh dưỡng và học sinh là gần 46 tỷ đồng). Chất lượng, hiệu quả giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên, duy trì hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú.
Ngành GD&ĐT đã quan tâm đổi mới công tác quản lý, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ như rà soát, sắp xếp hợp lý đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên; tích cực, chủ động triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa mới đảm bảo đúng lộ trình và yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Nhiều chính sách nhân văn
Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho thượng tầng kiến trúc - đó là điều đúng đắn mà Yên Bái đã mạnh dạn thực hiện thông qua việc ban hành những chính sách nhân văn cho giáo dục thời gian qua. Hàng năm, HĐND tỉnh đều xem xét điều chỉnh hoặc ban hành các chính sách hỗ trợ phù hơp với tình hình thực tế tại địa phương thúc đẩy nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, khuyến khích giáo viên, học sinh, từ đó giáo dục đã được nâng lên, tạo điều kiện cho học sinh ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đến trường, tiếp cận giáo dục, giảm bớt khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng khó khăn với vùng thuận lợi.
Bên cạnh đó, hoạt động giáo dục đặc thù của các trường phổ thông dân tộc bán trú phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ huy động và duy trì số lượng học sinh ra lớp; chất lượng giáo dục ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từng bước được cải thiện.
Công tác bồi dưỡng đội tuyển tham gia các kỳ thi học sinh giỏi được quan tâm, đầu tư nhiều hơn... Đặc biệt, Yên Bái còn có chính sách chuyển vùng cho giáo viên theo nguyện vọng từ vùng khó về vùng thuận lợi.
Đây là chính sách rất nhân văn khi mà toàn tỉnh có gần 6.000 cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chiếm 45,7% số giáo viên trong toàn ngành giáo dục. Đa số các thầy, cô giáo đều gắn bó với vùng cao từ 10 năm trở lên. Chính sách thực sự là nguồn động viên to lớn đối với những giáo viên đang công tác tại vùng khó khăn của tỉnh tiếp tục cống hiến, động viên thầy cô gắn bó với sự nghiệp trồng người của tỉnh. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh bố trí kinh phí 1.543 tỷ đồng để triển khai các đề án, dự án, giải ngân 1.021 tỷ đồng (đạt 66,2%) và hiện đang triển khai rất hiệu quả.
Linh hoạt bài toán thiếu giáo viên
Cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước, năm qua, Yên Bái vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên, tuy tỉnh đã cho chỉ tiêu tuyển dụng nhưng nguồn tuyển còn khó khăn, nhất là đối với giáo viên tiếng Anh và Tin học. Tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tiếng Anh, nhất là các huyện vùng cao như: biệt phái giáo viên tiếng Anh ở vùng thấp lên vùng cao; có chính sách thu hút giáo viên tiếng Anh công tác tại các huyện vùng cao; phối hợp với Đại học Thái Nguyên tổ chức đào tạo cử nhân sư phạm Anh ngữ theo hình thức cử tuyển ngay tại tỉnh; nhờ sự hỗ trợ của ngành GD&ĐT Nam Định dạy trực tuyến cho 5/9 huyện, thị, thành phố - với tới đây sẽ tiếp tục nhờ sự hỗ trợ của ngành GD&ĐT thành phố Hà Nội dạy tiếng Anh trực tuyến cho các trường tiểu học, THCS theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bố trí, sắp xếp giáo viên dạy liên trường tại các trường thiếu giáo viên bộ môn. Yên Bái cũng ban hành chính sách thu hút giáo viên làm việc tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn... Bậc học mầm non ở nhiều địa phương vùng cao đã huy động tới sự giúp đỡ của phụ huynh làm các công tác như nấu ăn hoặc phụ giúp giáo viên chăm sóc trẻ…
Chú trọng văn hóa học đường và chuyển đổi số
Ngành GD&ĐT cũng đi đầu trong chuyển đổi số (CĐS) và thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy về nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, đến nay, 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng mô hình CĐS trong trường học với 10 tiêu chí cụ thể. Cùng với đó, tiếp tục nhân rộng mô hình "Trường học hạnh phúc” với 3 giá trị cốt lõi là "yêu thương, an toàn, tôn trọng”.
Đến nay, toàn tỉnh có 296 trường được công nhận đạt tiêu chí "Trường học hạnh phúc” (chiếm 66,9% tổng số trường, vượt 16,9% so với chỉ tiêu kế hoạch). Các thầy cô tích cực cải thiện phương pháp giảng dạy và chương trình học. Ngành GD&ĐT đã thúc đẩy sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy, khuyến khích giáo viên sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại để tăng cường sự tương tác và sáng tạo trong lớp học.
Nhờ vào những nỗ lực này, học sinh ở Yên Bái đã có cơ hội tiếp cận kiến thức mới nhất và phát triển các kỹ năng cần thiết để thành công trong thế giới hiện đại. Không chỉ dừng lại ở việc cải thiện chất lượng giáo dục trong các trường học, Yên Bái còn tạo ra môi trường thúc đẩy sự sáng tạo và khởi nghiệp trong giới trẻ thông qua các hoạt động ngoại khóa tại các đơn vị nhà trường; các hoạt động hội thảo do Sở GD&ĐT tổ chức. Đồng thời, Yên Bái cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tổ chức đầu tư vào giáo dục, từ đó tạo ra nguồn lực mạnh mẽ cho giáo dục Yên Bái phát triển.
Nhờ những nỗ lực đổi mới và bứt phá trong lĩnh vực giáo dục, Yên Bái đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng lên với những thành tích cao. Kết quả kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2023, Yên Bái đứng thứ 5/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 27/63 tỉnh, thành.
Kết quả tốt nghiệp THPT đạt 98,87% với điểm trung bình đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng. Tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Chất lượng giáo dục đã được cải thiện, môi trường học tập đã trở nên tiên tiến và phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/306331/giao-duc-yen-bai-sau-mot-nam-doi-moi.aspx