Giáo hội cấp quận, huyện, thị xã sẽ không còn các ban chuyên môn trực thuộc

Hiến chương GHPGVN là văn kiện quan trọng, định hướng mọi hoạt động đối nội cũng như đối ngoại của Giáo hội. Từ khi thành lập (1981) đến nay, văn kiện này đã qua 7 lần tu chỉnh, trong đó lần sửa đổi thứ 7 có sự điều chỉnh, bổ sung nhiều nội dung nhất so với các lần trước.

Nhân dịp Giáo hội phổ biến và hướng dẫn áp dụng Hiến chương sửa đổi lần thứ 7, Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN về một số vấn đề được Tăng Ni quan tâm.

* Sau 9 kỳ Đại hội, GHPGVN đã có 7 lần sửa đổi Hiến chương. So với các lần sửa đổi trước đây, theo Thượng tọa, lần sửa đổi thứ 7 của Hiến chương lần này, nội dung nào là quan trọng nhất?

- Thượng tọa Thích Đức Thiện: Như chúng ta biết, Hiến chương là văn kiện quan trọng định hướng mọi hoạt động của Giáo hội. Là một tổ chức tôn giáo đồng hành với dân tộc, gắn bó với sự phát triển của đất nước, việc sửa đổi nhằm hoàn thiện Hiến chương theo hướng phù hợp với Hiến pháp, pháp luật Nhà nước liên quan, đặc biệt là Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 cũng như các quy định pháp lý hiện hành là một việc làm cần thiết, thể hiện sự phát triển của tổ chức GHPGVN. Việc sửa đổi Hiến chương này cũng nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tầm nhìn, định hướng tương lai hoạt động Phật sự của Giáo hội.

Là người được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN phân công trách nhiệm nội dung của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, trong đó có phần tiếp thu các ý kiến góp ý sửa đổi Hiến chương, theo tôi, lần sửa đổi thứ 7 được thông qua tại Đại hội IX vừa rồi có sự điều chỉnh nhiều nhất từ khi Hiến chương ra đời cho tới nay. Cụ thể, Hiến chương sửa đổi lần 7 có 14 chương, bao gồm Lời nói đầu và 87 điều (nhiều hơn 1 chương và 16 điều so với Hiến chương sửa đổi lần thứ 6).

Mọi sự điều chỉnh đều có lý do chính đáng, ý nghĩa thiết thực và sự cần thiết từ yêu cầu thực tiễn, tuy nhiên, nếu cần phải nhấn mạnh đến nội dung sửa đổi, điều chỉnh có tính đột phá, quan trọng nhất thì có thể nói là chương IV, về Hội đồng Chứng minh và chương III.

Các nội dung được điều chỉnh, bổ sung nhằm cụ thể hóa vai trò lãnh đạo tối cao trong tổ chức tôn giáo đã có quá trình phát triển 42 năm từ khi thành lập (1981), cùng với xây dựng hệ thống tổ chức Giáo hội có 4 cấp, thay vì chỉ có 3 cấp như trước đây. Tại Điều 12, Chương III, lần đầu tiên Ban Quản trị cơ sở tự viện được chính thức là cấp cơ sở của hệ thống GHPGVN, cùng với cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp Trung ương.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPGVN

* Hiến chương sửa đổi lần thứ 7 đã được Giáo hội chính thức phổ biến từ ngày 15-3-2023 trên các phương tiện truyền thông, vậy thời gian hiệu lực, áp dụng vào đời sống sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam sẽ bắt đầu từ thời điểm nào, bạch Thượng tọa?

- Hiến chương sửa đổi lần thứ 7 đã được trình Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc GHPGVN và được Đại hội biểu quyết thông qua ngày 29-11-2022 tại Hà Nội; được Ban Tôn giáo Chính phủ phê chuẩn tại Văn bản số 2114/TGCP-PG ngày 23-12-2022; và sau đó, ngày 26-12-2022, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ký Quyết định ban hành số 600/QĐ-HĐTS.

Như vậy, Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ 7 (năm 2022) đã có hiệu lực thi hành ngay từ ngày Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự ký ban hành, tức là từ ngày 26-12-2022.

* Tại Chương VII, về GHPGVN cấp huyện, ở Điều 44, được biết với quy định của Hiến chương sửa đổi lần thứ 7 này Giáo hội cấp quận, huyện, thị xã sẽ không còn cơ cấu các ban chuyên môn (tương ứng với hệ thống cấp tỉnh, thành phố), mà sẽ chỉ là các ủy viên chuyên môn tương ứng với các ban chuyên môn của Ban Trị sự cấp tỉnh.

Ngay sau khi Hiến chương sửa đổi lần thứ 7 được phổ biến ngày 15-3-2023 vừa qua, nhiều ý kiến đã gửi về tòa soạn Báo Giác Ngộ thắc mắc Giáo hội cấp quận huyện sẽ áp dụng nội dung trên như thế nào trong bối cảnh Đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã tổ chức chưa lâu, vẫn theo hệ thống hành chánh cũ theo Văn bản số 175/QĐ-HĐTS ngày 5-9-2018 (đã cơ cấu và chuẩn y các ban chuyên môn tương ứng với các ban chuyên môn của Ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố)?

- Đây là cũng là một trong những sửa đổi, điểm mới ở Hiến chương lần thứ 7 này đối với một trong 4 cấp thuộc hệ thống tổ chức của Giáo hội. Theo đó, căn cứ theo quy định về tổ chức tôn giáo trực thuộc trong hệ thống tổ chức GHPGVN tại khoản 2, Điều 12, Chương III; và Điều 30, Chương V của Hiến chương sửa đổi; tại Điều 44, Chương VII sẽ không còn quy định các Ban Trị sự cấp huyện được thành lập các ban chuyên môn mà thay vào đó là các ủy viên chuyên môn tương ứng với các Ban chuyên môn của Ban Trị sự cấp tỉnh.

Quy định này nhằm đảm bảo đúng quy định về tổ chức tôn giáo trực thuộc theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động Phật sự chuyên môn, chuyên ngành lên các ban chuyên môn của Ban Trị sự cấp tỉnh, và Trung ương.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, bởi theo quy chế trước đó, Ban Trị sự cấp quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức Đại hội và kiện toàn danh sách các ban chuyên môn nhiệm kỳ 2021-2026.

Hiến chương sửa đổi lần thứ 7 đã được ban hành, chúng ta phải có sự điều chỉnh về vấn đề này.

Trong Công văn số 108/HĐTS-VP1 ngày 17-3-2023 của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã hướng dẫn cụ thể. Theo đó, đối với các Ban Trị sự GHPGVN cấp quận, huyện đã tiến hành thành lập các ban chuyên môn tương ứng với các ban chuyên môn của Ban Trị sự cấp tỉnh sau khi đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận huyện nhiệm kỳ 2021-2026 thì trước mắt sẽ chuyển các chức danh đó thành các Ủy viên chuyên môn tương ứng và với các chức danh tương ứng là Ủy viên Trưởng, Ủy viên Phó, Thư ký Ủy viên..., sắp xếp nhân sự và trình Ban Trị sự cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc điều chỉnh chức danh, sắp xếp lại này sẽ được bắt đầu từ ngày Hiến chương có hiệu lực, cố gắng kết thúc vào quý III-2023.

* Hiến chương là một văn kiện quan trọng định hướng cho toàn bộ hoạt động đối nội cũng như đối ngoại của GHPGVN. Thượng tọa có thể thông tin thêm về lộ trình áp dụng Hiến chương sửa đổi lần thứ 7, đặc biệt là các điểm sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh trong văn kiện mới ban hành?

* Hiến chương là một văn kiện quan trọng định hướng cho toàn bộ hoạt động đối nội cũng như đối ngoại của GHPGVN. Thượng tọa có thể thông tin thêm về lộ trình áp dụng Hiến chương sửa đổi lần thứ 7, đặc biệt là các điểm sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh trong văn kiện mới ban hành?

- Về nguyên tắc, các nội dung được quy định trong Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ 7 sẽ có hiệu lực và được áp dụng triệt để ngay sau khi Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự ấn ký quyết định ban hành.

Chúng ta biết khi Hiến chương sửa đổi, đặc biệt với nhiều nội dung được bổ sung, điều chỉnh và sửa đổi trong lần thứ 7 này sẽ kéo theo sự sửa đổi, điều chỉnh các quy chế, nội quy hoạt động của các cấp thuộc hệ thống tổ chức GHPGVN. Đó là điều tất yếu.

Vừa qua, ngày 8-3-2023, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến do Hòa thượng Chủ tịch chủ trì, sự tham dự của lãnh đạo chủ chốt của Hội đồng Trị sự, các Ban, Viện Trung ương để cho ý kiến về vấn đề điều chỉnh Quy chế hoạt động của các Ban, Viện Trung ương.

Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và các Ban, Viện Trung ương đã thông qua các Quy chế, Nội quy hoạt động nhiệm kỳ 2022-2027 phù hợp với Hiến chương sửa đổi lần thứ 7. Còn lại chủ yếu là những điều chỉnh thuộc cấp thứ 3 trong hệ thống tổ chức của Giáo hội đối với các ban chuyên môn thành các ủy viên chuyên môn thuộc Ban Trị sự quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tôi nghĩ vấn đề này không phức tạp, nên bắt đầu tiến hành và kết thúc trước Hội nghị giữa năm của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự vào giữa năm 2023, nơi nào khó khăn thì sẽ kết thúc trong quý III của năm nay.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các nội dung sửa đổi của Hiến chương, nếu gặp phải vấn đề phát sinh khó khăn cần giải quyết thì các đơn vị báo cáo lên cấp quản lý trực tiếp để được hướng dẫn giải quyết.

* Ngoài những nội dung trên, Thượng tọa có lưu ý gì thêm, liên quan tới Hiến chương sửa đổi lần thứ 7 của Giáo hội?

- Hiến chương là văn kiện quan trọng nhất, định hướng cho mọi hoạt động của hệ thống tổ chức GHPGVN. Với sự sửa đổi lần thứ 7, nhiều nội dung mới được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu phát triển. Do đó, tất cả chúng ta, những thành viên của GHPGVN được phân công Phật sự trong các tổ chức, các cấp Giáo hội dành sự quan tâm nghiên cứu để có một nhận thức đúng và đủ nhằm thực hiện, góp phần trang nghiêm Giáo hội và xây dựng đất nước, đưa ý chí của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX vào đời sống thực tiễn.

Tất cả những sửa đổi trong 14 chương, bao gồm Lời nói đầu và 87 điều của Hiến chương GHPGVN ở lần tu chỉnh thứ 7 này đều căn cứ nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử phù hợp với các bộ luật được Nhà nước ban hành, nhằm bảo hộ cho hoạt động tín ngưỡng và niềm tin tôn giáo chính đáng của Tăng Ni, Phật tử, tín đồ Phật giáo theo quy định của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.

* Nhân dịp này, xin có một câu hỏi bên lề, đó là vừa qua Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực từ ngày 19-3-2023, và trước chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là sẽ tổng kiểm tra việc quản lý tiền công đức trên toàn quốc, thí điểm từ tỉnh Quảng Ninh. Giáo hội cũng đã có văn bản hướng dẫn, dịp này Thượng tọa có thông tin hoặc lưu ý gì thêm?

- Giáo hội đã làm tất cả những gì cần làm qua các lần góp ý, phản biện với các dự thảo của thông tư này. Ngày 19-1-2023, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 04/2023/TT-BTC hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, hiệu lực từ ngày 19-3-2023.

Chúng ta cần tôn trọng pháp luật, nghiêm túc thực hiện thông tư này; tuy nhiên, chư Tăng Ni, trụ trì, trưởng ban quản trị các cơ sở tự viện cần nghiên cứu kỹ thông tư, cùng với hướng dẫn của Giáo hội, để nhận thức và có sự tách bạch rõ ràng. Chúng tôi lưu ý là chỉ một số cơ sở tự viện thuộc diện điều chỉnh của thông tư, chứ không phải tất cả các chùa đều phải bị quản lý về tiền công đức.

Tôi cũng xin nhắc lại khẳng định của Bộ Tài chính, rằng “không có nội dung nào quy định về quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo”, do đó, nếu có các vấn đề phát sinh, khó khăn, chúng tôi đề nghị chư Tăng Ni, các vị đứng đầu các cấp Giáo hội phản ánh về Hội đồng Trị sự để Giáo hội có sự can thiệp, hướng dẫn kịp thời, tránh những điều đáng tiếc không đáng có xảy ra.

Cảm ơn Thượng tọa đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Báo Giác Ngộ!

Hoàng Độ/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/giao-hoi-cap-quan-huyen-thi-xa-se-khong-con-cac-ban-chuyen-mon-truc-thuoc-post66404.html