Giao khoán bảo vệ rừng, người dân hưởng lợi kép
Hiện nay việc giao khoán bảo vệ rừng đối với các tổ chức, cộng đồng các thôn bản đang mang lại lợi ích kép ở tỉnh biên giới Điện Biên. Không chỉ tạo sinh kế, việc giao khoán này còn khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường thêm lực lượng giúp hạn chế cháy rừng.
Được giao quản lý, bảo vệ trên 2.200 ha rừng đặc dụng thuộc 2 xã: Mường Phăng và Pá Khoang (thành phố Điện Biên Phủ), dù diện tích không quá rộng, nhưng Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng trước đây gặp nhiều vất vả để giữ màu xanh cho cánh rừng này. Nguyên nhân là bởi có tới 36 bản thuộc 2 xã: Pá Khoang và Mường Phăng nằm trong vùng đệm, trong đó có hơn 10 bản, khoảng 100 hộ sinh sống nằm ở khu vực giáp ranh với rừng đặc dụng. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cần đất canh tác, từ đó phụ thuộc nhiều vào rừng. Điều này đã dẫn đến tình trạng xâm hại rừng để làm nương, lấy gỗ làm nhà.
Ông Quàng Văn Thư, Tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng (Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng) cho biết, từ thực tế trên, để người dân hiểu, nâng cao trách nhiệm giữ rừng, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường vai trò quản lý, giám sát của cộng đồng để bảo vệ rừng. Đồng thời ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng thôn, bản trên địa bàn 2 xã: Mường Phăng và Pá Khoang với 26 cộng đồng hơn 1.870 hộ dân tham gia. 26 cộng đồng nhận khoán đã thành lập 26 tổ bảo vệ rừng thôn, bản với số lượng mỗi tổ bảo vệ rừng từ 10 – 20 người, có thôn bản 100% các hộ đều tham gia vào tổ bảo vệ. Các tổ bảo vệ rừng đều xây dựng chi tiết kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng từ 2 – 4 lần/tháng và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng bảo vệ rừng của ban đi kiểm tra rừng. Nhờ đó các vụ xâm hại rừng đã giảm đáng kể trong những năm qua.
"Các tổ sẽ đi tuần tra bảo vệ rừng theo tuyến, kiểm tra những khu nào có cây gỗ to, gỗ nhỏ thì sẽ đi thường xuyên. Nhiệm vụ là sẽ đi kiểm tra rà soát những cây gẫy đổ hoặc những trường hợp khai thác rừng trái pháp luật như phát nương làm rẫy. Công tác phòng cháy chữa cháy thì có thể ở chỗ nào có nguy cơ cháy cao thì sẽ đến các điểm đó thường xuyên liên tục hơn", ông Quàng Văn Thư cho hay.
Việc thực hiện giao khoán, bảo vệ rừng thời gian qua trên địa bàn 2 xã: Mường Phăng và Pá Khoang đã hạn chế được tình trạng phá rừng tại rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng, góp phần duy trì ổn định diện tích rừng được giao khoán. Ngoài ra, còn nâng cao đời sống của các hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích hộ tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, đồng thời tiết kiệm ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ rừng tại cơ sở.
Ngoài ra, từ những khu vực rừng được nhận khoán, người dân đã kết hợp với việc phát triển kinh tế bằng các hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm và khai thác một số lâm sản phụ như cây dược liệu dưới tán rừng mà không làm ảnh hưởng đến rừng, đem lại nguồn thu nhập cho các hộ gia đình.
Ông Lò Văn Ọi, Trưởng bản Co Thón, xã Pá Khoang, thành phố Điện Biên Phủ cho biết, từ khi nhận khoán bảo vệ rừng, người dân đều có ý thức tự giác, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, nhiều năm nay, diện tích rừng do bản nhận khoán không xảy ra cháy rừng, phá rừng. Năm 2021, bản được nhận được gần 100 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này được thống nhất sử dụng phần lớn để phục vụ các hoạt động của tổ bảo vệ rừng, phần còn lại chia đều cho các hộ tham gia nhận khoán.
"Chúng tôi đã thường xuyên nhắc nhở người dân và tuyên truyền trong các cuộc họp. Tổ quản lý khi đi tuần tra sợ cháy rừng thì cũng thường xuyên dọn dẹp những cành khô, cành gãy. Khi nhận quản lý thì người dân cũng rất có ý thức, không phá rừng nên hiện rừng cũng đang phát triển rất tốt", ông Lò Văn Ọi chia sẻ.
Ông Trần Xuân Thắng, Giám đốc Ban quản lý rừng di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng cho biết, hiện nay đối với 5 Ban quản lý rừng của tỉnh đều đã tổ chức ký hợp đồng thuê khoán, giao khoán bảo vệ rừng với các tổ chức, cộng đồng các thôn bản trên địa bàn với tổng diện tích trên 48.577 ha rừng cho 116 cộng đồng thôn, bản với khoảng 7.200 hộ dân tham gia nhận khoán.
Riêng đối với rừng di tích lịch sử và cảnh quan môi trường Mường Phăng, năm 2021, đơn vị đã thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020 cho 26 thôn bản với số tiền gần 1 tỷ đồng. Tiền dịch vụ môi trường rừng giúp các tổ bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả và góp phần tăng thu nhập cho các hộ tham gia nhận khoán. Bên cạnh đó còn được khai thác lâm sản phụ ngoài gỗ để tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đệm, vùng lõi các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Từ đó tạo động lực khuyến khích người dân tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng.
"Cùng với giải pháp giao khoán này thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức có liên quan để tăng cường công tác tuyên truyền để làm sao nâng cao nhận thức của người dân đối với vai trò của khu rừng. Từ đó dần dần thay đổi được các phong tục tập quán sử dụng các vật liệu liên quan đến gỗ, củi gây ảnh hưởng đến rừng. Đây cũng được xác định là giải pháp trước mắt và lâu dài", ông Trần Xuân Thắng cho hay.
Việc giao khoán, thuê khoán rừng cho các cộng đồng thôn bản bảo vệ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng được nâng cao. Rừng được bảo vệ tốt hơn, các vụ cháy rừng, phá rừng giảm nhiều qua các năm. Từ đó, góp phần quan trọng giúp các Ban quản lý rừng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được UBND tỉnh Điện Biên giao./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-khoan-bao-ve-rung-nguoi-dan-huong-loi-kep-post943815.vov