Giao khoán đất lâm nghiệp còn nhiều bất cập
Trải qua 30 năm thực hiện giao khoán đất lâm nghiệp với 3 Nghị định được ban hàng theo từng thời kỳ, đã thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, vi phạm...

Giao khoán đất lâm nghiệp cho người dân phát triển kinh tế rừng.
Ngày 25/4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Vụ Kinh tế ngành - Ban Chính sách chiến lược Trung ương, Tổ chức Forest Trends tổ chức hội thảo “Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp”.
THU HÚT NGUỒN LỰC XÃ HỘI VÀO LÂM NGHIỆP
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết chính sách về giao khoán rừng, vườn cây, đất lâm nghiệp… lần đầu được ban hành tại Nghị định số 01/CP ngày 4/1/1995 về giao khoán đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong các doanh nghiệp nhà nước.
Sau đó, được thay thế bởi Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông lâm trường quốc doanh. Hiện nay là Nghị định số 168/2016/NĐ-CP quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước.

Ông Nguyễn Quốc Trị: "Việc giao khoán đã làm chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp". Ảnh: Chu Khôi.
Sau 30 năm thực hiện chính sách về giao khoán, các Công ty lâm nghiệp trên toàn quốc đã thực hiện khoán gần 460.000 ha, tương đương khoảng 27% tổng diện tích được quản lý. Trong đó, giao khoán rừng, đất lâm nghiệp, vườn cây và mặt nước nuôi trồng thủy sản theo Nghị định số 01/CP chiếm tới 68%, theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP chiếm 29%, còn theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP chỉ khoảng 3% tổng diện tích giao khoán.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, việc giao khoán đã làm chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp, cơ bản đáp ứng mục tiêu huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là người dân địa phương tham gia cùng với các công ty lâm nghiệp Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách giao khoán cũng còn bộc lộ những bất cập và hạn chế, đặc biệt là việc quản lý đất đai và rừng gắn với sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của các Công ty nông, lâm nghiệp.
Vì vậy, ngày 2/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 103-KL/TW, trong đó chỉ đạo: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công để hoàn thành sớm việc sắp xếp, đổi mới và thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả của các công ty nông, lâm nghiệp.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Chu Khôi. Chu Khôi.
Thông tin thêm, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cho biết vừa qua, Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã phối hợp với nhiều đơn vị khác tổ chức nghiên cứu, xây dựng Báo cáo “Nghiên cứu,đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp”. Trong quá trình nghiên cứu, đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu thực địa tại 26 công ty lâm nghiệp (trong tổng số 169 công ty lâm nghiệp trên cả nước), đảm bảo tính đại diện vùng, địa phương (Bắc Giang, Hòa Bình, Nghệ An, Gia Lai, Bình Định, Đồng Nai, Cà Mau).
Kết quả cho thấy 26 công ty lâm nghiệp này đang quản lý 292.632,47 ha, trong đó đất lâm nghiệp là 290.008,19 ha. Có 21 công ty đã thực hiện giao khoán 121.722,59 ha, chiếm 41,59%. Trong đó: Khoán 50 năm chiếm 3,1%; khoán 20 năm chiếm 28,04%; khoán theo chu kỳ sản xuất của cây trồng chiếm 8,13%; khoán theo công đoạn sản xuất chiếm 8,18%; khoán hằng năm chiếm 52,51%.
Hầu hết cán bộ quản lý và người dân được phỏng vấn, cho biết chính sách khoán đất lâm nghiệp đã thu hút được các nguồn lực xã hội tham gia quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên đất khoán; tạo ra nhiều mô hình trồng rừng, sản xuất nông lâm kết hợp hiệu quả trên diện tích khoán.
NHIỀU BẤT CẬP, NẢY SINH NHỮNG VI PHẠM
Mặc dù vậy, ông Tiến nêu lên nhiều vấn đề bất cập, vi phạm nảy sinh trong vấn đề giao khoán đất rừng. Theo đó, Nghị định 135/2005/NĐ-CP cho phép hộ nhận khoán được "làm nhà ở để trông nom khu rừng nhận khoán", "được làm lán trại tạm thời để bảo vệ sản xuất, cất giữ dụng cụ, vật tư sản xuất...". Tuy nhiên, công tác quản lý diện tích khoán của các đơn vị chủ rừng chưa chặt chẽ đã dẫn đến rất nhiều hộ nhận khoán tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất nhận khoán.
Nhiều hợp đồng khoán đã xác lập có nhiều nội dung không chặt chẽ, chưa
đảm bảo về mặt pháp lý, gây khó khăn, hoặc không xử lý được khi hộ nhận khoán vi phạm hợp đồng. Quy định về quyền lợi và trách nhiệm của người nhận khoán rừng chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc phân định trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm.
Bên cạnh đó, chưa có chế tài quy định xử lý trách nhiệm đối với cộng đồng, nhóm hộ, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng khi để xảy ra vi phạm pháp luật trên diện tích được giao khoán. Những diện tích khoán có diện tích đất nông nghiệp và nương rẫy xen lẫn với rừng tạo ra khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ diện tích rừng được giao. Việc xử lý tài sản trên đất (cây trồng, nhà ở, nhà tạm, sân phơi, giếng đào…) khi thanh lý hợp đồng, thu hồi diện tích khoán còn lúng túng, không biết theo quy định nào, cơ quan nào định giá tài sản…

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Chu Khôi.
Trước những bất cập trên, ông Nguyễn Văn Tiến kiến nghị cần điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách theo hướng: Với diện tích đã giao/cho thuê quyền quản lý sử dụng đất cho công ty thì để công ty chủ động thực hiện các biện pháp kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đối với công tác khoán, đề nghị nhà nước hướng dẫn khung chính sách, còn phương thức khoán, nội dung khoán, quyền, nghĩa vụ của các bên và vai trò trách nhiệm của công ty, của hộ nhận khoán, phương thức ăn chia, xử lý vi phạm… do công ty và hộ nhận khoán thỏa thuận và thực hiện theo quy định của Luật Dân sự.
“Cơ quan quản lý cần tăng cường thanh, kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện về quản lý sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý các trường hợp tranh chấp hợp đồng khoán, cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư sai quy định và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Đồng thời, lập phương án quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp khi trả về địa phương gắn với chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm an sinh xã hội”, ông Tiến đề xuất.
Ở góc độ cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản được sản xuất trên các diện tích đất lâm nghiệp, ông Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends), cho hay Quy định chống mất rừng của EU (EURD) có hiệu lực từ đầu năm 2026, các mặt hàng gỗ, cà phê, cao su trồng trên các diện tích đất lâm nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và phải tuân thủ những quy định pháp luật về lâm nghiệp. Các loại cây hàng hóa trồng trên diện tích xâm lấm vào các diện tích rừng từ thời điểm cuối năm 2020 trở lại đây sẽ không có cơ hội tiếp cận thị trường EU.
“Những tồn tại trong khâu sử dụng đất, giao khoán đất của các công ty lâm nghiệp, cho thấy các thách thức trong việc tiếp cận thị trường này trong tương lai đối với các mặt hàng được sản xuất trên các diện tích đất lâm nghiệp hiện nay”, ông Phúc cảnh báo.
Ông Nguyễn Bá Ngãi, Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam. Ảnh: Chu Khôi.
"Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với các tỉnh cần tạo hành lang pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính để các công ty nông lâm nghiệp chuyển đất lâm nghiệp về địa phương. Các địa phương cần tập trung hoàn thành kiểm kê đất lâm nghiệp, giải quyết dứt điểm các diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm. Địa phương phải xử lý, giải quyết các trường hợp cấp trùng; tiến hành xây dựng phương án quản lý, giao và sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Kết luận hội thảo, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết từ giờ đến cuối năm, ngành lâm nghiệp sẽ xây dựng một Nghị định bao trùm, sửa đổi tất cả các nghị định khác để tháo gỡ những vướng mắc trong lâm nghiệp, phù hợp với chính quyền hai cấp và khắc phục những vấn đề khó khăn trong thực tiễn mà muốn cần xử lý nhanh.
Do đó, những đề xuất từ hội thảo này được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất lâm nghiệp, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp Việt Nam.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/giao-khoan-dat-lam-nghiep-con-nhieu-bat-cap.htm