Giao khoán rừng phòng hộ ở Lâm Bình: Tạo thuận lợi cho người dân nâng cao thu nhập
Lâm Bình có trên 68.000 ha rừng, trong đó có hơn 43.000 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. UBND huyện Lâm Bình đã triển khai các giải pháp vận động nhân dân bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập từ rừng.
Lãnh đạo UBND huyện Lâm Bình và lực lượng chức năng của huyện trực tiếp kiểm tracông tác quản lý và bảo vệ rừng tại xã Khuôn Hà.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, UBND huyện Lâm Bình đã triển khai chính sách giao khoán rừng phòng hộ cho tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ rừng. Đồng thời, khuyến khích người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng. Hiện, toàn huyện có 187 tổ chức, hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ. Năm 2013, khi có chủ trương giao đất, giao rừng cho tổ chức, cá nhân nhận bảo vệ và chăm sóc, gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, thôn Nà Tông, xã Khuôn Hà đã tham gia nhận khoán và bảo vệ hơn 59 ha rừng tại khu vực lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình. Theo quy định, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ 400 nghìn đồng/ha/năm. Như vậy, mỗi năm gia đình anh được hỗ trợ tổng số tiền là 23,6 triệu đồng. Ngoài việc trông nom và bảo vệ rừng, gia đình anh Tùng còn phát triển kinh tế từ chăn nuôi bò, lợn dưới tán rừng; phát triển kinh tế từ chăn nuôi cá trên lòng hồ. Chỉ tính riêng nguồn thu từ chăn nuôi bò, lợn dưới tán rừng từ năm 2013 đến nay gia đình anh đã thu được hơn 500 triệu đồng tiền lãi. Chăn nuôi cá trên lòng hồ cũng giúp gia đình đạt doanh thu từ 1,5 - 2 tỷ đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Tùng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm chăn nuôi cá trên lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình thuộc khu vực nhận giao khoán, bảo vệ rừng.
Năm 2016, gia đình ông Triệu Văn Đội, thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm được giao khoán bảo vệ 90 ha rừng. Tận dụng lợi thế về tiềm năng đất đai và diện tích mặt nước, ông Đội đã vay 300 triệu đồng từ Agribank huyện Lâm Bình để đầu tư 18 lồng nuôi cá. Ông Đội chia sẻ, hiện nay gia đình ông đang chăn nuôi chủ yếu là cá lăng, trắm đen, nheo và rô phi… Ngoài chăn nuôi cá, gia đình ông còn nuôi từ 40 - 50 con lợn đen, mỗi năm xuất bán 3 lứa. Từ việc tận dụng diện tích mặt nước eo ngách tại vùng lòng hồ và chăn nuôi dưới tán rừng kết hợp bảo vệ rừng. Đến nay, mô hình chăn nuôi của gia đình ông Đội cho thu lãi 150 - 200 triệu đồng/năm.
Việc giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng đã giúp người dân yên tâm đầu tư chăn nuôi dưới tán rừng, tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình hộ gia đình, mô hình liên kết cộng đồng quản lý sử dụng rừng và đất rừng hiệu quả. Thời gian tới, các cơ quan liên quan của huyện tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ gia đình, nhóm hộ, tổ chức nhận khoán; tập trung xây dựng các mô hình hỗ trợ người dân phát triển kinh tế dưới tán rừng; đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp đến người dân, đặc biệt là các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình.